Biến chứng khủng khiếp sau tiêm chất làm đầy, xóa nhăn da

(Dân trí) - ​Khi Carol Bryan từ Nam Florida đến bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để tiêm chất làm đầy với mục đích làm căng da, xóa nhăn, cô không thể ngờ hành động này khiến cô bị mù một bên mắt và trở thành bước ngoặt cuộc đời.

Bryan đã được tiêm chất làm đầy (botox) từ khi cô bước qua tuổi 30 để làm căng những nếp nhăn trên khuôn mặt.

Cô nằm trong số 15 triệu người Mỹ thực hiện một vài loại phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn nào đó mỗi năm, từ tiêm botox tới nâng ngực.

Năm 2009, ở tuổi 47, cô quyết định thử chất độn để khắc phục những gì bác sĩ thẩm mỹ mô tả là nhược điểm ở trán và gò má của cô. Nhưng hai chất độn khác nhau, trong đó có silicone, được kết hợp trong cùng một mũi tiêm mà chưa hề được kiểm tra xem có phù hợp không. Kết quả là Bryan đã bị những tác dụng phụ điển hình gồm bầm tím và sưng.

Biến chứng khủng khiếp sau tiêm chất làm đầy, xóa nhăn da - 1

Chất độn đã làm biến dạng khuôn mặt của Carol Bryan như thế nào?

Bryan cho biết: “Ba tháng sau khi phẫu thuật, tôi đã rất sợ hãi khi nhìn thấy chính mình”. Bryan đã trải qua các phẫu thuật chỉnh sửa nhưng chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Và phẫu thuật đầu tiên thu gọn trán làm ảnh hưởng tới dây thần kinh thị giác của cô và khiến cô bị mất thị lực mắt phải vĩnh viễn.

“Khuôn mặt tôi bắt đầu sưng lên và lồi lõm đến mức tôi phải trốn gia đình và bạn bè, tôi thực sự không dám soi gương. Tôi cảm thấy tôi có cái đầu của người hành tinh khác. Trán của tôi quá to và nó phủ lên mắt đến nỗi tôi không thể nhìn trừ khi tôi nâng lên và giữ lấy trán”.

Trong 3 năm, Bryan đã cô lập mình khỏi bạn bè và gia đình. “Tôi không thể rời khỏi nhà. Tôi chỉ nhốt mình trong phòng, tôi không chắc mình có thể sống sót. Tôi nghĩ đến việc tự tử”.

Cuối cùng, con gái cô đã can thiệp và động viên cô tìm kiếm sự giúp đỡ. Hai mẹ con sau đó đã rời Florida tới Los Angeles để cô có thể bắt đầu hành trình tìm lại chính mình.

Những đau đớn của những lần phẫu thuật không thể diễn tả bằng lời.

Phẫu thuật đau đớn nhất là ghép da từ lưng lên trán cô. Phẫu thuật kéo dài 17 tiếng.

Cần đưa ra quy định chặt chẽ

Gần một thập kỷ sau đó, giờ đây Bryan đang tuyên truyền để nâng cao nhận thức về những nguy hiểm tiềm ẩn của những thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ có vẻ như vô hại, nguy cơ thấp kia.

Bryan nói rằng, nếu có thể cô sẽ không thay đổi những gì đã xảy ra với cô. “Mặc dù tôi đã phải chịu đựng nhiều, nhưng những “kinh nghiệm đau thương” này đã mang đến cho tôi một cuộc sống mới và đáng trân trọng”.

Hiện nay, Bryan đang đứng đầu sáng kiến “Cứu lấy khuôn mặt” với vai trò là giám đốc tổ chức Face2Face Healing để tăng cường nhận thức về những biến dạng do phẫu thuật.

Cô đang kêu gọi đưa ra các quy định chặt chẽ cho những người thực hành phẫu thuật thẩm mỹ vì các phẫu thuật thẩm mỹ đang ngày càng gia tăng và khuyến khích những người khác cân nhắc cẩn thận lý do tại sao họ muốn phẫu thuật thẩm mỹ.

“Với bất cứ ai đọc câu chuyện của tôi, tôi hi vọng họ sẽ lần đầu tiên hiểu rằng họ chỉ đẹp khi là chính họ và họ xứng đáng được yêu thương”.

Nếu bạn quyết định thực hiện phẫu thuật, hãy cân nhắc lý do tại sao bạn muốn phẫu thuật. Những gì đang chờ đợi bạn sau đó.

Bryan cho biết, mặc dù cô sẽ không bao giờ làm phẫu thuật thẩm mỹ khác, nhưng cô sẽ không phản đối người khác làm việc đó. Cô đơn giản chỉ nhấn mạnh rằng bạn cần đảm bảo rằng bạn đã gặp đúng các bác sĩ quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bệnh nhân.

Hà Ngân

Theo Independent