DMagazine

Chưa thể loại trừ dịch Covid-19, nguy cơ làn sóng mới

(Dân trí) - Trong những ngày gần đây, số mắc Covid-19 ở Nhật, Hàn Quốc, Indonesia… đang có xu hướng tăng nhanh trở lại. Sự xuất hiện, tiến hóa của các biến chủng mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch khó dự báo.

Chưa thể loại trừ dịch Covid-19, nguy cơ làn sóng mới - 1

Nhiều chuyên gia y tế tại Nhật cảnh báo đã có những dấu hiệu cho thấy nước này có thể đang bước vào làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 mới. Ngày 20/11, nước này ghi nhận thêm 76.938 ca mắc mới, tăng khoảng 8.500 ca so với một tuần trước đó và 57 ca tử vong. 

Số ca mắc Covid-19 mới ở Indonesia đã đột ngột tăng mạnh những ngày gần đây, lên gần 8/500 ca vào ngày 16/11. Bộ Y tế nước này nhận định, làn sóng Covid-19 mới này có thể đạt đỉnh vào tháng 12 hoặc đầu tháng 1/2023.

Theo Worldometers, ngày 14/11, Hàn Quốc ghi nhận hơn 72.000 ca mắc mới Covid-19. Đây là ngày có số ca mắc mới nhiều nhất trong 2 tháng qua. Theo dự đoán, làn sóng lây nhiễm mới sẽ đạt đỉnh vào tháng 12 tới, số mắc mới mỗi ngày có thể lên tới 200.000 người.

Nhà chức trách Australia cũng cảnh báo, nước này đối mặt với một làn sóng Covid-19 mới trong vài tuần tới. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày quốc gia này có 5.300 ca mắc mới.

Tại Việt Nam, ngày 21/11, cả nước ghi nhận 370 ca mắc mới Covid-19, tăng nhẹ so với những ngày trước đó nhưng vẫn ở mức thấp. Hiện trung bình mỗi ngày nước ta ghi nhận hơn 300 ca mắc mới. Số mắc duy trì ở mức thấp, sau khi tăng trở lại từ tháng 7. Trong tháng 10 cả nước ghi nhận 24.283 ca mắc mới, giảm 64,8% so với tháng trước, 5 ca tử vong (giảm 16 ca).

Trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, mới nhất là biến thể phụ BA.2.75 được Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận sơ bộ bước đầu có 24/93 mẫu nhiễm biến thể này.

Chưa thể loại trừ dịch Covid-19, nguy cơ làn sóng mới - 3
Chưa thể loại trừ dịch Covid-19, nguy cơ làn sóng mới - 4

Trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể trước đã ghi nhận tại nhiều quốc gia. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa (BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, BA.2.12.1, XBB, BQ.1...). Chúng có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine cũng như né tránh miễn dịch, dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại, mới nhất là 2 biến thể phụ mới của Omicron.

Thứ nhất là XBB hình thành từ sự tái tổ hợp của các biến thể phụ BA.2.10.1, BA.2.75 và đã xuất hiện tại 35 quốc gia. Thứ 2 là BQ.1 là một biến thể phụ của BA.5 và đã xuất hiện tại 65 quốc gia.

Chưa thể loại trừ dịch Covid-19, nguy cơ làn sóng mới - 6

Theo Bộ Y tế, đại dịch Covid-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tháng 7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của vírus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại. Đồng thời, WHO khuyến cáo việc duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine.

Tình hình dịch hiện tại đã có dấu hiệu khả quan, tuy nhiên WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần nắm bắt cơ hội, tiếp tục nỗ lực, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc đảm bảo mục tiêu trong tiêm chủng vaccine để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.

Báo cáo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Việt Nam đang tiến hành 7 nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vaccine phòng Covid

-19, trong đó 1/7 nghiên cứu đã hoàn thành và đang hoàn thiện báo cáo, 6/7 nghiên cứu đang trong thời gian triển khai.

