Mối quan hệ độc hại, vì sao lại nguy hiểm?

CTV

(Dân trí) - Về cơ bản, bất kỳ mối quan hệ nào khiến bạn cảm thấy tồi tệ đều có thể trở nên độc hại. Đó là mối quan hệ khiến bạn cảm thấy không được trân trọng, bị nghi ngờ, bị hạ thấp hoặc bị tấn công.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ, nhà tâm lý học Lisa Marie Bobby, nhiều người từ nạn nhân lại bị đổ lỗi thành nguyên nhân. Trong tình cảm, họ bị "buộc tội" gây buồn phiền, tức giận, kích phát bạo lực cho người còn lại.

Điều này càng khó xác định đây có phải mối quan hệ độc hại hay do lỗi của mình.

Bị lợi dụng cả về vật chất lẫn tinh thần

M.P (20 tuổi) chia sẻ: "Mình đã cảm nắng anh từ hồi học cấp hai, cứ thích thầm mãi cho đến năm thứ hai đại học mình mới chinh phục được anh. Có lẽ vì mình là người yêu nhiều hơn nên cũng luôn là người nhún nhường nhiều hơn.

Mối tình của mình kéo dài hơn một năm, suốt một năm đó, chưa bao giờ mình cảm thấy bản thân được yêu thương. Mình thường xuyên là người phải "xuống nước" khi cả hai có tranh cãi, cũng luôn là người cho đi nhiều hơn trong cuộc tình đó.

Mối quan hệ độc hại, vì sao lại nguy hiểm? - 1
Ở trong một mối quan hệ mà mình luôn cảm thấy sợ hãi và bất công (Ảnh minh họa: Việt Nguyễn).

Ngay đến ngày sinh nhật, hay những ngày lễ của phụ nữ, mình cũng không nhận được một món quà nào, thậm chí những lời chúc cũng hiếm hoi. Có lần mình bị ốm và gọi cho người yêu, điều mình nhận được không phải những lời hỏi thăm mà lại là lời quát mắng, anh mắng mình nói bé quá anh không nghe được. Lúc đó mình rất tủi thân, mình luôn tự hỏi tại sao các cô gái khác luôn được người yêu cưng chiều mà mình lại bị ngược đãi như vậy.

Trong khi sinh nhật anh hay ngày lễ kỷ niệm của hai đứa, mình luôn chuẩn bị quà, mình thường xuyên mua đồ ăn mang sang cho anh. Anh nhờ gì mình cũng nhiệt tình giúp đỡ, mình đã nhiều lần nhận hàng giúp anh nhưng chưa một lần anh trả mình tiền hàng".

Theo M.P, một sự việc là "giọt nước tràn ly" khiến cô quyết tâm bước ra khỏi mối quan hệ độc hại đó là: "Đỉnh điểm nhất là lần anh ấy bỏ mình giữa đường một mình trong đêm và tự đi về. Mình và anh đều ở kí túc xá trong trường, ở đó quy định phải về trước 11 giờ đêm.

Hôm ấy mình có sang đón anh đi chơi và chúng mình về muộn, mình đã nói rất rõ rằng "bây giờ em không về phòng được nữa" nhưng anh ấy vẫn quay đi. Mình lang thang một mình cả đêm ngoài đường, vừa hụt hẫng vừa thất vọng, mình chỉ thấy khó thở chứ cũng không còn khóc được nữa.

Sáng hôm sau khi về đến phòng, mình lập tức nhắn tin chia tay, mình cảm thấy bản thân không thể ở trong mối quan hệ đó được nữa. Mình bị lợi dụng cả về vật chất và tinh thần. Ở trong một mối quan hệ nhưng mình luôn cảm thấy sợ hãi và bất công. Nhưng cuối cùng mình đã thoát ra được khỏi mối quan hệ độc hại đó. Mình cảm thấy bản thân như được giải thoát, hiện tại mình chỉ sống cho mình và cố gắng bù đắp những tháng ngày mình bị ngược đãi đó", M.P tâm sự.

