Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

Những "chiến binh" 115 trong cuộc chiến chống Covid-19 của Đà Nẵng

Khánh Hồng

(Dân trí) - Làm việc liên tục, xuyên ngày đêm dẫn đến kiệt sức, ngất xỉu, sốc nhiệt… các nhân viên y tế của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 đợt 2.

Những con thoi giữa tâm dịch

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 của Đà Nẵng đã được khống chế cách đây nhiều tháng nhưng điều dưỡng Nguyễn Trung (sinh 1989, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng) vẫn nhớ như in những ngày đầu cùng các đồng nghiệp tham gia vào cuộc chiến này. Đây cũng lần đầu tiên trong đời sau bao nhiêu năm công tác ngành y, anh Trung phải làm việc với cường độ cao và vất vả như thế.

7 ngày đầu tiên là thời gian anh và các đồng nghiệp phải làm việc vất vả nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần này ngày bởi số lượng ca mắc nhiều, những trường hợp liên quan phải vận chuyển lớn.

Những chiến binh 115 trong cuộc chiến chống Covid-19 của Đà Nẵng - 1

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 của Đà Nẵng, các bác sĩ, nhân viên y tế Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng phải làm việc xuyên ngày đêm để vận chuyển bệnh nhân Covid-19 và những trường hợp liên quan

Ngoài việc vận chuyển các ca mắc và những trường hợp F1, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng còn tham gia hỗ trợ chở các bệnh nhân mắc bệnh thông thường và người nhà bệnh nhân đến các bệnh viện và các địa điểm cách ly tập trung để giải phóng Bệnh viện Đà Nẵng.

"Có ngày tôi tham gia vận chuyển bệnh nhân suy thận nặng vào Quảng Nam, vừa về được 20 phút thì lại tiếp tục chuyển một bệnh nhân khác ra Huế. Khi quay về là 9 giờ tối lại tiếp tục chuyển bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến Bệnh viện 199 và khách sạn để cách ly. Trong vòng hai ngày như thế, chúng tôi làm việc liên tục là giải tỏa xong Bệnh viện Đà Nẵng. Nhiều lúc chúng tôi không có thời gian để xuống xe vì hết chuyến này là kề vào chuyến khác", anh Trung nhớ lại.

Những chiến binh 115 trong cuộc chiến chống Covid-19 của Đà Nẵng - 2

Việc liên tục trong điều kiện thời tiết nóng bức và mặc đồ bảo hộ kín mít, các nhân viên y tế ở đây thường bị kiệt sức, sốc nhiệt

Vợ anh Trung cũng là điều dưỡng, công tác tại Đội dự phòng Y tế, Trung tâm y tế quận Hải Châu. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 này cả hai vợ chồng anh Trung đều tham gia "cuộc chiến" nên đành phải gửi hai con (cháu đầu 4 tuổi rưỡi, cháu sau vừa tròn 1 tuổi) cho ông bà nội chăm sóc.

"Thời điểm đó cháu nhỏ chưa cai sữa mẹ nên đêm đến khóc rất nhiều. Hai vợ chồng gọi điện về nhưng không dám cho cháu thấy mặt vì sợ cháu đòi. 28 ngày sau, chúng tôi trở về, cháu không nhớ mặt ba mẹ nữa. Tôi phải mất 5 ngày bên cháu, tương tác với cháu, cháu mới nhớ ra. Còn đối với mẹ thì cháu nhớ nhanh hơn", anh Trung kể lại và cho biết, cảm giác của anh lúc đó rất buồn vì con gái không nhớ ra mình nữa.

Những chiến binh 115 trong cuộc chiến chống Covid-19 của Đà Nẵng - 3

Có người còn ngất xỉu phải truyền nước

Với cường độ làm việc 48 tiếng liên tục và nghỉ 24 tiếng, điều dưỡng Huỳnh Văn Hưng (sinh 1993) mặc dù còn trẻ nhưng nhiều lúc cũng thấy kiệt sức.

Anh nhớ, có lần chuyển 4 bệnh nhân suy thận mắc Covid-19 từ Bệnh viện Đà Nẵng lên Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Đúng lúc đó, thang máy của bệnh viện bị hỏng nên anh cùng một nhân viên khác của Bệnh viện dã chiến Hòa Vang phải khiêng bệnh nhân từ tầng 1 lên tầng 2.

"Mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo khẩu trang nên được 5 phút là người ướt sũng. Mỗi lần khiêng xong một bệnh nhân, chúng tôi phải nghỉ 10 phút mới có sức khiêng tiếp bệnh nhân khác. Xong việc, tay cũng nhăn nheo hết do mất nước", anh Hưng kể.

"Cuộc chiến này chúng tôi không cầm súng mà cầm vô lăng"

Với lái xe Nguyễn Hữu Hạnh (sinh 1979), vận chuyển ca mắc Covid-19 cảnh giác đã nặng nề rồi nhưng với ca Covid-19 tử vong lại càng nặng nề hơn nữa. Nhưng với tinh thần sẵn sàng phục vụ cho nhân dân, sẵn sàng dẹp "giặc", anh Hạnh không nề hà công việc. Hễ cứ nhận được lệnh là anh lại lên đường, có khi đi cùng đồng nghiệp nhưng cũng có khi đi một mình chở bệnh nhân Covid-19 tử vong đến nơi hỏa táng.

