Ngày 18/9, Hà Nội xuất hiện ổ dịch ở Long Biên, số F0 tại TPHCM giảm mạnh

Thế Anh

(Dân trí) - Liên quan đến ổ dịch ở quận Long Biên, Hà Nội, cơ quan chức năng đã phong tỏa khu vực này để kiếm soát tình hình. Trong khi đó, dịch bệnh tại TPHCM có chuyển biến tích cực khi số ca mắc mới giảm mạnh.

Tính từ 17h ngày 17/9 đến 17h ngày 18/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.373 ca nhiễm mới, trong đó TPHCM có 4.237 trường hợp, giảm 1.735 ca so với hôm qua.

Chấn chỉnh việc thiếu đồ bảo hộ cho y bác sĩ chống dịch

Ngày 17/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký văn bản yêu cầu chấn chỉnh việc trang bị phòng hộ cá nhân cho lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, những ngày qua Sở Y tế nhận được phản ánh hiện nay lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại một số đơn vị chưa được đảm bảo đồ bảo hộ.

Ngày 18/9, Hà Nội xuất hiện ổ dịch ở Long Biên, số F0 tại TPHCM giảm mạnh - 1

Nhân viên y tế tại TPHCM mặc đồ bảo hộ kín mít bên trong khu điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến 16. (Ảnh: Biên Thùy)

Việc này trước đó Sở Y tế đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về việc trang bị, mua sắm, nguồn kinh phí cho việc cung cấp đồ phòng hộ cá nhân.

Sở Y tế đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thuộc trách nhiệm quản lý thực hiện rà soát, tổ chức lại việc trang bị đồ phòng hộ chống dịch Covid-19 (gồm bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn...) tại đơn vị mình. Từ đó đảm bảo tất cả các lực lượng tham gia phòng, chống dịch có đồ phòng hộ cá nhân an toàn, sử dụng hiệu quả, đúng quy định.

Riêng đối với bộ đồ bảo hộ cấp 4 (7 món), ngành y tế TPHCM đã thực hiện mua sắm và sẽ tiến hành triển khai thực hiện việc trang bị chi tiết.

Các đơn vị cần căn cứ nhu cầu sử dụng thực tế, đề xuất số lượng bộ đồ bảo hộ cấp 4 của đơn vị gửi Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) để cân đối, phân bổ; chủ động liên hệ HCDC để tiếp nhận, quản lý và tổ chức sử dụng đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả.

Xem thêm: Chấn chỉnh việc thiếu đồ bảo hộ cho y bác sĩ chống dịch ở TPHCM

Có hiện tượng "gắn mác" quân đội để thu tiền mai táng F0 tử vong

Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM chiều 18/9, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TPHCM - thông tin, trong thời gian qua trên địa bàn xuất hiện một số người tự xưng là nhân viên cơ sở mai táng, gợi ý gia đình có người mất do Covid-19 nộp tiền để đưa tro cốt về sớm. Những người này cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị quân sự trong việc hỗ trợ vận chuyển tro cốt bệnh nhân.

Ngày 18/9, Hà Nội xuất hiện ổ dịch ở Long Biên, số F0 tại TPHCM giảm mạnh - 2

Thượng tá Nguyễn Thanh Phong - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TPHCM.

Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TPHCM khẳng định, thông tin trên là không chính xác. Không có chuyện các cán bộ, chiến sĩ phối hợp cơ sở mai táng nhận tiền của người dân để làm cho nhanh. Các chiến sĩ không nhận tiền của người dân bằng bất kể hình thức nào khi làm nhiệm vụ được giao.

Theo Thượng tá Phong, từ giữa tháng 8 đến nay, Bộ Tư lệnh TPHCM đã được Thành ủy, UBND TPHCM giao nhiệm vụ tiếp nhận, lưu giữ, quản lý, hỏa táng tro cốt của người tử vong vì Covid-19 và vận chuyển tro cốt trao đến gia đình, người thân của bà con. Bộ Tư lệnh thành phố hiểu rằng, đây là nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa đối với người đã khuất lẫn người đang sống.

"Xuất phát từ mệnh lệnh trái tim, Ban lãnh đạo Đảng ủy Bộ Tư lệnh thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện chặt chẽ, chu đáo các quy trình. Dù có những lúc, số lượng người tử vong tăng cao dẫn đến sự chậm trễ" - Thượng tá Phong chia sẻ.

Xem thêm: Có hiện tượng "gắn mác" quân đội để thu tiền mai táng F0 tử vong tại TPHCM

Thêm F0 liên quan ổ dịch Long Biên, Hà Nội tiêm gần 5,4 triệu mũi vắc xin

Ngày 18/9, Công an phường Việt Hưng và lực lượng chức năng lập rào chắn, chốt chặn tại 16 địa điểm liên quan đến ổ dịch tại ngách 22/17 Kim Quan, phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), sau khi tại đây ghi nhận 6 ca F0 trong một gia đình (những người này là con cháu của cụ bà F0).

Trao đổi với PV Dân trí tại khu vực phong tỏa phường Việt Hưng, ông Nguyễn Tuấn Kiên - Phó chủ tịch UBND phường Việt Hưng - cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về các ca F0, UBND phường đã ra quyết định phong tỏa khu vực dân cư tại tổ 4 và tổ 5, gồm 58 hộ dân và 205 nhân khẩu trong vòng 14 ngày, kể từ ngày 17/9.

Ngày 18/9, Hà Nội xuất hiện ổ dịch ở Long Biên, số F0 tại TPHCM giảm mạnh - 3

Lực lượng chức năng lập rào sắt, chốt cứng tại tất cả các điểm đi vào phố Kim Quan.

Để kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh, phường Việt Hưng đã lập 16 chốt chặn liên quan đến ổ dịch ngách 22/17 Kim Quan, trong đó có 13 chốt cứng và 3 chốt có cán bộ kiểm soát người dân ra vào khu vực phong tỏa. Liên quan đến ổ dịch trong ngách 22/17 Kim Quan, lực lượng chức năng cũng lập các chốt kiểm soát trong ngách, để quản lý 13 hộ dân và 53 nhân khẩu sống tại đây.

Tối 18/9, Hà Nội ghi nhận 2 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó một ca đã được cách ly và một ca trong khu vực phong tỏa. Trong đó, chùm ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại tổ 4, Việt Hưng, Long Biên đã ghi nhận 7 F0. Như vậy, hôm nay, Thủ đô có 19 F0 mới.

Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 3.903 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 1.597 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 2.306 ca.

Trong ngày 18/9, Hà Nội triển khai tiêm vắc xin Covid-19 được 31.493 mũi tiêm. Cộng dồn tới 18h ngày 18/9, toàn TP Hà Nội đã triển khai 17 đợt tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP Hà Nội. Tổng 17 đợt thực hiện tiêm được 5.375.506 mũi tiêm.

Xem thêm: Thêm F0 liên quan ổ dịch Long Biên, Hà Nội tiêm gần 5,4 triệu mũi vắc xin