Khối u lành tính có di căn không?

Hà An

(Dân trí) - Các khối u lành tính là cực kỳ phổ biến. Câu hỏi đặt ra là khối u lành tính có di căn không?, có cần điều trị không?

Khối u lành tính là gì?

Để trả lời câu hỏi Khối u lành tính có di căn không?, chúng ta cần hiểu u lành tính là gì, chúng khác khối u ác tính hay ung thư như thế nào?

Các khối u lành tính là khối u không phải ung thư trong cơ thể. Không giống như các khối u ung thư, chúng không lây lan (di căn) đến các bộ phận khác của cơ thể.

Khối u lành tính có di căn không? - 1

Các khối u lành tính có thể hình thành ở bất cứ đâu. Nếu bạn phát hiện ra một khối u trong cơ thể mà có thể cảm nhận được từ bên ngoài, bạn có thể ngay lập tức cho rằng đó là ung thư. Ví dụ, những phụ nữ phát hiện có khối u ở vú khi tự khám thường rất hoảng hốt. Tuy nhiên, hầu hết các khối u ở vú đều lành tính. Trên thực tế, nhiều nốt mọc trên khắp cơ thể là lành tính.

Tăng trưởng lành tính là cực kỳ phổ biến và chiếm hơn 90% các thay đổi mô vú. Tương tự, các khối u xương lành tính có tỷ lệ phổ biến cao hơn các khối u xương ác tính.

Nguyên nhân của khối u lành tính

Theo Healthline, nguyên nhân chính xác của một khối u lành tính thường không được biết rõ. Nó phát triển khi các tế bào trong cơ thể phân chia và phát triển với tốc độ quá mức. Thông thường, cơ thể có khả năng cân bằng sự phát triển và phân chia tế bào. Khi các tế bào cũ hoặc bị tổn thương chết đi, chúng sẽ tự động được thay thế bằng các tế bào mới, khỏe mạnh. Trong trường hợp khối u, các tế bào chết vẫn còn và hình thành khối u.

Tế bào ung thư phát triển theo cách tương tự. Tuy nhiên, không giống như các tế bào trong khối u lành tính, các tế bào ung thư có thể xâm lấn mô lân cận và lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Triệu chứng của khối u lành tính

Không phải tất cả các khối u, ung thư hay lành tính, đều có triệu chứng.

Tùy thuộc vào vị trí của khối u, nhiều triệu chứng có thể ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan quan trọng hoặc các giác quan. Ví dụ, nếu bạn có một khối u não lành tính, bạn có thể bị đau đầu, thị lực kém và trí nhớ mờ.

Nếu khối u ở gần da hoặc ở một vùng mô mềm như bụng, bạn có thể sờ thấy khối u.

Tùy thuộc vào vị trí, các triệu chứng có thể có của một khối u lành tính bao gồm:

- Ớn lạnh.

- Khó chịu hoặc đau.

- Mệt mỏi.

- Sốt.

- Ăn mất ngon.

- Đổ mồ hôi đêm.

- Giảm cân.

Các khối u lành tính có thể đủ lớn để phát hiện, đặc biệt nếu chúng nằm gần da. Tuy nhiên, hầu hết chúng không đủ lớn để gây khó chịu hoặc đau đớn. Bác sĩ có thể phẫu thuật để loại bỏ khối u. Ví dụ, u mỡ có thể đủ lớn để phát hiện, nhưng nói chung chúng thường mềm, có thể di chuyển và không đau. Một số đổi màu da có thể rõ ràng trong trường hợp các khối u lành tính xuất hiện trên da, chẳng hạn như u nevi. Dù vậy, khi nhận thấy bất cứ điều gì có vẻ bất thường bạn nên đi khám bác sĩ.

U lành tính có cần phải điều trị không?

Xạ trị là một phương quen thuộc trong điều trị các bệnh ung thư. Câu hỏi đặt ra là u lành tính có cần phải xạ trị không?

Trong nhiều trường hợp, khối u lành tính không cần điều trị. Các bác sĩ có thể chỉ theo dõi để đảm bảo rằng chúng không gây ra vấn đề gì. Nhưng có thể cần điều trị nếu các triệu chứng là vấn đề. Phẫu thuật là một loại điều trị phổ biến đối với các khối u lành tính. Mục đích là loại bỏ khối u mà không làm tổn thương các mô xung quanh. Các loại điều trị khác có thể bao gồm thuốc hoặc bức xạ.

Xạ trị là một phương pháp điều trị liên quan đến việc sử dụng bức xạ năng lượng cao. Nó thường được sử dụng để điều trị ung thư. Gần một nửa số người bị ung thư phải xạ trị như một phần trong kế hoạch điều trị của họ.

Xạ trị đôi khi cũng được sử dụng để điều trị các khối u lành tính (không phải ung thư) và các tình trạng khác, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp và một số rối loạn về máu.