Chủ xe "phát cuồng" với tính năng này trên ô tô điện, tiếc là VinFast chưa có

Nhật Minh

(Dân trí) - Cả nhà sản xuất lẫn các chủ sở hữu ô tô điện giờ đây phát hiện ra rằng chiếc xe mà họ mua để giảm chi phí sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường có một tính năng cực kỳ hữu ích và thú vị.

Đó là tính năng sạc hai chiều - có thể dùng pin của ô tô điện để cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử hoặc thậm chí là chiếu sáng gia đình.

Dù không phải trang bị tiêu chuẩn trên tất các xe, nhưng tính năng này ngày một phổ biến trên các mẫu ô tô điện mới. Điển hình có thể kể tới các mẫu như Nissan Leaf, Ford F-150 Lightning, Hyundai Ioniq 5, Kia EV6 và Mitsubishi Outlander PHEV.

Đáng tiếc là hai mẫu xe điện đã bán ra thị trường hiện nay của VinFast là VF e34 và VF 8 lại chưa được trang bị tính năng sạc hai chiều. Trong khi đó, VF 9 và các mẫu xe điện còn lại của VinFast vẫn cần chờ bản thương mại để có thông tin chính thức.

Chủ xe

Ổ cắm các loại trên một chiếc ô tô điện (Ảnh: Bloomberg).

Sạc hai chiều là tính năng đặc biệt được yêu thích ở Trung Quốc, nơi mà cứ một trong 5 chiếc ô tô mới là xe điện.

Sáng sáng, khi những ngọn gió nhẹ nhàng thổi qua khu xây dựng của mình ở miền nam Trung Quốc, ông Liu Jianhong, 57 tuổi, lại mời các công nhân tới thưởng thức một tách trà nóng. Công ty ông Liu ở tỉnh Thiểm Tây thường xuyên nhận các công trình ở vùng chưa có điện lưới. Ông đun nước pha trà bằng nguồn điện từ chiếc xe hybrid thương hiệu BYD nội địa. Chỉ sau vài phút, nước trong ấm đã sôi và "tiệc trà" buổi sáng ở công trường xây dựng có thể bắt đầu.

"Có chiếc ô tô điện thì chúng tôi có thể uống trà bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu. Các công nhân của tôi cảm thấy cực kỳ thích thú", ông Liu nói. Chiếc ô tô điện thậm chí từng "cứu nguy" cho ông Liu. Đó là khi ông cần sạc cho chiếc máy khoan điện ở một ngôi nhà mới xây mà ông không biết là chưa có điện. "Nếu không nhờ có chiếc xe thì có lẽ tôi đã mất thời gian, phí công tới đó vô ích", ông nói.

Ông cũng từng dùng chiếc xe crossover hybrid của mình để chạy lò sưởi tại nhà một người bạn vào năm 2019 khi nhà bị mất điện suốt 20 tiếng, giúp bố mẹ của bạn - đều đã ở tuổi thất thập - khỏi bị lạnh.

Ông Liu là một trong số ngày càng nhiều chủ xe ô tô điện phát hiện ra rằng xe của họ không chỉ sạch hơn, có chi phí vận hành rẻ hơn, mà còn có thể trở thành máy phát điện cho sinh hoạt và công việc hàng ngày và trong những trường hợp khẩn cấp.

Liu Xiao, 38 tuổi, bắt đầu mang theo lò nướng du lịch trên chiếc xe hybrid của mình trong các chuyến dã ngoại cuối tuần khi phát hiện ra rằng sẽ không còn phải lo lắng việc các con bị bỏng vì đốt lửa nướng thịt. Liu thường xuyên mang theo một can xăng để bổ sung nhiên liệu cho xe sạc pin. Anh hào hứng kể rằng vào mùa hè, gia đình anh dùng chiếc xe để chạy quạt máy khi chiếu phim ngoài trời.

"Chiếc xe đã mang lại cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị", anh nói.

Chủ xe

Chiếc Ioniq 5 có thể cung cấp điện cho các thiết bị như máy tính, lò nướng... (Ảnh: Hyundai).

Tính năng sạc hai chiều có thể là yếu tố tiện ích giúp tăng lượng tiêu thụ xe điện ở Mỹ và châu Âu, các khu vực thị trường tiếp nhận xe điện chậm hơn Trung Quốc. Các thông điệp marketing của Ford và Hyundai ở Bắc Mỹ nhấn mạnh rằng tính năng sạc hai chiều có thể khiến các chuyến cắm trại, dã ngoại trở nên thú vị hơn, và gia tăng tiện ích cho những người hay phải làm việc ở những nơi không có sẵn nguồn điện.

Tuy nhiên, không phải tất cả ô tô điện đều có tính năng sạc hai chiều. Các mẫu ô tô được trang bị tính năng này có thể cung cấp dòng điện xoay chiều (AC) cho các thiết bị điện cỡ lớn và không cần bộ sạc hai chiều đặc biệt, mà chủ dựa vào bộ chuyển đổi.

Một nhà sản xuất ô tô điện lớn đứng ngoài xu hướng này là Tesla, với lý do được một số chuyên gia về pin cho là hãng sợ làm giảm tuổi thọ pin.

"Đó là một tính năng thời thượng", ông Yale Zhang, giám đốc công ty tư vấn Automotive Foresight Co. ở Thượng Hải, nói. "Dù người dùng có sử dụng tính năng này thường xuyên hay không thì các nhà sản xuất ô tô vẫn nên trang bị".

Anh Lei Li ở thành phố Tây An đã mua một chiếc xe hybrid sạc điện hiệu BYD vào năm 2016 chỉ vì tính năng sạc hai chiều, thay vì chọn một chiếc sedan Volkswagen chạy xăng truyền thống. "Tôi cực kỳ ấn tượng với việc chiếc xe có thể đóng vai trò như một máy phát điện", ông nói.

Làm công việc bán xe van dã ngoại, Lei thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, nơi anh dùng máy chiếu và bảng điện tử, máy in để giới thiệu sản phẩm. Việc sử dụng nguồn điện tại triển lãm rất đắt, có khi chiếm tới 20% tổng ngân sách của anh, và việc đi dây ngoằn ngòeo trong showroom rất mất an toàn. Vì thế, Lei có sáng kiến đỗ chiếc xe điện của mình ở ngay cạnh gian hàng và dùng nó như máy phát điện cho các thiết bị.

Giải pháp này hiệu quả và tiết kiệm đến mức Lei quyết định đổi từ xe hybrid sang xe chạy điện thuần túy và bắt đầu khuyên mọi người nên mua ô tô điện. Anh cho biết đã có ít nhất 10 người bạn mua xe điện theo lời anh khuyên.

Theo Autonews