Tái nhiễm Covid-19: Ai dễ mắc lại, có phải điều trị không?

Hà An

(Dân trí) - Hiện nay nhiều người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, nhưng một thời gian sau, khi tiếp xúc với nguồn lây lại tiếp tục dương tính trở lại, có các triệu chứng. Đây được gọi là tái nhiễm Covid-19.

Vì sao đã tiêm phòng vaccine, đã mắc bệnh và có kháng thể mà vẫn có thể tái nhiễm. Những người nào có nguy cơ tái nhiễm, tái nhiễm có phải điều trị và cách ly không? Bác sĩ Lê Thị Thanh Thủy - Chuyên khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City sẽ chia sẻ về vấn đề này.

Tái nhiễm Covid-19 có nghĩa là một người đã bị nhiễm, khỏi bệnh và sau đó bị nhiễm lại. Xét về mặt lâm sàng thì người nào đó đã từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh, bây giờ xuất hiện triệu chứng và xét nghiệm dương tính thì có thể nói là tái nhiễm. Một người tái nhiễm Covid-19 nghĩa là họ có thể nhiễm một biến chủng khác, bởi sau khi nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh, trong cơ thể chúng ta đã có kháng thể với chủng cũ.

Tái nhiễm Covid-19: Ai dễ mắc lại, có phải điều trị không?

Ai có nguy cơ tái nhiễm?

Hiện nay, chưa có nghiên cứu đầy đủ về đối tượng cũng như khoảng thời gian có thể tái nhiễm sau khi âm tính. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy, có trường hợp tái nhiễm chủng Omicron xuất hiện trong vòng 3 tháng sau khi âm tính với một chủng khác. Như vậy nếu bạn đã từng nhiễm chủng Delta thì vẫn có nguy cơ nhiễm Omicron. Do đó, về nguy cơ tái nhiễm, có thể nói rằng ai cũng có thể bị tái nhiễm sau khi đã khỏi Covid-19.

Tái nhiễm sẽ nhẹ hay nặng hơn?

Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân tái nhiễm có các triệu chứng tương tự hoặc nhẹ hơn lần đầu. Ví dụ với Delta các triệu chứng được báo cáo phổ biến là nghẹt mũi, mất vị giác, nhưng với chủng Omicron thì không có mất khứu giác. Thường nhiễm Omicron chỉ chảy mũi, đau người, sốt nhẹ, gai người, có ho kích ứng, không có biểu hiện nặng hơn so với chủng cũ.

Âm tính sau bao lâu thì có nguy cơ tái nhiễm lại?

Sau khi tiêm phòng hoặc mắc Covid-19, cơ thể chúng ta sẽ có kháng thể, nhưng do lượng kháng thể này sẽ giảm dần sau các mốc thời gian 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng và đặc biệt sẽ giảm mạnh sau 3 tháng và xuống thấp sau 6 tháng. Về lý thuyết, trong 3 tháng đầu tiên, cơ thể sẽ được bảo vệ tốt hơn nhưng điều đó lại không đúng với chủng Omicron hiện nay.

Tái nhiễm có cần phải cách ly, điều trị?

Người bệnh F0 tái nhiễm vẫn có nguy cơ lây cho người khác do quá trình nhân lên của virus vẫn lặp lại. Do đó, bạn vẫn phải cách ly và điều trị theo thời gian mà Bộ Y tế khuyến cáo, như hiện nay là 7 ngày kể từ lúc phát hiện dương tính hoặc có triệu chứng.

Liệu có thể tái nhiễm nhiều lần không?

Điều này có thể nếu sau này có các biến chủng khác nữa. Khi tái nhiễm các triệu chứng sẽ nặng hơn hay nhẹ hơn sẽ không dự báo trước được. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học phán đoán Omicron như chủng đệm sau này Covid-19 sẽ trở thành một bệnh truyền nhiễm thông thường với các triệu chứng khá nhẹ, tương tự như triệu chứng cúm hiện nay.

Như vậy, các cựu F0 dù đã hiện đã âm tính, nhưng bạn cũng vẫn nên áp dụng các biện pháp phòng dịch 5K, không nên chủ quan.