Người hút thuốc lá có 3 triệu chứng này, coi chừng ung thư phổi ập đến

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư phổi là bệnh lý ác tính ở phổi. Khoảng 85%-90% các trường hợp có liên quan đến tình trạng hút thuốc lá (chủ động hay thụ động).

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi.

Tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan.

Theo dữ liệu được công bố trên Tạp chí Ung thư của Anh, những người không hút thuốc có 0,3% nguy cơ tử vong vì ung thư phổi ở tuổi 75, so với 16% ở những người đã hút thuốc. Mức chênh lệch về nguy cơ này là khoảng 50 lần.

Người hút thuốc lá có 3 triệu chứng này, coi chừng ung thư phổi ập đến - 1

Với người hút thuốc lá lâu ngày, nếu thấy cơ thể xuất hiện 3 triệu chứng dưới đây thì bạn nên chú ý đến sự xuất hiện của ung thư phổi:

Khàn giọng

Khàn giọng là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh nhân ung thư phổi, do khối u xâm lấn vào bên trái của trung thất, dẫn đến chèn ép dây thần kinh thanh quản. Kết quả là giọng nói sẽ trở nên khàn. Tuy nhiên, ngoài triệu chứng khàn giọng thì trong giai đoạn đầu của bệnh thường không có các triệu chứng khó chịu như: đau và viêm đường hô hấp, nên mọi người rất dễ bỏ qua.

Ho ra máu

Bệnh nhân ung thư phổi sẽ có triệu chứng ho rõ ràng, thường là ho khan khó chịu. Một số bệnh nhân sẽ có máu trong đờm khi ho, điều này là do ho quá nhiều làm cho thành phế quản bị vỡ và gây chảy máu.

Một số bệnh nhân bị viêm phế quản mãn tính, bệnh lao và bệnh phổi đang hồi phục có thể bị sẹo và những bệnh nhân này có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao hơn đáng kể. Khi bị ung thư phổi, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như ho ra máu, sặc, đau tức ngực.

Sưng mặt

Sưng mặt đôi khi có thể là một biến chứng của ung thư phổi. Nó có thể xảy ra khi các khối u trong phổi cản trở dòng chảy của máu trong một mạch máu được gọi là tĩnh mạch chủ trên. Các bác sĩ chuyên khoa gọi đây là hội chứng tĩnh mạch chủ trên (SVCS).

Bệnh nhân có thể bị sưng mặt vì những lý do khác. Đó có thể do dị ứng, tiền sản giật, phù mạch, nhiễm trùng do vi khuẩn, chấn thương, viêm xoang hoặc rối loạn nội tiết tố. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ nếu bị sưng mặt mà không rõ nguyên nhân.

Ngoài ra, nếu khuôn mặt của bạn sưng lên đột ngột, nên đi khám ngay lập tức. Đó là bởi vì đây có thể là dấu hiệu của sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng. Các dấu hiệu khác của sốc phản vệ có thể bao gồm: ngứa da, phát ban, huyết áp thấp, khó thở, mất ý thức hoặc nhịp tim nhanh. Một số người bị sốc phản vệ cũng sẽ bị buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng hoặc sưng tấy ở các bộ phận cơ thể khác.