Sau Covid-19, nhiều bệnh viện gặp khó vì máy móc "đắp chiếu"

Nam Phương

(Dân trí) - Bệnh viện K có 9 máy xạ trị thì giờ chỉ còn 5 máy hoạt động. Gần như bệnh nhân thức cả đêm để chạy xạ. Tại BV Bạch Mai nhiều máy móc hiện đại như robot Rosa, kính hiển vi phẫu thuật… cũng nằm im.

Ngành y gặp khó sau đại dịch Covid-19

Chia sẻ tại buổi tọa đàm mới đây trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, K (Hà Nội) đều kêu về việc thiếu trang thiết bị y tế. 

Là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, Bệnh viện Bạch Mai từng tự hào vì là một trong số những bệnh viện sớm có thiết bị đồng bộ cho chẩn đoán ung thư. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, toàn bộ thiết bị này là số 0 tròn trĩnh. Toàn bộ thiết bị như máy chụp cộng hưởng từ, xạ trị gia tốc, phẫu xạ có những máy đã hết hợp đồng, có những cái vướng vào thủ tục pháp lý. 

Sau Covid-19, nhiều bệnh viện gặp khó vì máy móc đắp chiếu - 1

Nhiều trang thiết bị hiện đại tại Bệnh viện Bạch Mai hiện không hoạt động vì vướng cơ chế pháp lý (Ảnh: Tố Linh).

Cả hệ thống thiết bị y tế phục vụ phẫu thuật như robot Rosa, kính hiển vi phẫu thuật, hệ thống phẫu thuật nội soi hoặc không hoạt động hoặc hết hợp đồng liên doanh liên kết phải "đắp chiếu". 

Tương tự tại Bệnh viện K, trước đây cơ sở này có 9 máy xạ trị, bây giờ chỉ còn 5 máy hoạt động. Có máy thì hết thời hạn khấu hao, có cái thì sử dụng hết niên hạn. Gần như bệnh nhân phải thức cả đêm để chạy xạ. Để đáp ứng được nhu cầu cho bệnh nhân xạ trị như hiện nay thì bệnh viện phải cần 10 máy nữa. Trong khi đó, một máy xạ trị đã mất 130 tỷ đồng. 

Không những thế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cũng khiến nhiều bệnh nhân lao đao. 

Hàng loạt khó khăn này đặt ra cho ngành y tế nhiệm vụ cấp thiết là phải đổi mới sáng tạo, để xây dựng một hệ thống y tế đủ "sức khỏe" chống chọi lại những đại dịch khác trong tương lai. 

Đổi mới sáng tạo trong y tế - vấn đề rất thời sự

Đại dịch Covid-19 cho thấy tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, để ứng phó với những biến đổi khó lường. 

Chia sẻ tại diễn đàn Đổi mới sáng tạo diễn ra tại Hà Nội ngày 21/11, ông Emin Turan, Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cho biết đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức to lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, nó cũng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong ngành y tế. Có đổi mới sáng tạo, chúng ta mới có thể hy vọng sẽ phát triển một hệ thống chăm sóc sức khỏe linh hoạt và bền vững hơn trong tương lai. 

Đổi mới sáng tạo luôn có các thách thức giống nhau, từ ý tưởng đến thành công đây là một hành trình rất gian nan và khó khăn. Đa số sẽ không thành công. Việt Nam đang có cơ hội, với đội ngũ lao động trẻ được đào tạo, nhằm tạo lập một môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo. 

Với riêng lĩnh vực dược, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y cho rằng đại dịch Covid-19 vừa là thách nhưng cũng là cơ hội. 

"Qua đại dịch Covid-19, chúng ta thấy không chỉ Việt Nam mà ngay cả các nước khác cũng bộc lộ tất cả các mâu thuẫn trong quá trình cung cấp thuốc. Trên thế giới cũng có hiện tượng đứt gãy nguồn cung ứng thuốc. Điều này khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân trong dịch gặp rất nhiều khó khăn như thiếu thuốc, trang thiết bị y tế… Từ đấy, các nhà hoạch định chính sách nhận thấy một điều phải cơ cấu lại nền công nghiệp dược của các nước, của từng quốc gia, khu vực", PGS Truyền nói. 

Ngoài ra, trong quá trình dịch bệnh xảy ra, có thể thấy không một nước nào có thể tự cô lập mình mà cần sự hợp tác quốc tế. Lấy ví dụ, khi Pfizer hay AstraZeneca phát minh ra vaccine phòng Covid-19 thì những vaccine đó không thể chỉ sản xuất ở Mỹ, Anh là có thể cung cấp được cho toàn cầu. Vì vậy, họ phải tìm các quốc gia khác có năng lực để sản xuất. Đây cũng là lý do vì sao châu Phi cực kỳ thiếu vaccine vì không có quốc gia nào ở châu Phi có thể sản xuất được vaccine. 

"Nền công nghiệp dược thế giới đang phải tính toán lại. Trong bối cảnh đó, quốc gia nào có tiềm lực, có chính sách tốt, nguồn nhân lực tốt thì có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này vừa giúp nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cung ứng thuốc cho người dân đồng thời có thể xuất khẩu", PGS Truyền nói. 

Theo ông, ngành dược Việt Nam cũng nhắm đến mục tiêu trở thành một trung tâm của khu vực trong cung ứng thuốc men, không chỉ cung cấp cho 100 triệu người dân Việt mà nhìn đến một thị trường rộng hơn trước mắt là thị trường ASEAN. 

"Dù vậy, cái yếu của chúng ta là nguồn nhân lực rất phân tán, làm sao để kết nối được các ngành hỗ trợ cho ngành dược như dầu khí, công nghệ hóa chất, ngành nông nghiệp với dược liệu…", PGS Truyền nói. 

Các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần xây dựng hành lang pháp lý đủ linh động để thích ứng với các thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và tri thức. Đồng thời củng cố tính dự báo, hỗ trợ thúc đẩy khối nghiên cứu và doanh nghiệp thực hiện phát triển được các dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Với môi trường này, khối nghiên cứu và doanh nghiệp sẽ vượt qua được khoảng cách từ nghiên cứu đến thị trường và đồng hành trên hành trình đổi mới sáng tạo giải quyết các bài toán hiện tại và trong tương lai.