Người phụ nữ có nội tạng "biết đi" và nguyên nhân bất ngờ phía sau

Minh Nhật

(Dân trí) - Một phụ nữ ở Michigan (Mỹ) được phát hiện ra có lá lách tự di chuyển bên trong cơ thể với quãng đường hơn 30cm chỉ trong 48 tiếng.

Người phụ nữ có nội tạng biết đi và nguyên nhân bất ngờ phía sau - 1

Theo thông tin được đăng tải trên Tạp chí Y học New England, một phụ nữ ở Michigan (Mỹ) được phát hiện ra có lá lách tự di chuyển bên trong cơ thể với quãng đường hơn 30cm chỉ trong 48 tiếng.

Người phụ nữ này được chẩn đoán mắc một tình trạng hiếm gặp được gọi là "lá lách lang thang", xảy ra khi các dây chằng giữ lá lách ở vị trí bình thường của nó bị suy yếu và cho phép cơ quan này di chuyển.

Ảnh chụp CT bụng của bệnh nhân được thực hiện chỉ cách nhau 2 ngày cho thấy lá lách của cô ấy đã di chuyển từ góc phần tư phía trên bên trái của bụng xuống phần tư phía dưới bên phải. Báo cáo cho biết khoảng cách đó là khoảng 1 foot (0,3m).

Người phụ nữ có nội tạng biết đi và nguyên nhân bất ngờ phía sau - 2

Chỉ hai ngày trước khi biết về lá lách lang thang của mình, bệnh nhân đã được kiểm tra sức khỏe gan. Một ngày sau, người phụ nữ bắt đầu đau bụng và nôn mửa. 

Tình trạng lá lách lang thang có thể xuất phát từ bệnh gan của người phụ nữ này. Theo đó, bệnh nhân mắc một bệnh lý về gan được gọi là viêm đường mật xơ cứng nguyên phát. Bệnh có biểu hiện là tình trạng viêm nhiễm trong các ống dẫn mật mang dịch tiêu hóa từ gan đến ruột non. Tình trạng viêm này gây ra sẹo ở gan được gọi là xơ gan, khiến máu khó lưu thông qua cơ quan này.

Giống như một đường ống bị tắc, điều này làm cho máu bị ứ lại và một trong những nơi nó bị ứ lại là lá lách. Theo thời gian, lá lách trở nên lớn hơn để có thể chứa tất cả lượng máu bị ứ này. Khi lá lách lớn hơn, các dây chằng xung quanh nó có thể bị kéo căng ra, cho phép lá lách thoát ra khỏi vị trí của nó ở vùng bụng trên và bắt đầu "đi lang thang".

Theo các tổ chức y tế, lá lách lang thang cũng có thể do các tình trạng bẩm sinh, trong đó trẻ sinh ra có dây chằng yếu hoặc bị thiếu dây chằng giúp giữ ổn định lá lách. Tình trạng này cũng có thể phát sinh ở tuổi trưởng thành do chấn thương thể chất hoặc các tình trạng khác có thể làm suy yếu các dây chằng gần lá lách, chẳng hạn như các bệnh mô liên kết hoặc thậm chí mang thai.

Người phụ nữ có nội tạng biết đi và nguyên nhân bất ngờ phía sau - 3

Nguy cơ lớn nhất của tình trạng lá lách lang thang không được điều trị là nhồi máu lách. Theo các chuyên gia, có những mạch máu gần lá lách có thể bị xoắn, dẫn đến cắt đứt nguồn cung cấp máu cho lá lách. Điều này có thể gây ra cơn đau dữ dội và thậm chí tử vong nếu không được điều trị.

Tuyến tụy, nơi sản xuất hormone và enzyme tiêu hóa, cũng được kết nối với lá lách qua các mạch máu và có thể bị viêm khi lá lách đi lạc chỗ.

Phương pháp điều trị tốt nhất cho lá lách lang thang là cắt bỏ lá lách. Một người có thể sống mà không có lá lách nguyên vẹn, và hầu hết bệnh nhân nên cắt bỏ lá lách của họ nếu gặp phải tình trạng này.

Lách người trưởng thành khỏe mạnh có chiều dài từ khoảng 7cm đến 14cm. Lách có trọng lượng từ 150g đến 200g. 

Lá lách đóng vai trò quan trọng đối với các tế bào máu đỏ (còn gọi là hồng cầu) và hệ thống miễn dịch. Nó lọc bỏ các tế bào hồng cầu già và chứa máu dự trữ được dùng trong trường hợp khẩn cấp như sốc xuất huyết. Ngoài ra, nó còn tái chế sắt từ các tế bào hồng cầu đã lọc bỏ. Là một phần của hệ thống thực bào đơn nhân, nó tiêu hóa các hemoglobin (huyết cầu tố) lọc bỏ từ các tế bào hồng cầu già. Phân tử "globin" (các tiểu đơn vị protein) được phân hủy thành các amino acid, và nhóm heme được chuyển hóa thành sắc tố mật (bilirubin) để giúp gan tiết mật phục vụ tiêu hóa.

Lá lách tổng hợp kháng thể ở tủy trắng và lọc bỏ vi khuẩn và tế bào hồng cầu đã bị bao bọc bởi kháng thể qua quá trình lọc máu và tuần hoàn bạch huyết. 

Tổng hợp