Làm thế nào để nhận diện sớm chức năng gan suy yếu?

Minh Nhật

(Dân trí) - Vì đảm nhận hơn 500 chức năng trong cơ thể nên khi gan yếu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người.

Gan là cơ quan chuyển hóa và giải độc chủ chốt, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của con người.

Một số chức năng quan trọng của gan phải kể tới:

- Chuyển hóa chất dinh dưỡng: Gan có vai trò trung tâm trong các quá trình trao đổi chất của cơ thể, vai trò tổng hợp và chuyển hóa các chất dinh dưỡng quan trọng như: chất béo, carbohydrate và protein.

- Thanh lọc và đào thải độc tố: Trong cơ thể, máu từ các cơ quan tiêu hóa tới gan thường mang theo chất dinh dưỡng, thuốc và các chất độc hại. Gan phát huy chức năng giải độc bằng cách xử lý, chuyển đổi các chất độc hại thành chất ít độc hại hơn nhiều sau đó vận chuyển tới thận và thải ra ngoài.

- Lưu trữ năng lượng: Bên cạnh việc tích lũy và giải phóng năng lượng, gan lưu trữ các vitamin, khoáng chất khác và giải phóng, đẩy chúng lại máu khi cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể.

Dấu hiệu nào chứng tỏ gan yếu?

benh_gan_1

Theo các chuyên gia gan mật, chức năng gan có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như rượu bia, các độc tố, chất bảo quản có trong thực phẩm, virus…

Khi gan quá tải và bị tổn thương ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ thấy một số triệu chứng đơn giản như  mệt mỏi, chán ăn, ăn không tiêu, mụn nhọt mẩn ngứa, vàng da, đau hạ sườn phải….

Tuy nhiên một khi những triệu chứng trở nên rõ ràng, dễ nhận biết thì đa phần gan đã tổn thương quá nặng rất khó có khả năng phục hồi. Thậm chí bệnh có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư gan và tử vong trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, chăm sóc, bảo vệ, giải độc gan cần phải được chú trọng và thực hiện hàng ngày để có một lá gan khỏe mạnh.

Những biện pháp giúp gan khỏe mạnh

benh_gan_2

Vì gan rất dễ bị tổn thương nhưng lại ít có biểu hiện rõ ràng chứng tỏ nó đang bị suy yếu nên điều quan trọng nhất chúng ta cần làm hàng ngày là bảo vệ, tăng cường chức năng cho gan.

Dưới đây là những nguyên tắc giúp bảo vệ lá gan:

Hạn chế rượu bia: Nếu buộc phải sử dụng rượu bia thì nên dùng với lượng vừa phải theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): 25ml mỗi ngày với rượu 40 độ, hoặc 50ml thức uống có cồn 20 độ.

Dinh dưỡng hợp lý: chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh và ăn uống đầy đủ, cân bằng các loại chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, ăn nhiều thực phẩm tươi, giàu chất xơ - rau xanh, trái cây…, tránh ăn nhiều đồ chiên, nướng và uống đủ nước (khoảng 2,5 lít mỗi ngày).

Tăng cường vận động: tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và điều độ là một trong những phương pháp hiệu quả để bảo vệ gan và giữ cho cơ thể khỏe mạnh mỗi ngày.

Khám sức khỏe định kỳ: việc đi khám sức khỏe định kỳ (6 tháng một lần) là cần thiết để biết tình trạng của gan và điều trị kịp thời nếu mắc các bệnh về gan.