Quy tắc hẹn hò "bất thành văn" của giới trẻ Hàn Quốc

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Laura ngạc nhiên trước những quy tắc "bất thành văn" trong văn hóa hẹn hò ở xứ sở kim chi. Mọi thứ đều được tiêu chuẩn hóa và có thứ tự cụ thể, từ khi gặp gỡ cho đến lúc trở thành một đôi.

Khi đang thưởng thức bữa trưa, bạn của Laura hỏi cô: "Bạn có để bạn trai mình giúp một người bạn khác tách lá vừng không?". Laura Senior Cousin tỏ ra bối rối vì không biết nên trả lời như thế nào. Tuy nhiên, câu hỏi trên lại chính là điều gây tranh luận trên mạng xã hội Hàn Quốc thời gian gần đây.

Laura ngạc nhiên trước những quy tắc "bất thành văn" trong văn hóa hẹn hò ở xứ sở kim chi. Mọi thứ đều được tiêu chuẩn hóa và có thứ tự cụ thể, từ khi gặp gỡ cho đến lúc trở thành một đôi.

Giáo sư Irene Yung Park, khoa Văn hóa và Văn học của ĐH Yonsei giải thích rằng, "hẹn hò" là một khái niệm khá phổ biến tại đất nước này từ những năm 1960. Tình yêu là điều kiện cơ bản để hai người đi đến quyết định kết hôn. Trước khi khái niệm hẹn hò xuất hiện thì hôn nhân được coi là phương tiện đảm bảo sự ổn định kinh tế, xã hội.

Quy tắc hẹn hò bất thành văn của giới trẻ Hàn Quốc - 1
Người trẻ Hàn Quốc có thể hẹn hò thông qua sự giới thiệu của người thân, bạn bè (Minh họa: Shutterstock).

"Nếu muốn tiến đến cuộc hôn nhân có tình yêu, bạn cần gặp gỡ, làm quen và yêu ai đó. Văn hóa hẹn hò được tạo ra chủ yếu vì nhu cầu xã hội". Một số hình thức phát triển mối quan hệ phổ biến ở Hàn Quốc bao gồm: jamanchu (gặp gỡ một cách tự nhiên), inmanchu (quen biết qua việc giới thiệu đối tượng hẹn hò).

Ngoài ra, xã hội Hàn Quốc vẫn bị phân chia chặt chẽ theo độ tuổi, giới tính. So với các quốc gia khác, nam và nữ giới tại đây ít khi tiếp xúc xã hội với nhau, do đó có rất ít cơ hội cho có các cuộc gặp gỡ tự nhiên.

Một khía cạnh hẹn hò khác là sseom (tìm hiểu). Laura khá ngạc nhiên khi nhận được những câu hỏi kiểu như "Bạn có đang ở giai đoạn sseom - tán tỉnh ai đó không?".

Giai đoạn này cho phép hai người tìm hiểu về đối phương. Tuy nhiên, sseom trong văn hóa hẹn hò Hàn Quốc chỉ kéo dài khoảng 1 tháng - với 3 buổi hẹn hò. Nếu vượt qua ngưỡng thời gian đó họ sẽ bị xem là kiêu căng, làm giá. Kết thúc giai đoạn sseom, cả hai hiểu rằng họ là đối tượng của nhau.

Giáo sư Park cho biết: "Người phương Tây thường bắt đầu một mối quan hệ bằng cách đi chơi, tìm hiểu nhau mà không cần bất kỳ cam kết nào. Bạn cần có thời gian hẹn hò để xem mình có thực sự thích đối phương hay không. Còn ở Hàn Quốc, người ta quyết định tiến đến hôn nhân đột ngột hơn nhiều".

Khoảng thời gian tương đối ngắn của sseom có thể liên quan đến tính mới của nó trong cấu trúc xã hội Hàn Quốc. Một giai đoạn chuyển tiếp mà hai cá nhân rơi vào quan hệ "trên tình bạn dưới tình yêu".

Theo vị Giáo sư này, các bộ phim truyền hình và điện ảnh đã tác động trong việc tạo ra các thói quen hẹn hò. "Vì Hàn Quốc là một đất nước sống tập thể, nên các xu hướng lan truyền rất nhanh, điều này có thể không xảy ra ở các cộng đồng theo chủ nghĩa cá nhân".

Cô đưa ra ví dụ, vào năm 2001 bộ phim "My Sassy Girl" đã tạo ra xu hướng mặc đồng phục đi hẹn hò chỉ qua một phân cảnh. Trào lưu này vẫn tiếp tục, và cho đến bây giờ, giới trẻ thường diện đồng phục đến các địa điểm hẹn hò khác như công viên giải trí. Thậm chí, các dịch vụ cho thuê trang phục hẹn hò cũng nở rộ.

Theo cms.dantri.com.vn