Triệu chứng táo bón trong ung thư

Hà An

(Dân trí) - Khi nhu động ruột kém hơn bình thường hoặc khi phân trở nên cứng và khó đại tiện thì được gọi là táo bón.

Bạn có thể bị táo bón vì không có đủ lượng chất lỏng trong hệ tiêu hóa hoặc không có đủ sự chuyển động trong ruột của bạn (ruột non hoặc đại tràng), nơi phân được hình thành và được đẩy ra khỏi cơ thể. Theo bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, một số người bệnh ung thư có thể có nguy cơ cao bị táo bón nếu họ có một khối u trong ổ bụng hoặc trong khung chậu, hoặc do một số phương pháp điều trị ung thư, do ít vận động, suy nhược cơ thể, đang dùng thuốc giảm đau, thay đổi lượng/loại thức ăn, hoặc lượng chất lỏng đưa vào cơ thể ít. 

Triệu chứng táo bón trong ung thư - 1

Những dấu hiệu nhận biết táo bón  

- Phân cứng và nhỏ (đôi khi còn được miêu tả như là những "viên phân")

- Đi phân són mềm, lỏng giống như tiêu chảy 

- Đau hoặc quặn bụng

- Thường xuyên ợ hơi và trung tiện nhiều 

- Căng tức bụng hoặc chướng bụng

- Không đi đại tiện như thói quen thường nhật trong 3 ngày liền 

- Nôn hoặc buồn nôn

Người bệnh nên làm gì khi bị táo bón

Đề nghị nhân viên y tế giúp bạn lên kế hoạch chăm sóc đường ruột hàng ngày. Họ có thể cho thuốc hỗ trợ như thuốc làm mềm phân, bổ sung chất xơ. Bạn cố gắng ăn đúng giờ. Nếu có thể, cố gắng đi đại tiện vào một giờ cố định hàng ngày.

Theo dõi thời gian đi đại tiện để có thể nhanh chóng phát hiện ra các vấn đề bất thường.

Nếu được sự đồng ý của nhân viên y tế, hàng ngày bạn nên ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ như: bánh mỳ và ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi, rau xanh, nước trái cây, quả chà là, quả mơ, nho khô, mận khô, nước mận và các loại hạt. 

Hãy uống nhiều nước. Nước trái cây ấm tiệt trùng hoặc nước nóng vào buổi sáng thường rất hữu ích cho bạn. 

Tập thể dục nhẹ nhàng càng nhiều càng tốt

Đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu

Tránh những thức ăn và đồ uống gây ra đầy hơi như táo, bơ, hạt đậu và đậu hà lan, cải bắp, bông cải xanh, sữa, đồ uống có ga cho tới khi bạn hết táo bón

Tránh nhai kẹo cao su và uống nước bằng ống hút. Sử dụng chúng có thể gây ra đầy hơi

Tránh hoặc loại bỏ bất kỳ loại thức ăn nào có thể gây ra táo bón như phomai hoặc trứng

Không sử dụng thuốc thụt hoặc thuốc đặt hậu môn. Luôn luôn hỏi bác sỹ ung thư của bạn trước khi sử dụng thuốc làm mềm phân hoặc thuốc chống táo bón. 

Liên hệ ngay với nhân viên y tế khi người bệnh có các triệu chứng sau

Không đi đại tiện trong 3 ngày  hoặc theo khuyến cáo của bác sĩ khi bắt đầu điều trị

Có máu ở trong hoặc xung quanh hậu môn hoặc có máu trong phân.

Không đi đại tiện trong vòng 1 hoặc 2 ngày sau khi dùng thuốc làm mềm phân hoặc thuốc chống táo bón. 

Đau quặn bụng hoặc nôn liên tục.