Lưỡi có dấu hiệu này, không đau ốm gì cũng cần đi khám ngay

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo các chuyên gia y tế, lưỡi là tấm gương phản chiếu sức khỏe của con người.

Trong trường hợp phát hiện thấy trên lưỡi có những đặc điểm bất thường như: có vết bầm máu ở cả hai bên, có vết nứt lớn ở giữa, lớp phủ lưỡi bị bong tróc hoặc nhờn xám, bạn nên đi khám bởi đây có thể là tín hiệu "cầu cứu" của cơ thể.

Dưới đây là cách "đọc" những vấn đề của cơ thể thông qua bất thường ở lưỡi:

Qua màu sắc của lưỡi

Lưỡi có dấu hiệu này, không đau ốm gì cũng cần đi khám ngay - 1

Hầu hết các trường hợp trắng lưỡi có thể là do bị viêm nhiễm ở bề mặt của lưỡi.

- Khi lưỡi mịn và có màu hồng tự nhiên, hãy yên tâm về sức khỏe của mình.

- Mặt lưỡi có màu đỏ đun có thể cảnh báo cơ thể bạn đang mắc một trong các bệnh nhiễm khuẩn hoặc truyền nhiễm nào đó.

- Lưỡi có màu đỏ hơi tím có thể chỉ điểm những vấn đề về hô hấp cũng như hệ tuần hoàn trong cơ thể.

- Màng trắng bao trùm trên mặt lưỡi báo hiệu chứng táo bón hoặc viêm túi mật mà bạn sẽ mắc phải. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp trắng lưỡi có thể là do bị viêm nhiễm ở bề mặt của lưỡi. Các loại vi khuẩn và tế bào chết chính là "thủ phạm" chính gây nên hiện tượng trên. Bên cạnh đó, những tác nhân như hút thuốc, sự mất nước hay vệ sinh răng miệng và lưỡi không sạch sẽ cũng là một trong số những nguyên nhân.

- Màu vàng nhạt pha với các đốm trắng trên lưỡi có thể là những dấu hiệu khi bộ máy tiêu hóa trong cơ thể bạn gặp "trục trặc". Ngoài ra, màu vàng trên lưỡi cũng có thể cảnh báo vấn đề về gan. Trong trường hợp này, lưỡi màu vàng có thể là khởi đầu của bệnh sau đó chuyển sang màu nâu hoặc đen.

- Lưỡi có màu xám có thể cảnh báo sức khỏe dạ dày không tốt.

- Nếu 2 bên rìa lưỡi xuất hiện các vệt đỏ, kèm theo là cảm giác hơi đau rát rất có thể bạn đang bị mắc các bệnh về gan, lá lách hoặc các bệnh về máu.

- Lưỡi không hồng mà nhợt nhạt là những dấu hiệu của sự suy nhược cơ thể. Hệ miễn dịch của cơ thể bạn rất yếu. Đây có thể là tín hiệu cơ thể thiếu hụt vitamin A và B12.

Qua hình dạng của lưỡi

Lưỡi có dấu hiệu này, không đau ốm gì cũng cần đi khám ngay - 2

Nếu xuất hiện các rãnh ở ngay đầu lưỡi, bệnh đốt sống cổ là điều mà bạn nên quan tâm hàng đầu.

- Độ dày của lưỡi tăng lên bất thường nhưng lại không có cảm giác đau có thể là do sự thay đổi của các vi khuẩn trong hệ tiêu hóa, cũng như các rối loạn trong hoạt động của tuyến giáp.

- Mặt lưỡi xuất hiện các rãnh chạy dọc theo chiều dài của lưỡi rất có thể chỉ ra tình trạng gai đôi cột sống, đau cột sống dài ngày hoặc các vấn đề về xương khác.

- Nếu lưỡi xuất hiện các rãnh ở phần cuống lưỡi, hãy cẩn thận với các căn bệnh như: viêm vú hay ung thư vú. Nếu chúng xuất hiện ở ngay đầu lưỡi, bệnh đốt sống cổ là điều mà bạn nên quan tâm hàng đầu.

- Khi soi gương phát hiện thấy lưỡi khi ở trạng thái không cử động, không có sự điều khiển của não bộ mà vẫn rung nhẹ, hãy từ bỏ ngay thói uống bia rượu của mình, để tránh mắc các căn bệnh nguy hiểm khác do rượu gây nên.

- Lưỡi mỏng, nhiều tưa, sờ vào có cảm giác hơi sần có thể là những cảnh báo khi bạn dùng thuốc kháng sinh không đúng cách.

- Mặt lưỡi bóng và luôn có cảm giác trơn, nhờn quá mức thì có thể bạn đang thiếu trầm trọng vitamin B2, B12 và axít folic.

- Lưỡi bị tưa có thể cảnh báo chúng ta đang mắc một dạng nhiễm nấm. Tuy nhiên, tình trạng bạch sản ở lưỡi có thể dẫn đến ung thư cũng biểu hiện tương tự. Vì thế, mọi người lưu ý tổn thương màu trắng, dày ở lưỡi và niêm mạc bên trong má cảnh báo bệnh bạch sản. Nhiễm virus Epstein - Barr là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này. Loại virus này sẽ tồn tại dai dẳng trong cơ thể và có thể bùng phát bệnh ở bất kỳ thời điểm nào, nhất là ở những người có các rối loạn miễn dịch.