Mỹ:

Phân tích từ điển "biểu tượng cảm xúc" của giới trẻ

CTV

(Dân trí) - Sau màn kêu gọi "tẩy chay" biểu tượng cảm xúc "thích" phổ biến của Gen Z thì sau đây là một số gợi ý giúp bạn gia tăng sự kết nối thân thiện với thế hệ "công dân đám mây" trên môi trường số.

Ba biểu tượng cảm xúc dễ lấy được cảm tình nhất

Một nghiên cứu gần đây do Adobe thực hiện khảo sát 5.000 người dùng biểu tượng cảm xúc tại Mỹ đã tìm ra lý do, thời điểm và cách người trẻ ở Mỹ sử dụng biểu tượng cảm xúc, bao gồm cả những biểu tượng nên và không nên sử dụng để dễ dàng giành được thiện cảm khi giao tiếp qua mạng xã hội.

Biểu tượng cảm xúc thổi nụ hôn trái tim, mặt cười đỏ mặt được bao quanh bởi trái tim và biểu tượng cảm xúc mắt hình trái tim được đánh giá là ba biểu tượng cảm xúc hàng đầu dễ lấy được cảm tình từ đối phương.

Phân tích từ điển biểu tượng cảm xúc của giới trẻ - 1

Biểu tượng mặt cười đỏ mặt (Ảnh: Getty/iStockphoto).

Phân tích từ điển biểu tượng cảm xúc của giới trẻ - 2

Biểu tượng cảm xúc thổi nụ hôn trái tim (Ảnh: Getty/iStockphoto).

Phân tích từ điển biểu tượng cảm xúc của giới trẻ - 3

Biểu tượng cảm xúc mắt hình trái tim (Ảnh: Getty/iStockphoto).

Kamile Demir, một nhà khoa học máy tính tại Adobe và đại diện của Adobe tại phòng Unicode Emoji cho biết: "Biểu tượng cảm xúc là một cách tuyệt vời để giảm thiểu những hiểu lầm tiềm ẩn khi giao tiếp qua màn hình, một khuôn mặt cười ở cuối tin nhắn của bạn có thể giúp ích rất nhiều".

Nhưng trước khi có ý định gửi biểu tượng cảm xúc mắt hình trái tim khi trả lời tin nhắn hoặc sử dụng chúng trong email công việc cho sếp, thì cần lưu ý rằng những biểu tượng cảm xúc được liệt kê ở đây chỉ giúp bạn "ăn điểm" khi tán tỉnh mà thôi.

Chuyên gia về lối sống và nghi thức Elaine Swann, người đã thực hiện khóa đào tạo nội bộ cho nhân viên tại công ty về vấn đề giao tiếp, khuyên không nên sử dụng các biểu tượng cảm xúc trong môi trường làm việc, để tránh sự hiểu nhầm và làm bạn trông kém chuyên nghiệp hơn.

Sử dụng đúng biểu tượng cảm xúc, đặc biệt là ở nơi làm việc, sẽ tạo ra tác động tích cực như mức độ được yêu mến (69%) và độ tin cậy (59%), nhưng khi sử dụng không đúng cách, nó có thể dẫn đến một số tình huống không thoải mái.

Đôi khi chỉ cần một nụ cười đơn giản là đủ

"Một trong những điều yêu thích của tôi về biểu tượng cảm xúc là tính chất linh hoạt của chúng.

Ý nghĩa biểu tượng cảm xúc phụ thuộc vào bối cảnh giao tiếp với người khác và biểu tượng cảm xúc có thể mang bất cứ ý nghĩa gì theo cách bạn muốn thể hiện", Paul D. Hunt, phụ trách công việc thiết kế sáng tạo chữ tại Adobe, giải thích.

Khoảng 50% người Mỹ sử dụng biểu tượng cảm xúc khác với ý nghĩa gốc được công bố. Chúng thường thay đổi theo thế hệ và theo xu hướng văn hóa đại chúng.

Phân tích từ điển biểu tượng cảm xúc của giới trẻ - 4

Biểu tượng cảm xúc này thường được sử dụng để truyền đạt sự mỉa mai, châm biếm, đùa cợt, hoặc cảm giác ngớ ngẩn. Trong khi ý nghĩa ban đầu của nó là để thể hiện sự ngạc nhiên tích cực kiểu như: Ồ tốt! (Ảnh: Getty/iStockphoto).