Những chiến binh 115 trong cuộc chiến chống Covid-19 của Đà Nẵng - 4

Tuy nhiên lúc nào họ cũng sẵn sàng lên đường với quyết tâm cao

"Có đi mới có thể về, có đi mới kết thúc được dịch. Trong cuộc chiến này, tuy chúng tôi không cầm súng nhưng cầm vô lăng để góp phần mang lại bình yên, an lành cho người dân", anh Hạnh chia sẻ và cảm ơn lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm đã tạo điều kiện giúp đỡ anh cùng các đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ, không ai bị mắc Covid-19.

Nhiệm vụ chính bác sĩ Trần Quốc Tuấn (Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp) là cấp cứu bệnh nhân nhưng những lúc cao điểm, thiếu tài xế, anh cũng có thể trở thành một tay lái cừ để tham gia vận chuyển các trường hợp các ca mắc Covid-19 đi điều trị và các trường hợp liên quan đi cách ly.

Những chiến binh 115 trong cuộc chiến chống Covid-19 của Đà Nẵng - 5

Xe cấp cứu hoạt động 24/7 bất kể ngày đêm

 Bác sĩ Tuấn có con lớn năm nay 10 tuổi, con nhỏ 4 tuổi. Thường xuyên tiếp xúc với các trường hợp liên quan đến Covid-19 nên bác sĩ Tuấn không dám về nhà sợ ảnh hưởng đến gia đình. Có lần nhớ con quá, anh đành chạy xe về đứng ngoài cổng để nhìn con.

"Cháu nhỏ thấy ba về thì chạy ào ra nhưng tôi cản cháu lại. Hai cha con đứng nói chuyện với nhau bị ngăn cách bởi cánh cổng. Lúc đó tôi chỉ mong sớm hết dịch đề được về với con, về với gia đình", bác sĩ Tuấn nhớ lại.

Không sợ mắc Covid-19, chỉ sợ không có người làm

"Thời gian đầu, ngoài việc vận chuyển các ca mắc Covid-19, các trường hợp F1 đi cách ly, anh em còn vận chuyển những ca bệnh nặng ra Huế, di dời các bệnh nhân thông thường và người nhà bệnh nhân đi cách ly để giải tỏa cho Bệnh viện Đà Nẵng nên rất vất vả, nhiều lúc không kịp cơm. Ngày cao điểm nhất chúng tôi phải vận chuyển 148 ca liên quan đến Covid-19. Thời tiết nắng nóng, phải mặc đồ bảo hộ kín mít và làm việc liên tục khiến anh em bị kiệt sức, sốc nhiệt, choáng váng", bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng nghẹn giọng nói về các nhân viên của mình.

Những chiến binh 115 trong cuộc chiến chống Covid-19 của Đà Nẵng - 6

Những phút nghỉ ngơi hiếm hoi của nhân viên y tế Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng sau ca làm (ảnh Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cung cấp)

Thời điểm đó, hơn 100 con người nơi đây và 15 xe cứu thương hàng ngày túc trực và luân phiên nhau làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm. Bất cứ lúc nào được điều động là các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây lại lên đường. Một số bác sĩ, nhân viên y tế 2 tháng không về nhà.

"Anh em không sợ mắc Covid-19, chỉ sợ nếu có người mắc cả Trung tâm phải đi cách ly thì sẽ không có lực lượng để làm việc. Vì vậy, anh em luôn cố gắng bảo toàn lực lượng. Và kết thúc đợt dịch, 100% lực lượng được đảm bảo, không ai bị mắc bệnh cả, đó là điều rất đáng mừng", bác sĩ chia sẻ.

Những chiến binh 115 trong cuộc chiến chống Covid-19 của Đà Nẵng - 7

Hết dịch Covid-19, các bác sĩ, nhân viên y tế Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng lại tiếp tục bận rộn với những ca cấp cứu

Nhớ lại hình ảnh các nhân viên của mình bị kiệt sức, ngất xỉu… vì làm việc quá sức, bác sĩ Thảo không kiềm được xúc động: "Thật sự lúc đó rất thương các anh em. Tình thương đó như là tình thương của người chị dành cho các em của mình vậy".

Hình ảnh các nhân viên y tế của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng bị sốc nhiệt, kiệt sức sau những ca làm việc được chia sẻ trên mạng tối 4/8/2020 khiến nhiều người không khỏi nghẹn lòng.

Hôm đó, các nhân viên y tế của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng nhận lệnh lúc 11h trưa, huy động 3 xe gồm 6 người đến Bệnh viện Đà Nẵng chở các bệnh nhân mắc Covid-19 lên Bệnh viện dã chiến Hòa Vang để điều trị. Tuy nhiên, đợi đến 13h30 xe mới có thế xuất phát. Khi làm xong công việc vận chuyển và trở về Trung tâm cũng đã 17h chiều. Vì chưa ăn trưa và phải mặc đồ bảo hộ trong nhiều giờ đồng hồ, các nhân viên y của Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng bị sốc nhiệt, kiệt sức, thậm chí anh Huỳnh Đức Thành (sinh 1986) đã ngất xỉu. Đồng nghiệp phải cấp cứu bằng cách tiếp nước, dội thẳng nước vào người.

Khỏe trở lại, các anh lại vào "guồng quay" của một ngày làm việc tiếp theo với những chuyến vận chuyển bệnh nhân Covid-19 và các trường hợp liên quan.