Ai hưởng lợi nhiều nhất khi VinSmart dừng kinh doanh smartphone?

Thế Anh

(Dân trí) - Theo chia sẻ từ một số chuyên gia, các thương hiệu smartphone Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều nhất sau khi VinSmart dừng kinh doanh smartphone.

Ngày 9/5/2021, Tập đoàn Vingroup đã chính thức công bố VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về "Infotainment" cho ô tô VinFast. 

Quyết định trên của hãng được đưa ra tương đối đột ngột bởi cách đây không lâu, nhà sản xuất này còn mở rộng hoạt động kinh doanh của họ tại thị trường Mỹ.

"Tiếc nuối cho một thương hiệu smartphone Việt còn rất trẻ"

"VinSmart ra đời là một niềm tự hào của thương hiệu Việt. Ngay khi ra mắt thị trường, hãng đã làm mọi việc một cách bài bản từ khâu nghiên cứu thiết kế, sản xuất và cách tiếp cận thị trường rất khôn khéo, thông minh. Trong khoảng thời gian ngắn, VinSmart đã chiếm được lượng tỷ trọng cao trong mảng smartphone, điều mà rất ít hãng điện thoại trước đây làm được".

Ai hưởng lợi nhiều nhất khi VinSmart dừng kinh doanh smartphone? - 1

Việc VinSmart dừng hoạt động kinh doanh mảng smartphone khiến không ít người dùng tiếc nuối.

"Tôi cảm thấy tiếc nuối cho một thương hiệu smartphone Việt còn rất trẻ, đã có những lúc họ chiếm lĩnh hầu như phân khúc giá rẻ. Tuy nhiên, chắc chắn hãng có lý do riêng khi lựa chọn kết thúc và hy vọng hãng sẽ tiếp tục thành công với định hướng mới", ông Phùng Ngọc Tuyên, Giám đốc ngành hàng Viễn thông di động của hệ thống Thế Giới di động chia sẻ với Dân trí.

Trước khi dừng việc sản xuất smartphone, VinSmart cũng là một cái tên đáng chú ý trên thị trường di động tại Việt Nam. Theo một báo cáo mới đây từ công ty nghiên cứu thị trường Canalys, Vsmart là hãng smartphone thương hiệu Việt duy nhất góp mặt trong top 5 khi chiếm 10% thị phần.

VinSmart ra đời vào tháng 6/2018, khởi điểm là sản xuất điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Sau gần 3 năm phát triển, Vsmart đã ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu TV.

Điểm nhấn của thương hiệu này là việc đạt top 3 thị phần tại Việt Nam với 16,7% thị phần vào tháng 4/2020, 15 tháng sau khi ra mắt sản phẩm đầu tiên. Đến tháng 6/2020, VinSmart thông báo đã bán ra thị trường được 1,2 triệu chiếc điện thoại. Trong suốt 2020, VinSmart khá vững vàng ở vị trí thứ 3 thị trường với thị phần trên 10%.

Các mẫu smartphone của VinSmart chủ yếu tập trung ở phân khúc giá tầm trung và phổ thông. Đây cũng là phân khúc smartphone có sự cạnh tranh gay gắt nhất tại thị trường Việt Nam với sự góp mặt của hàng loạt ông lớn trong ngành công nghiệp di động, đặc biệt là các thương hiệu từ Trung Quốc.

Trao đổi với Dân trí, đại diện hệ thống FPT Shop cho biết trước khi rút khỏi thị trường di động, Vsmart đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ và đạt được lượng thị phần nhất định trong phân khúc smartphone dưới 4 triệu đồng.

"Chúng tôi thấy rất tiếc khi lại có thêm một thương hiệu Việt dừng việc kinh doanh điện thoại. Thị trường smartphone luôn là thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt, một phần trong số đó đến từ sự cạnh tranh về giá bán của các thương hiệu Trung Quốc. Khi VinSmart không còn tiếp tục sản xuất smartphone, người hưởng lợi nhất sẽ là các thương hiệu từ Trung Quốc", đại diện hệ thống FPT Shop chia sẻ với Dân trí.

Ai hưởng lợi nhiều nhất khi VinSmart dừng kinh doanh smartphone? - 2

Theo chia sẻ từ một số chuyên gia, các thương hiệu smartphone Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều nhất sau khi VinSmart dừng kinh doanh smartphone.

