Hà Nội: Chỗ trọ miễn phí cho người bệnh ung thư

(Dân trí) - Từ chỗ phải thuê trọ 100.000 đồng/đêm ở phòng trọ chật chội; ngủ hành lang bệnh viện muỗi chích, gió lùa… nay nhiều người bệnh nghèo được ở miễn phí tại nhà lưu trú của bệnh viện. “Mừng hơn nắng hạn gặp mưa rào, đêm qua chúng tôi đã góp bánh kẹo liên hoan trong mái nhà ấm cúng”, một bệnh nhân chia sẻ.

Đêm đầu tiên ngon giấc

Chiều 27/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến BV K cơ sở Tân Triều chúc mừng Ngày thầy thuốc Việt Nam, đồng thời cắt băng khánh thành khu nhà lưu trú dành cho bệnh nhân. Nhận ra Bộ trưởng, nhiều bệnh nhân xúm lại, xin được bắt tay, cảm ơn người đứng đầu ngành y tế đã cùng BV lo cho họ một chỗ ở trong những ngày điều trị tại Bệnh viện.

Bệnh nhân vui mừng vì có một chỗ ngủ ấm cúng, sạch sẽ tại nhà lưu trú trong BV K cơ sở Tân Triều.
Bệnh nhân vui mừng vì có một chỗ ngủ ấm cúng, sạch sẽ tại nhà lưu trú trong BV K cơ sở Tân Triều.

Bác Khổng Thị Uyên (70 tuổi, Thái Bình) bị ung thư đại tràng đang nằm chờ mổ vui mừng, nói cười không ngớt trên chiếc giường trong căn phòng ấm cúng của mình.

Bác Uyên cho biết, hiện chờ các xét nghiệm. Vì quê xa, đi lại say xe, vất vả, nên trong thời gian chờ đợi, bác thuê trọ 100.000 đồng mỗi đêm. Có đêm tiếc tiền quá thì ôm chăn ngủ hành lang bệnh viện.

“Hôm qua nghe thông báo có nhà lưu trú, chúng tôi nô nức đăng kí và khi được vào tận nơi, ôi chao hơn cả vui mừng, hơn cả nắng hạn gặp mưa rào. Chị em chúng tôi rộn ràng trò chuyện cả ngày, rồi bàn mua ít bánh kẹo liên hoan, ca hát đến tận 10h đêm trong mái nhà ấm cúng”, bác Uyên nói.

Ngay giường bên cạnh, cô gái trẻ 27 tuổi Đinh Thị Yến (Tam Dương, Vĩnh Phúc) cũng tươi tắn vì “có một đêm ngon giấc” sau gần 1 tuần điều trị xạ trị.

Yến cho biết, mấy ngày trước gió rét, em nằm ngủ hành lang bệnh viện không thể yên giấc, đêm xoay cả chục lần vì gió rít lạnh lưng. “Đêm qua sau khi liên hoan xong, thực sự em ngủ không biết gì đến tận sáng. Ấm áp, yên tâm”, Yến chia sẻ.

Đang vui vẻ, hỏi về tình trạng bệnh, Yến lại rơi nước mắt vì em phát hiện ung thư vú giai đoạn 4. Trước đó cả năm trời một bên ngực của em sưng đau, đầu núm vú tụt hẳn vào trong nhưng bận con nhỏ, nhà lại không có điều kiện nên Yến vẫn cố chịu đau không đi khám. Đến trước Tết, không chịu được nữa đi khám bệnh thì đã là ung thư giai đoạn 4. Buồn hơn nữa, nghe vợ nói ung thư, chồng Yến đã bỏ lại cô và hai đứa con nhỏ đi biệt tích.

“Tủi thân lắm. Nhưng hôm qua, khi danh sách được duyệt ở nhà lưu trú, em được vào gần như đầu tiên. Thiếu sự quan tâm của chồng, nhưng các cô, chú ở đây biết hoàn cảnh, rất thương em”, Yến tâm sự.

Giờ Yến được ở nhà lưu trú, đến giờ thì lên khoa xạ trị, xong được về giường nghỉ ngơi.

Bệnh nhân vui mừng vì có khu nhà lưu trú dành cho họ.
Bệnh nhân vui mừng vì có khu nhà lưu trú dành cho họ.

Chị Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1972, Hà Nam) xót xa khi kể tiếp câu chuyện của Yến. “Đấy, nó yếu, nên dù trẻ các cô, các bác đều nhường cho giường ở tầng 1. Tôi cũng bị K vú, trước thỉnh thoảng ở trọ đêm 80 – 100.000 đồng, có hôm tiếc tiền ngủ hành lang, nay có nhà lưu trú, khỏe khoắn, thấy vui hơn rất nhiều”.

