Chàng sinh viên Quân y với những ký ức "vàng" trong hành trình chống dịch

Hà Trang

(Dân trí) - "Cứu một mạng người, phúc đẳng hà sa" là tâm niệm mà chàng sinh viên Nguyễn Xuân Long luôn mang theo làm hành trang trong suốt 4 năm "trui rèn, thử lửa" ở Học viện Quân y.

"Sinh ra từ làng" và hành trình khoác trên mình hai màu áo

Sinh ra và lớn lên ở xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội trong một gia đình thuần nông với điều kiện kinh tế bình thường, trong nhà trước đó chưa từng có ai theo ngành Y. 

Những năm tháng còn là học sinh cấp 3 dưới mái trường THPT Hai Bà Trưng (TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc), Long có niềm yêu thích và đam mê đặc biệt với môn Sinh học.

"Bảng vàng" mà cậu học trò chịu thương, chịu khó viết lên khiến ai cũng phải nể phục: Ba năm liền đạt giải Nhất cấp tỉnh cuộc thi học sinh giỏi môn Sinh học, đồng giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi "Sáng tạo Khoa học Kĩ thuật cấp trung học" của tỉnh Vĩnh Phúc, đồng giải Ba cấp Quốc gia trong cuộc thi "Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống trong cuộc sống",... cùng rất nhiều giải thưởng ở các "sân chơi" trí tuệ lớn nhỏ khác.

Năm 2018, Long thi đỗ vào Học viện Quân Y, vinh dự khoác trên mình hai màu áo xanh và trắng - vừa là người lính, vừa là thầy thuốc tương lai của nhân dân.

Chàng sinh viên Quân y với những ký ức vàng trong hành trình chống dịch - 1

Nguyễn Xuân Long sinh năm 2000, hiện là sinh viên năm 4, lớp DH52C hệ 4, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa hệ quân sự của Học viện Quân Y.

Long tâm sự: "Vừa phải duy trì kỷ luật quân đội, vừa phải ôn thi, bên cạnh thời gian đi học thì chúng mình cũng cần phải rèn luyện thể lực, phải trực, gác đêm,... nên nhiều lúc không tránh khỏi căng thẳng. Tuy nhiên, sau mỗi đợt như vậy mình cảm thấy bản thân lại trưởng thành hơn một chút, có trách nhiệm hơn trong từng lời nói, từng hành động hay từng đơn thuốc kê cho bệnh nhân".

Liên tiếp hai năm liền lần lượt đoạt giải Nhất (năm 2020) và giải Nhì (năm 2021) trong cuộc thi "Sinh viên nghiên cứu khoa học" của Học viện Quân Y, đồng thời tham gia Hội nghị Báo cáo Giáo dục Y học Châu Á - Thái Bình Dương và nhận được bằng khen của Bộ Quốc phòng.

Ngày 27/2/2020, Long đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới là sinh viên năm hai, đây chính là động lực để cậu bạn tiếp tục cố gắng, phấn đấu trong tương lai.

Xung phong vào tâm dịch và giọt nước mắt người mẹ

Cuối tháng 8/2021, TP. Hồ Chí Minh đang là "điểm nóng" trong cả nước khi liên tiếp xuất hiện các ca nhiễm Covid-19. "Luôn sẵn sàng khi Tổ quốc cần", Long cùng hơn 900 cán bộ, bác sĩ, nhân viên và học viên khác của Học viện Quân Y lên đường tăng cường chi viện làm nhiệm vụ phòng, chống dịch cho miền Nam.

Từ lúc viết lá đơn tình nguyện xung phong đi chống dịch cho đến ngày lên đường, Long không dám nói với bố mẹ vì sợ gia đình lo lắng. Chỉ đến khi Học viện Quân Y xuất quân, qua tivi, bố mẹ Long mới biết.

Long tâm sự: "Khi tới Trung đoàn Gia Định, mẹ đã gọi cho mình và khóc; mình phải động viên rằng mình đã được tập huấn, trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng nên mẹ hãy cứ yên tâm.

Chàng sinh viên Quân y với những ký ức vàng trong hành trình chống dịch - 2

Bất kể ngày đêm, các chiến sĩ - bác sĩ luôn phải mặc đồ bảo hộ khi làm việc.