Bên cạnh những cảm xúc tiếc nuối và hụt hẫng, một số chuyên gia cũng nhận định rằng quyết định chuyển hướng hoạt động của VinSmart là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với định hướng phát triển của công ty.

"Thị trường di động tại Việt Nam có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt, đặc biệt ở phân khúc tầm trung và giá rẻ. Việc VinSmart chuyển hướng hoạt động theo tôi là một quyết định đúng đắn trong bối cảnh nguồn cung linh kiện chip bị thiếu hụt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất thiết bị của nhiều hãng lớn, không chỉ riêng VinSmart. Ngoài ra, điều này cũng sẽ giúp cho hãng có thể tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển VinFast", ông Xuân Tình, đại diện hệ thống XT Mobile nhận định.

Thị trường di động cạnh tranh khốc liệt, nhiều ông lớn rút khỏi "cuộc chơi"

Nhìn lại giai đoạn 2014-2016, bên cạnh Apple và Samsung, thị trường smartphone ở Việt Nam phát triển vô cùng sôi động với sự cạnh tranh từ nhiều tên tuổi lớn trong làng di động như HTC, Sony và LG. Tuy nhiên, hiện tại, những thương hiệu di động này đã gần như biến mất hoặc rút khỏi thị trường.

Đầu tháng 4, LG - ông lớn một thời trong ngành công nghiệp di động cũng đã tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh này. Nguyên nhân được đề cập là do hoạt động kinh doanh thua lỗ của mảng smartphone trong thời gian dài. 

Đối với Sony, hãng hiện chỉ duy trì hoạt động một cách cầm chừng đối với mảng smartphone tại Việt Nam. Công ty công nghệ Nhật Bản hiện chỉ bán một số sản phẩm như Xperia 1 II hay Xperia 5 II tại hệ thống cửa hàng của hãng.

Trước đó, tại cuộc họp công bố chiến lược của Sony diễn ra vào tháng 5/2020, công ty đã quyết định sẽ thu hẹp hoạt động tại một số thị trường có mức doanh số không khả quan như Ấn Độ, Australia, Canada, Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông, Đông Nam Á và Việt Nam.

Trong khi đó, dù chưa chính thức đưa ra thông báo rời thị trường nhưng sự hiện diện của HTC tại mảng smartphone đã gần như không còn. Tháng 1/2018, Google đã thâu tóm một phần mảng di động của công ty Đài Loan với thương vụ trị giá 1,1 tỷ USD. Hiện tại, hãng chủ yếu tập trung vào phát triển mảng thực tế ảo.

HTC U12+ là mẫu điện thoại cuối cùng được hãng ra mắt tại thị trường Việt Nam vào tháng 7/2018. Đến nay, smartphone của HTC đã hoàn toàn biến mất trên bản đồ di động tại Việt Nam.

Ai hưởng lợi nhiều nhất khi VinSmart dừng kinh doanh smartphone? - 3

Nhiều ông lớn trong ngành công nghiệp di động đã phải rút khỏi mảng kinh doanh này do sự cạnh tranh quá gay gắt.

Năm 2020, doanh số smartphone toàn cầu ghi nhận sự sụt giảm kỷ lục, 8,8%, theo báo cáo của Digitimes Research. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tiêu thụ smartphone toàn cầu lao dốc thảm hại, từ hơn 1,8 tỷ thiết bị năm 2018 xuống chỉ còn 1,2 tỷ thiết bị năm 2020.

Trong bức thư gửi các nhà đầu tư trong ngày đầu năm mới 2019, CEO Apple - Tim Cook - nêu rõ, iPhone từng tăng trưởng liên tục trong thời gian dài, nhưng cũng giống như máy tính để bàn, sản lượng smartphone cuối cùng cũng đã đạt đến ngưỡng phát triển và nhu cầu dành cho chúng giảm dần.

Nhiều người cho rằng thị trường smartphone trở nên bế tắc sau khi Covid-19 xuất hiện, nhưng thực tế không phải vậy. Nghiên cứu cho thấy, sức mua điện thoại thông minh đã có xu hướng giảm dần từ nhiều năm trước, khi người dùng có thói quen sử dụng thiết bị dài hơn và thị trường bước vào giai đoạn bão hòa do sự góp mặt của quá nhiều nhà sản xuất.

"Vòng đời smartphone đã tăng lên 2 -3 năm. Xu hướng này đang khiến thị trường gặp khó khăn", Roberta Cozza, nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, nhận định.