60% trẻ em Việt bị thiếu kẽm

Hà An

(Dân trí) - Sắt và kẽm là hai vi chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng với hệ miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, theo thống kê 60% trẻ em Việt bị thiếu kẽm, cứ 3 trẻ có một trẻ thiếu sắt.

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội cho biết thời gian qua việc nhiều trẻ mắc các bệnh sốt virus, cúm A, cúm B, sốt xuất huyết… tăng cao một phần do hậu quả của "nợ miễn dịch". Trẻ không đạt miễn dịch tự nhiên theo đúng độ tuổi do thời gian trẻ giảm tiếp xúc xã hội kéo dài, khi quay trở lại trường thì nhiều loại dịch bệnh thông thường (cúm, adeno virus, sốt xuất huyết…) lại trở nên phức tạp. 

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh tiêm phòng, vận động hợp lý thì bổ sung dinh dưỡng với đầy đủ kẽm và sắt cho nhu cầu hàng ngày là yếu tố cốt lõi giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện có 60% trẻ thiếu kẽm, cứ 3 trẻ có một trẻ thiếu sắt. Đặc biệt thiếu kẽm thường đi đôi với thiếu sắt và ngược lại. Trong khi đó, thức ăn hằng ngày chỉ cung cấp khoảng 50% nhu cầu sắt và kẽm cho trẻ. 

Các vi chất dinh dưỡng như kẽm - sắt chủ yếu có trong đạm động vật như trứng, thịt bò, ghẹ, hàu... Nhưng trên thực tế, không phải cứ cho trẻ thức ăn giàu sắt và kẽm là hấp thu 100%. Tỷ lệ hấp thu sắt từ thức ăn khá thấp chỉ 5-15%, kẽm 10-30%.

Ngoài chế độ ăn khó đáp ứng đủ nhu cầu sắt kẽm, việc nhiễm giun sán, rối loạn tiêu hóa thường xuyên cũng là nguyên nhân không nhỏ gây giảm hấp thu sắt, kẽm.

Trong khi đó sắt và kẽm có vai trò hết sức quan trọng với hệ miễn dịch. Theo PGS Thúy, sắt tham gia vào quá trình sản sinh ra các tế bào miễn dịch Lympho T - giúp chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn. Bởi vậy, khi cơ thể trẻ bị thiếu sắt thì hệ miễn dịch sẽ suy giảm… Cùng với sắt thì kẽm vừa là thành phần vừa là xúc tác tăng cường sản xuất ra các yếu tố miễn dịch, từ đó tạo một hệ thống phòng thủ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Ngoài ra thiếu sắt kẽm sẽ dẫn đến thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, xanh xao, ăn không ngon miệng, chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao, dễ mất tập trung chú ý. 

60% trẻ em Việt bị thiếu kẽm - 1

Thức ăn hằng ngày cung cấp khoảng 50% nhu cầu sắt và kẽm cho trẻ. 

Trẻ dễ bị thiếu sắt, kẽm

Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi có nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng cao đặc biệt là sắt và kẽm. Lý do vì lượng sắt, kẽm dự trữ 3, 4 tuần cuối thai kỳ từ mẹ sang con chỉ đủ dùng trong 4 tháng đầu đời với điều kiện mẹ sinh đủ ngày đủ tháng và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai.

Chế độ ăn dặm chủ yếu là tinh bột, lượng đạm khá thấp. Chính vì vậy giai đoạn từ 6 tháng đến 5 tuổi còn gọi là giai đoạn "khoảng trống sắt kẽm". 

Bên cạnh đó, lúc trẻ bị ốm, virus, vi khuẩn lấy các vi chất dinh dưỡng đặc biệt là sắt để sinh sôi và phát triển. Trong khi đó tần suất trẻ bị bệnh một năm trung bình khoảng 2-3 đợt. Vì vậy, trẻ dễ bị thiếu hai vi chất quan trọng này. 

Do đó bên cạnh tăng cường chế độ dinh dưỡng từ thực phẩm, cha mẹ nên chủ động cho trẻ uống bổ sung sắt kẽm đủ nhu cầu hàng ngày. Theo PGS Thúy, bổ sung sắt, kẽm đủ cho nhu cầu hằng ngày đặc biệt sau khi bệnh là yếu tố cốt lõi giúp trẻ sớm hồi phục, tăng cường đề kháng. 

Chuyên gia cũng lưu ý, cha mẹ không bổ sung sắt và kẽm khi trẻ đang bệnh. Bởi lúc này virus, vi khuẩn lấy các vi chất dinh dưỡng đặc biệt là sắt để sinh sôi và phát triển. Sau khi khỏi bệnh 7 - 10 ngày thì trẻ cần được bổ sung sắt kẽm dự phòng cho nhu cầu hàng ngày 2-3 tháng để cơ thể hấp thu dần dần, bổ sung lượng thiếu hụt và hỗ trợ phục hồi cơ thể, củng cố hệ miễn dịch.

Cũng theo PGS Thúy, việc bổ sung kẽm và sắt đồng thời không những không có sự cạnh tranh hấp thu giữa hai vi chất này mà còn hỗ trợ nhau trong hấp thu.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi bổ sung sắt và kẽm, việc cân bằng hàm lượng của hai yếu tố này cực kỳ quan trọng. Cụ thể nên cân bằng tỷ lệ sắt và kẽm là 1:1 để cơ thể trẻ hấp thu được tốt nhất.