Hè về, vệ sinh quạt hộp: Nghe đã thấy ngại nhưng vẫn cần làm vì lý do này

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Công đoạn phức tạp nhất khi vệ sinh quạt hộp chắc chắn là tháo lắp sao cho chính xác. Với người không chuyên, phải làm như thế nào?

Tại sao cần vệ sinh quạt thường xuyên?

Hè về, vệ sinh quạt hộp: Nghe đã thấy ngại nhưng vẫn cần làm vì lý do này - 1

Vệ sinh, làm sạch quạt điện mang đến nhiều lợi ích, trong đó quan trọng nhất là tăng hiệu năng. Một chiếc quạt bám bụi sẽ giảm hiệu quả làm mát kém và tốn điện hơn.

Việc vệ sinh thường xuyên còn giúp tăng độ bền của quạt, giúp chúng phục vụ bạn được lâu hơn.

Cũng đừng quên rằng quạt bám bụi bẩn không chỉ ảnh hưởng đến các bộ phận bên trong máy, mà còn gây hại cho sức khỏe người dùng.

Vì thế, còn chờ gì nữa mà không "tổng vệ sinh" lại toàn bộ hệ thống quạt điện, quạt hộp trong nhà?

Hè về, vệ sinh quạt hộp: Nghe đã thấy ngại nhưng vẫn cần làm vì lý do này - 2

Các hạt bụi, lông thú, bụi vải... bay lơ lửng trong không khí mà mắt thường không nhìn thấy chính là một tác nhân gây ra bệnh dị ứng, bệnh đường hô hấp cho con người.

Hạt bụi càng nhỏ càng dễ tích tụ ở phế nang gây ra các bệnh lý đường hô hấp, như viêm phế quản, viêm phổi, tăng nguy cơ biến chứng của bệnh hen và phổi tắc nghẽn mãn tính.

Các hạt bụi nhỏ, khói, hóa chất khi đi vào cơ thể không làm phát bệnh ngay mà tích tụ một thời gian dài sau đó bùng phát thành bệnh vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Vệ sinh quạt hộp thế nào?

Dễ thấy so với các loại quạt thông thường, quạt hộp khó vệ sinh hơn do lắp ráp thành một cấu trúc riêng biệt.

Bên cạnh đó, quạt hộp thường được sử dụng trong các hệ thống hút mùi, lọc gió nên cũng hay bị người dùng vô tình "bỏ quên".

Để vệ sinh quạt hộp đúng cách và hiệu quả, trước hết bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ, gồm:

- Một chậu nước sạch, xà phòng,

- Một chiếc tua-vít,

- Chổi lau bụi, hoặc máy thổi bụi/hút bụi,

- Vải mềm để tránh làm xước các bộ phận,

- Bông ngoáy tai để vệ sinh trong những khe, kẽ.

Sau khi chuẩn bị đủ dụng cụ, bạn làm theo các bước sau:

Bước 1: Tháo rời quạt

Hè về, vệ sinh quạt hộp: Nghe đã thấy ngại nhưng vẫn cần làm vì lý do này - 3

Rút phích cắm của quạt, đảm bảo nó không còn gắn với nguồn điện. Sau đó, đặt quạt lên mặt bàn hoặc mặt phẳng để tiện cho việc thao tác.

Bạn nên lót một tấm giấy hoặc khăn trải phía dưới để hứng bụi rớt ra. Tiếp theo, tiến hành tháo rời các bộ phận bằng tua-vít.

Bước 2: Vệ sinh lồng quạt

Hè về, vệ sinh quạt hộp: Nghe đã thấy ngại nhưng vẫn cần làm vì lý do này - 4

Đối với lồng quạt bên ngoài, trước hết cần làm sạch bụi bằng chổi lau. Sau đó sử dụng dấm hoặc chất tẩy rửa để lau sạch một lần bằng khăn sạch, rồi lau lại bằng nước.

Nếu có vòi nước tăng áp, bạn có thể sử dụng để đánh bay bụi bẩn bám trên cánh quạt.

Bước 3: Vệ sinh cánh quạt

Hè về, vệ sinh quạt hộp: Nghe đã thấy ngại nhưng vẫn cần làm vì lý do này - 5

Đối với phần cánh quạt, bạn cũng có thể dùng cách vệ sinh tương tự như với lồng quạt. Nếu như bụi bẩn quá "cứng đầu", bạn có thể ngâm chúng trong nước ấm ít phút trước khi làm sạch.

Bước 4: Vệ sinh mô-tơ

Hè về, vệ sinh quạt hộp: Nghe đã thấy ngại nhưng vẫn cần làm vì lý do này - 6

Các vị trí để tra dầu.

Mô-tơ là bộ phận thường bị bỏ quên khi người dùng vệ sinh quạt. Bạn có thể dùng chổi lau bụi để làm sạch phần động cơ quạt. Bạn có thể dùng bông ngoáy tai để làm sạch những khe, kẽ nơi chổi không thể chạm tới.

Sau đó, bạn tiến hành tra dầu vào động cơ để quạt hoạt động trơn tru, không phát ra tiếng ồn.

Bước 5: Lắp quạt lại như ban đầu

Hè về, vệ sinh quạt hộp: Nghe đã thấy ngại nhưng vẫn cần làm vì lý do này - 7

Hãy đảm bảo các bộ phận của quạt đều được làm khô. Sau đó, bạn lắp đặt chúng theo đúng thứ tự tháo ra ban đầu.

Một số lưu ý khác đó là nếu bị cánh quạt bị vỡ trong quá trình vệ sinh, bạn nên tìm mua một cánh quạt mới để thay thế và tránh tự sửa để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng trong lúc lắp lại quạt, nếu phát hiện thiếu ốc vít, bạn nên tìm để lắp đủ để hạn chế các sự cố có thể xảy ra.