Bị co giật, cô gái 25 tuổi phát hiện mắc ung thư di căn

Nam Phương

(Dân trí) - Bỗng dưng bị co giật dẫn đến tê yếu nửa người trái, cô gái trẻ đi khám thì được chẩn đoán bị ung thư phổi trái di căn não, giai đoạn IV.

Trước khi vào viện 2 ngày, chị P.L.N. (25 tuổi, Hà Nội) xuất hiện cơn co giật toàn thân khoảng 3 phút sau đó tê yếu nửa người trái. Ngoài ra, chị không hề bị sốt, đau ngực hay khó thở, cũng không ho ra máu. 

Đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, chị được chụp cộng hưởng từ sọ não. Kết quả phát hiện u não vùng thùy trán phải. 

Bị co giật, cô gái 25 tuổi phát hiện mắc ung thư di căn - 1

Hình ảnh u thùy trên phổi trái kích thước 40x20mm, sau tiêm ngấm thuốc (mũi tên màu đỏ). Hạch trung thất kích thước lớn nhất 20x30mm (vòng tròn màu đỏ).

Bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư phổi trái di căn não, giai đoạn IV. Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô tuyến. Đây là loại ung thư phổi không tế bào nhỏ phổ biến nhất ở những người không hút thuốc. 

Tổn thương di căn não gây chèn ép dẫn đến co giật nhiều lần/ngày (mặc dù đã được điều trị thuốc chống động kinh), cộng thêm tình trạng chảy máu trong u nên bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy bỏ khối u não cấp cứu. 

Sau khi ổn định, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, chị được điều trị bằng hóa chất toàn thân phác đồ PC-Bevacizumab (hóa trị kết hợp điều trị đích). 

Theo BS CKII Võ Thị Huyền Trang, trước đó bệnh nhân khỏe mạnh, không có tiền sử dị ứng, không hút thuốc lá, khai thác tiền sử gia đình cũng chưa phát hiện gì đặc biệt. Bệnh nhân bị liệt không hoàn toàn nửa người trái, cơ lực 4/5. Các xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu chức năng gan, thận… bình thường. Chất chỉ điểm ung thư CEA và Cyfra đều tăng.

Sau một tháng điều trị bệnh nhân tỉnh táo, không xuất hiện co giật, tình trạng liệt nửa người trái cải thiện dần. Sau 3 tháng bệnh nhân hết liệt nửa người trái. 

Hiện tại sau 6 tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, sinh hoạt bình thường. U thùy trên phổi trái giảm kích thước còn 13x14mm, không xuất hiện thêm tổn thương tại não. 

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương- Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, ung thư phổi không tế bào nhỏ là một trong những bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam, đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong (sau ung thư gan). Bệnh nhân thường vào viện khi đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV).

Điều trị toàn thân là hướng điều trị chủ yếu ở giai đoạn này, bao gồm hóa chất, xạ trị triệu chứng, điều trị miễn dịch. Lựa chọn và lập kế hoạch điều trị phụ thuộc thể trạng, giai đoạn bệnh và loại mô học cũng như các xét nghiệm đột biến gen của từng bệnh nhân.

Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa là một bệnh lý ác tính có tiên lượng xấu. Tuy nhiên, từ khi có điều trị cá thể hóa tùy theo từng người bệnh với các đột biến gen khác nhau thì đáp ứng với các phương pháp hóa trị, điều trị đích, miễn dịch khác nhau. Với việc áp dụng các tiến bộ mới này, thời gian sống của người bệnh đã được kéo dài đáng kể và tác dụng phụ chấp nhận được.