Luôn khiến bản thân cảm thấy mình là người kém cỏi

Một mối quan hệ độc hại có thể được biểu hiện qua rất nhiều khía cạnh, nhưng có một điểm chung là chúng luôn làm cho bản thân ta cảm thấy tồi tệ. Bạn T.D (20 tuổi) bộc bạch: "Trong lúc yêu mình cũng chứng kiến rất nhiều biểu hiện sai lệch rồi, nhưng vì yêu quá nên mình nghĩ bản thân nên vị tha và chấp nhận cả điểm xấu của người mình yêu. Mình nghĩ ai cũng có khuyết điểm nên chúng mình cùng cố gắng để sửa chữa.

Khoảng thời gian đầu khi yêu cũng có những cãi vã nhỏ, nhưng nhìn chung mọi thứ vẫn êm đẹp. Nhưng chính vì mình lúc nào cũng phải nhẫn nhịn, phải chịu đựng mà đối phương không chịu thay đổi, thậm chí ngày càng quá đáng hơn.

Xích mích xảy ra ngày một gay gắt, dần dần hai người không còn tiếng nói chung nữa. Dù mình đã cảm thấy mối quan hệ này quá độc hại rồi, nhưng mình sợ không dám dứt ra, mình cứ chịu đựng vậy thôi".

Khi được hỏi về tính cách của đối phương, T.D trả lời: "Anh ta gia trưởng và luôn áp đặt suy nghĩ lên người khác. Luôn khiến bản thân mình cảm thấy mình là người có vấn đề. Đặc biệt là luôn luôn đổ lỗi cho mình, ví dụ có lần anh ta hứa với mình sẽ bỏ thuốc, nhưng cuối cùng không làm được lại quay ra trách mắng rằng, vì mình mà anh ta hút thuốc.

Anh ta luôn nói rằng những gì anh ta có được là do nỗ lực rất nhiều mà có, còn những gì mình có được chỉ là do may mắn thôi. Cái suy nghĩ "mình chỉ được đến thế thôi" vẫn còn ám mình đến hiện tại".

Mối quan hệ độc hại, vì sao lại nguy hiểm? - 2
Luôn khiến bản thân mình cảm thấy mình là người có vấn đề (Ảnh minh họa: Việt Nguyễn).

T.D đã trải lòng khi cô luôn là người bị coi thường, luôn nghĩ mình là người yếu kém. Ngay cả những việc nhỏ nhất như mình không phải người thành phố, mình không xinh, mình không giỏi cũng khiến cô buồn lòng.

Trong lúc yêu T.D luôn cố gắng yêu hết mình, dù cũng có nhiều người nhắn tin tán tình nhưng cô luôn lờ đi, chưa bao giờ cô để cả hai phải cãi vã về vấn đề đó. Nhưng anh ta luôn luôn nghi ngờ, tra hỏi, kiểm tra điện thoại của cô một cách thái quá.

"Đến một giai đoạn cao trào, mình nhận ra mình cứ chạy theo người ta mãi, suy nghĩ của mình cũng bị sai lệch giống đối phương. Dù đối phương đối xử không đúng với mình, mình vẫn luôn lắng nghe những lời mắng mỏ trách móc.

Cho nên lúc này mình quyết định rời đi. Khoảng thời gian đầu mình vô cùng chật vật. Vì mới bước ra khỏi mối quan hệ độc hại mà, nên suy nghĩ của mình sai lệch lắm. Mình luôn luôn đổ lỗi cho bản thân, cảm thấy bản thân thật sự tồi tệ giống như lời người yêu cũ nói. Và mình cứ sống và tin vào những câu nói anh ta từng nói: "Không ai yêu em nhiều như anh đâu", "em không bao giờ tìm được người yêu em như em mong muốn đâu", T.D nói.

