U ác tính dạ dày có chữa được không?

Hà An

(Dân trí) - Khi nhận được kết quả chẩn đoán bệnh, câu hỏi thắc mắc của nhiều người là u ác tính dạ dày có chữa được không?, có các phương pháp điều trị nào?...

Điều trị u ác tính dạ dày như thế nào?

Để trả lời câu hỏi U ác tính dạ dày có chữa được không?, chúng ta cần hiểu giống như các bệnh ung thư khác, u ác tính dạ dày được phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời sẽ mang lại tiên lượng rất tốt. Phương pháp điều trị u ác tính dạ dày phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn bệnh và các tình trạng sức khỏe của bạn. Bác sĩ có thể kết hợp một hay nhiều phương pháp.

Thực tế, nhiều trường hợp u ác tính dạ dày không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng vẫn có thể điều trị để giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Người bệnh có thể điều trị bằng hóa chất, trong một số trường hợp là xạ trị và phẫu thuật.

U ác tính dạ dày có chữa được không? - 1

Nếu u ác tính dạ dày ở giai đoạn có thể phẫu thuật thì phẫu thuật có thể chữa khỏi ung thư dạ dày miễn là có thể loại bỏ tất cả các mô ung thư. Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày được gọi là phẫu thuật cắt dạ dày. Bạn vẫn có thể ăn uống bình thường sau khi cắt dạ dày, nhưng có thể bạn sẽ phải điều chỉnh khẩu phần ăn của mình.

Hóa trị cũng có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để giúp thu nhỏ khối u và đôi khi sau khi phẫu thuật để giúp ngăn ngừa ung thư quay trở lại.

Trong khi đó, nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, bệnh nhân không cần điều trị hóa chất, không phải chịu đựng phẫu thuật. Ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần tiến hành nội soi dạ dày để cắt hớt niêm mạc (Endoscopic Mucosal Resection- EMR) hoặc cắt tách niêm mạc (Endoscopic Submucosal Dissection- ESD) có nghĩa là tiến hành lấy toàn bộ vùng niêm mạc bị ung thư qua nội soi đường miệng với chất lượng sống tốt như người bình thường.

Những người có nguy cơ cao bị u ác tính dạ dày

Theo Ts.Bs Vũ Trường Khanh, Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, những trường hợp dưới đây cần cảnh giác với u ác tính dạ dày:

- Những người có bố mẹ hoặc anh em ruột bị ung thư dạ dày, đặc biệt có người bị ung thư dạ dày dưới 40 tuổi.

- Người bị cắt bán phần dạ dày sau 15 năm.

- Người có viêm teo niêm mạc dạ dày nặng trên nội soi: viêm teo thân vị hoặc toàn bộ niêm mạc dạ dày.

- Những người từng phát hiện ung thư dạ dày sớm đã điều trị khỏi bằng cắt hớt hoặc tách cắt niêm mạc.

- Những người bị hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình.

U ác tính dạ dày có chữa được không? - 2

Dấu hiệu của u ác tính dạ dày

Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu lâm sàng của bệnh ung thư dạ dày chỉ là các triệu chứng cơ năng không đặc hiệu.

Cụ thể:

- Đầy bụng sau khi ăn, khó tiêu, lúc đầu còn thưa về sau thành liên tục.

- Ăn mất ngon, mới đầu chán ăn thịt mỡ, về sau chán ăn bất kỳ loại thức ăn nào.

- Buồn nôn sau khi ăn, ngày càng tăng rồi nôn, lúc đầu nôn ít sau nôn nhiều với bất kỳ loại thức ăn nào.

- Thay đổi đặc tính cơn đau: đau thượng vị mất chu kỳ, kéo dài hơn, không giảm khi dùng thuốc (loại trước đây cắt cơn đau tốt).

- Thiếu máu (ù tai, hoa mắt) kèm theo đi ngoài phân đen rỉ rả không để ý, tình cờ bác sĩ phát hiện.

- Suy nhược, mệt mỏi, sút cân không cắt nghĩa được nguyên nhân.

Những triệu chứng thực thể khi xuất hiện thường là đã muộn. Chẳng hạn, bác sĩ khám sờ thấy khối u vùng thượng vị, thường ở trên hoặc ngang rốn (có thể thấy ở dưới rốn nếu dạ dày sa), u rắn chắc, nổi rõ sau bữa ăn. Hay bệnh nhân đột nhiên sốt kéo dài, phù hai chân, nôn máu, đi ngoài phân đen, bụng co cứng…

Để phát hiện sàng lọc sớm ung thư dạ dày, phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là nội soi dạ dày bằng ống mềm cho phép đánh giá toàn bộ niêm mạc trọng dạ dày. Ngay khi nội soi bác sĩ có thể đánh giá ngay về kích thước, hình thái, cấu trúc bề mặt, mạch máu của tổn thương, và có thể đưa ra những quyết định sớm cho bệnh nhân. Trong trường hợp tầm soát ung thư sớm, nội soi rất quan trọng vì đối với bệnh nhân, nhiều khi chưa có triệu chứng đau nhưng đã có tổn thương, nếu phát hiện sớm có thể can thiệp qua nội soi mà không cần can thiệp về phẫu thuật.