Mặc dù đến nay chưa có các kết quả nghiên cứu chính thức về miễn dịch bảo vệ sau tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam, nhưng có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả bảo vệ sau tiêm vaccine phòng Covid-19 để tham khảo và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Chưa thể loại trừ dịch Covid-19, nguy cơ làn sóng mới - 8

Hầu hết các nghiên cứu nhận định rằng tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch Covid-19, chưa thể xác định việc thanh toán cũng như loại trừ dịch Covid-19. Do đó chưa thể xác định tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 3, mũi 4 cần đạt là bao nhiêu và có cần tiêm mũi tiếp theo hay không.

Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% các đối tượng có nguy cơ cao (cả liều cơ bản và các liều tiêm nhắc), sau đó mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp hơn để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong do Covid-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.

Chưa thể loại trừ dịch Covid-19, nguy cơ làn sóng mới - 9

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết thời gian qua, miễn dịch cộng đồng đang giảm bởi đặc thù của miễn dịch Covid-19 khác với nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Với Covid-19, sau lần mắc đầu tiên một thời gian, miễn dịch giảm dần nên nhiều người đã mắc bệnh lần 2. Kể cả khi tiêm đủ các liều vaccine cơ bản thì miễn dịch của vaccine cũng giảm trong vòng vài tháng, do đó cần tiêm các mũi nhắc lại.

Về hiệu quả của vaccine, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy sau tiêm mũi 3 sẽ ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong, đạt khoảng 86% ở tháng thứ nhất. Hiệu quả này giảm dần sau 6 tháng và giảm mạnh từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 (hiệu quả bảo vệ ở tháng thứ 6 còn khoảng 70%). Sau khi tiêm mũi 4 sẽ giúp tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tỉ lệ tử vong khoảng từ 9% đến 28% so với tiêm mũi thứ 3.

Một nghiên cứu khác đăng trên tạp y khoa hàng đầu thế giới NEJM cho thấy hiệu quả của vaccine sau tiêm mũi 3 có giá trị trong vòng 3 tháng. Cụ thể, sau tháng thứ 3, hiệu quả giảm rất rõ rệt. Đặc biệt là với biến chủng Omicron ở tháng thứ 3 hiệu quả đạt đỉnh điểm thì hiệu quả bảo vệ chỉ 51%, sau đó giảm dần, thậm chí có nghiên cứu chỉ còn 10-20%. 

Chưa thể loại trừ dịch Covid-19, nguy cơ làn sóng mới - 11

Trong khi đó, công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 tại nước ta hiện còn nhiều khó khăn. Theo Bộ Y tế, việc di biến động dân cư, đặc biệt trong nhóm người từ 18 tuổi trở lên dẫn đến khó khăn trong việc thống kê, rà soát và quản lý đối tượng tiêm chủng. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm mũi 3 chưa cao. Tiến độ tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tăng chậm.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay cơ bản đã được kiểm soát và đang trở lại trạng thái bình thường mới. Số người mắc Covid-19 thời gian qua nhiều, trẻ em mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ, dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng.

Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.

Việc tiêm vaccine cần đặc biệt lưu ý đến đối tượng có nguy cơ cao, người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch… Những trường hợp trước chống chỉ định mà nay không chống chỉ định nữa thì cần rà soát để tiêm. Trẻ em cũng cần tiêm vaccine vì nếu mắc sẽ lây cho người già, người có bệnh nền, chưa kể nguy cơ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). 

Tại phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận định, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để dịch chồng dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng chống dịch, nhất là thúc đẩy việc tiêm vaccine.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng vaccine theo các mục tiêu đã đề ra, có phương án bảo đảm, phân bổ kịp thời vaccine đáp ứng yêu cầu của các địa phương; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương.

Chưa thể loại trừ dịch Covid-19, nguy cơ làn sóng mới - 13

Nội dung: Nam Phương
Thiết kế: Đỗ Diệp.