Phân tích từ điển biểu tượng cảm xúc của giới trẻ - 5

Biểu tượng hình quả cherry có thể dùng để chỉ… bộ ngực khi chúng xuất hiện trên TikTok hay các nền tảng mạng xã hội khác (Ảnh: Getty/iStockphoto).

Vì vậy, trước khi gửi bất kỳ biểu tượng cảm xúc nào cho đối tượng không cùng thế hệ, 80% người Mỹ nhất trí rằng chỉ nên sử dụng những biểu tượng cảm xúc mà song phương đều hiểu.

Cho dù bạn có hiểu ý nghĩa của chúng hay không, thì những biểu tượng cảm xúc hàng đầu "khiến bạn trở nên kém thân thiện" là biểu tượng đống phân (đặc biệt khi sử dụng để trò chuyện với phụ nữ), biểu tượng khuôn mặt giận dữ màu vàng với lông mày nhíu lại và biểu tượng quả cà tím mọng nước.

Những biểu tượng cảm xúc này có thể khiến đối phương "đánh dấu" bạn với dấu X màu đỏ tươi và loại ngay khỏi vị trí đối tượng hẹn hò tiềm năng.

Phân tích từ điển biểu tượng cảm xúc của giới trẻ - 6
Biểu tượng cảm xúc hình đống phân không được ưa thích và bị cho là kém thân thiện (Ảnh: Getty/iStockphoto).
Phân tích từ điển biểu tượng cảm xúc của giới trẻ - 7
Biểu tượng cảm xúc khuôn mặt giận dữ màu vàng với lông mày nhíu lại cũng bị đánh giá là gây mất thiện cảm nếu được sử dụng khi trò chuyện (Ảnh: Getty/iStockphoto).
Phân tích từ điển biểu tượng cảm xúc của giới trẻ - 8

Biểu tượng cảm xúc hình quả cà tím không được dùng với ý nghĩa là loại thực phẩm xanh thông thường mà sử dụng để ám chỉ chuyện tình dục, vậy nên sẽ thật bất lịch sự nếu nó "vô tình" xuất hiện trong màn hình trò chuyện với nữ giới (Ảnh: Getty/iStockphoto).

Những biểu tượng cảm xúc "khó ưa" nhất

Một cuộc khảo sát với 2.000 người được thực hiện bởi Perspectus Global cho thấy rằng, phần lớn những người trong độ tuổi từ 16-29 cho rằng sẽ thật lỗi thời nếu sử dụng biểu tượng cảm xúc "thích".

Gen Z Mỹ đã gọi biểu tượng cảm xúc "thích" khá phổ biến là "thô lỗ" và "thù địch", họ chia sẻ rằng cảm thấy bị "tấn công" bất cứ khi nào họ thấy nó được sử dụng ở nơi làm việc.

Ý kiến này đồng loạt được đưa ra sau khi có một bài viết được đăng tải trên Reddit (trang web giải trí thông dụng tại Mỹ), rằng "không đủ người lớn để cảm thấy thoải mái với biểu tượng cảm xúc giơ ngón tay cái".

Những người lớn tuổi hơn tỏ ra bối rối trước phản ứng này, giải thích rằng họ sử dụng ngón tay cái trong các cuộc trò chuyện liên quan đến công việc để ra hiệu "Tôi chấp thuận" hoặc "Tôi đã hiểu và sẽ tuân theo". Rõ ràng đó chỉ là sự khác biệt về văn hóa giao tiếp giữa các thế hệ.

Danh sách chính thức các biểu tượng cảm xúc mà thế hệ trẻ không ưa chuộng còn bao gồm:

Thứ nhất, biểu tượng "thích" 👍

Thứ hai, biểu tượng "trái tim đỏ" ❤️

Thứ ba, biểu tượng tay "OK" 👌

Thứ tư, biểu tượng "đánh dấu" ✅

Thứ năm, biểu tượng "đống phân" 💩

Thứ sáu, biểu tượng "khuôn mặt khóc to" 😭

Thứ bảy, biểu tượng "khỉ che mắt" 🙈

Thứ tám, biểu tượng "vỗ tay" 👏

Thứ chín, biểu tượng "dấu hôn son môi" 💋

Cuối cùng, biểu tượng "mặt nhăn nhó" 😠.

Theo nypost.com