T.D tâm sự rằng đến khi cuộc tình đó đã dừng lại rồi, cái cách anh ta níu kéo cũng rất độc hại. Đổ lỗi, tấn công, làm cho cô cảm thấy mình là người tệ hại nhất. Khoảng thời gian đó với cô vô cùng khó khăn. Nhưng nhờ châm ngôn sống "mưa nào mà không tạnh" mà cô đã vượt qua được. Được mọi người ở bên và khuyên ngăn, cô đã tỉnh táo hơn và cảm thấy bản thân phải nhận ra sớm hơn.

"Sau đó mình nhận ra bản thân mình là người có giá trị, mình nên gặp gỡ những người trân trọng mình, đối xử tốt với mình hơn. Qua chuyện tình này, mình thấy rõ lỗi sai của mình là không yêu thương bản thân, không trân trọng chính mình, cho phép người khác coi thường và hạ thấp bản thân mình. Đây cũng là một bài học xương máu để mình rút kinh nghiệm trong những lần sau", T.D nói thêm.

Đôi khi từ chính những sự độc hại, mình lại tìm được cách vun đắp cho mối quan hệ

Với Hoàng Việt (22 tuổi), một mối quan hệ độc hại thường sẽ có những dấu hiệu báo động, đó cũng có thể là việc đối phương lúc nóng lúc lạnh với mình. Việt nghĩ, mối quan hệ đó có độc hại hay không tùy vào mức độ chấp nhận và chịu đựng của mỗi người.

Hoàng Việt cho rằng, đối với những mối quan hệ độc hại, chưa chắc nó đã độc hại một chiều, nó có thể là độc hại hai chiều mà mình không nhận ra. Đôi khi từ chính những sự độc hại đó mình lại tìm ra được cách giải quyết để vun đắp cho mối quan hệ.

"Hồi đó mình có yêu một bạn nữ có vấn đề về tâm lý, bạn ấy mắc chứng trầm cảm. Có khoảng thời gian, tần suất cơn trầm cảm của bạn ấy lên rất nhiều, thậm chí còn nghĩ đến chuyện tự kết thúc cuộc đời của mình. Nên mình luôn phải chuẩn bị trước cho tất cả mọi tình huống có thể xảy ra.

Hồi đầu bạn ấy rất quan tâm mình, chủ động nhắn tin hỏi han, nhưng tự dưng đến một lúc nào đó, bạn ấy quay ngoắt đi và không để ý đến mình nữa. Lúc đó mình rất lo lắng và tự hỏi, không biết có phải do mình mà ra cơ sự này hay không.

Vì là người có vấn đề tâm lý nên sự vui buồn của bạn ấy thay đổi rất thất thường. Có những ngày đang đi chơi vui vẻ, đang ngồi với nhau tự nhiên bạn ấy bảo "chia tay đi".

Bọn mình cãi nhau và chia tay rất nhiều lần, đôi lúc chúng mình dỗi nhau chẳng vì gì cả, tự nhiên cảm thấy buồn rồi đâm ra giận dỗi. Mình cũng phải dần dần làm quen với sự thất thường của bạn ấy.

Có những lúc bạn ấy bị suy sụp, mình ở cạnh lắng nghe than thở, nên đôi lúc mình cũng bị ảnh hưởng bởi những năng lượng tiêu cực của bạn ấy. Nhưng mình cho rằng bản thân nên có trách nhiệm với bạn ấy hơn, vì người có bệnh về tâm lý cũng xứng đáng được yêu thương", Việt nói.

Hoàng Việt chia sẻ: "Bạn ấy là người rất tự lập, luôn tìm cách xoay xở cho mọi chuyện. Nhưng từ khi yêu mình, bạn ấy lại muốn dựa vào mình nhiều hơn. Mình cũng ở bên và hỗ trợ bạn ấy nhiều. Mình nghĩ căn bệnh đó không phải là khuyết điểm mà chính là đặc điểm khiến mình ngày càng yêu thương và trân trọng bạn ấy nhiều hơn".