Đêm hôm trước vừa bay vào tới nơi thì ngay sáng hôm sau, các chiến sĩ đã vào việc luôn. Khi ấy, Long được nhận nhiệm vụ về với bà con xã Tân An Hội (huyện Củ Chi, TPHCM). Là khu vực ngoại thành, ít nhân lực y tế trong khi số ca nhiễm ngày càng nhiều nên công việc rất vất vả, nhất là trong giai đoạn cuối tháng 8, đầu tháng 9/2021.

Những ngày hè nóng nực mặc đồ bảo hộ kín mít đi tiêm tới giữa trưa, những lần đi lấy mẫu xét nghiệm tận khuya mới về, những bát cơm dở dang vừa và vào miệng đã lại bỏ xuống khi có người gọi cấp cứu,..."

Những ký ức "vàng" về tình quân dân

Sau gần 3 tháng "ăn ngủ cùng bà con" xã Tân An Hội, hành trang quý báu nhất mà Long mang về Hà Nội chính là một kho chuyện kể mãi chưa hết, những câu chuyện vui có, buồn có, nhưng đều thắm đượm tình quân dân.

Chàng sinh viên Quân y với những ký ức vàng trong hành trình chống dịch - 3

Cậu sinh viên năm tư cùng bà con nhân dân xã Tân An Hội.

Một trong những câu chuyện đó là trường hợp hai bà cháu cùng bị mắc Covid-19. Bạn nhỏ mới một tuổi rưỡi, bị khiếm thị từ bé, mẹ đang bị kẹt lại ở Bình Dương còn bố đã mới mất hồi đầu tháng 7 vì Covid-19.

Tiếp nhận bệnh nhân và sắp xếp xong cũng đã khá muộn, Long chuẩn bị ra về thì thấy bà cụ đứng chờ ở trước cửa phòng. Cụ kéo tay Long dúi vào một tờ 50.000 đồng và nói: "Nhờ ơn bác sĩ cứu cháu em với. Cháu em đang sốt mà khát sữa mấy hôm nay, nhờ bác sĩ mua cho em cháu một hộp sữa. Một hộp thôi bác ạ, tiền còn lại bác để dành mua thuốc cho bà cháu chúng em".

Ngay sau đó, Long đã liên hệ với ban chỉ huy phòng chống Covid-19 của xã Tân An Hội để trình bày, đặc biệt là việc các em nhỏ cần có sữa và cháo để có sức chữa bệnh. May mắn là ngay trong đêm đã có sữa cho cháu kịp thời.

Chàng sinh viên Quân y với những ký ức vàng trong hành trình chống dịch - 4

Bức thư cảm ơn của các em nhỏ học sinh chính là quà tặng vô giá mà Long cùng các bạn nhận được sau những tháng ngày ở xã Tân An Hội.

Bên cạnh những "nốt lặng" giữa cơn đại dịch thì món quà đặc biệt nhất mà Long và các bạn của mình nhận được chính là sự yêu quý, "chăm và thương bộ đội vô cùng" từ bà con nhân dân lẫn các y bác sĩ trong trạm Y tế xã. Đơn cử như khi đi lấy mẫu, nghe thấy giọng Bắc mà lại mặc quân phục nên người dân địa phương hỏi thăm, biết là sinh viên Quân y nên sau khi đi tiêm về bà con lại bảo nhau mang hoa quả, rau củ đến cho.

"Có hộ gia đình thì tặng bác sĩ con chó con, có em học sinh cảm kích mà viết tâm thư cảm ơn, mình vẫn giữ lá thư đó và mang theo về tận Hà Nội" - Xuân Long hồi tưởng lại những ký ức "vàng".

Giờ đây, khi đã tạm biệt thành phố mang tên Bác để về lại Học viện Quân Y, Long tiếp tục tham gia công tác chống dịch bằng việc tham gia "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" khu vực Hà Nội để tư vấn, hỗ trợ điều trị từ xa cho các F0 hoặc người có nguy cơ cao mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Bằng tất cả sức trẻ và nhiệt huyết tuổi đôi mươi, chàng sinh viên ấy vẫn luôn sẵn sàng đứng lên bất cứ khi nào Tổ quốc cần. Đúng như hai câu châm ngôn cậu lấy làm "kim chỉ nam" trong học tập và rèn luyện: "Cứu một mạng người, phúc đẳng hà sa" cho màu áo blouse và "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa" cho màu áo lính.

Ảnh: NVCC