Sẽ hoàn thiện thành một mái ấm

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương cho biết, vừa hôm qua, khi thông báo các bệnh nhân điều trị ngoại trú được đăng kí nhà lưu trú, có đến hơn 500 bệnh nhân. Nhưng nhà lưu trú chỉ đáp ứng được khoảng 250 giường.

Người đứng đầu ngành y tế, bệnh nhân đều vui mừng vì đã lo cho họ một chỗ nghỉ ngơi ấm áp, yên tâm điều trị bệnh.
Người đứng đầu ngành y tế, bệnh nhân đều vui mừng vì đã lo cho họ một chỗ nghỉ ngơi ấm áp, yên tâm điều trị bệnh.

PGS Thuấn cho biết, đơn vị hỗ trợ bệnh viện hơn 3,3 tỷ đồng xây dựng nhà lưu trú cho biết, họ sẽ hoàn thiện, bổ sung thêm nữa, xây dựng nơi đây thành một mái ấm để người bệnh nghỉ ngơi, sinh hoạt thoải mái nhất như trong ngôi nhà của mình.

Trước nhu cầu của người bệnh, đơn vị hỗ trợ cũng hứa sẽ hỗ trợ xây thêm khu nhà lắp ghép mới. Thậm chí các bệnh viện khác có nhu cầu, họ cũng sẵn sàng hỗ trợ.

Trước mắt, bệnh nhân hiện đang được ở miễn phí. Sau đó sẽ tính toán, người bệnh sẽ chỉ phải thanh toán tiền điện nước với giá 15.000 đồng/1 người/ngày.

“Nếu chúng tôi kêu gọi được đơn vị hỗ trợ, người bệnh sẽ không phải thanh toán khoản tiền này. Và chúng tôi vẫn đang cố gắng huy động sự hỗ trợ này”, PGS Thuấn cho biết.

Bộ trưởng Tiến cho rằng việc đưa khu nhà lưu trú đi vào hoạt động với bệnh viện ung thư càng có ý nghĩa đặc biệt bởi họ có thời gian nằm điều trị dài và chủ yếu là người dân nghèo. Người đứng đầu ngành y tế cũng bày tỏ sự cảm ơn đến nhà hảo tâm đã hỗ trợ BV xây dựng nhà lưu trú, để người bệnh được hưởng sự giúp đỡ này.

“Hiện ung thư vẫn là bệnh nan y, dù các y bác sĩ đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều. So với các chuyên ngành khác thì có lẽ nhân viên y tế nơi đây chứng kiến nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Vì thế, tôi rất vui khi Bệnh viện đã quan tâm hơn đến người bệnh, người nhà không để họ nằm ngoài hành lang, vỉa hè vừa nhếch nhác vừa rất khổ”, Bộ trưởng Tiến chia sẻ.

Dưới đây là một vài hình ảnh tại nhà lưu trú:

Bộ trưởng chúc mừng nhà lưu trú chính thức đi vào hoạt động, chia sẻ bớt sự thiệt thòi, vất vả của bệnh nhân nghèo.
Bộ trưởng chúc mừng nhà lưu trú chính thức đi vào hoạt động, chia sẻ bớt sự thiệt thòi, vất vả của bệnh nhân nghèo.
Bác Uyên vui mừng, nói cười không ngớt vì nơi ngủ mới sạch sẽ, ấm cúng hơn nhiều so với nhà trọ.
Bác Uyên vui mừng, nói cười không ngớt vì nơi ngủ mới sạch sẽ, ấm cúng hơn nhiều so với nhà trọ.
Hà Nội: Chỗ trọ miễn phí cho người bệnh ung thư - 6
Khu nhà lưu trú xong giai đoạn 1 có sức chứa hơn 200 giường. Giai đoạn 2 nhà lưu trú sẽ được lắp quạt, sắp xếp một số đồ dùng công cộng phục vụ bệnh nhân.
Khu nhà lưu trú xong giai đoạn 1 có sức chứa hơn 200 giường. Giai đoạn 2 nhà lưu trú sẽ được lắp quạt, sắp xếp một số đồ dùng công cộng phục vụ bệnh nhân.
Hà Nội: Chỗ trọ miễn phí cho người bệnh ung thư - 8

Tại khu vực điều trị ban ngày, người bệnh có ghế nằm truyền khoảng 3 tiếng. Sau đó họ sẽ về nhà lưu trú nghỉ ngơi.

Tại khu vực điều trị ban ngày, người bệnh có ghế nằm truyền khoảng 3 tiếng. Sau đó họ sẽ về nhà lưu trú nghỉ ngơi.

Bài vả ảnh: Hồng Hải