1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vừa dốc tiền tuyển nhân công, sao doanh nghiệp lại đột ngột giảm người?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Chỉ vài tháng trước, đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động, nhiều doanh nghiệp phải dốc rất nhiều tiền của để tuyển cho đủ người làm, cho kịp đơn hàng. Nhưng tình hình kinh tế chuyển biến đột ngột...

Phát biểu tại tọa đàm tình hình sản xuất kinh doanh và lao động việc làm ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI-HCM) cho biết: "Trong thời gian vừa qua, chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục gặp nhiều thách thức do tác động kép của Covid-19, chiến tranh và suy thoái kinh tế. Rõ rệt nhất là sự sụt giảm mạnh về đơn hàng của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong quý IV năm 2022".

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai đã phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm chi phí bằng cách giảm thời gian làm việc của công nhân, thậm chí là sa thải lao động.

Vừa dốc tiền tuyển nhân công, sao doanh nghiệp lại đột ngột giảm người? - 1

VCCI-HCM kiến nghị hỗ trợ người lao động mất việc, giảm giờ làm và doanh nghiệp khó khăn để duy trì công việc cho công nhân (Ảnh minh họa: Hải Long).

Để nắm rõ hơn tình hình, VCCI-HCM đã tiến hành khảo sát nhanh tại 37 doanh nghiệp có quy mô từ 1.000-50.000 lao động với tổng số công nhân là 308.000 người.

Theo bà Bùi Thị Ninh, Trưởng phòng Giới sử dụng lao động VCCI-HCM, trong số 37 doanh nghiệp khảo sát thì có đến 40,5% có kế hoạch giảm lao động, 46% dự kiến giữ nguyên, chỉ có 13,5% có kế hoạch tăng lao động.

Trong số các doanh nghiệp có kế hoạch giảm lao động thì chỉ có một số nêu cụ thể con số và thống kê 9.756 lao động. Số còn lại chưa có kế hoạch cụ thể nên chưa thống kê được hết.

Trong khi đó, các doanh nghiệp muốn tăng lao động chỉ có nhu cầu tuyển thêm 1.950 người, trong đó có đến 1.200 vị trí là doanh nghiệp muốn tuyển vào thời điểm sau Tết để bù cho số công nhân về quê ăn Tết không quay lại thành phố làm việc.

Dự đoán về đơn hàng trong thời gian tới, 68% doanh nghiệp trả lời chắc chắn giảm, 23% chưa biết sẽ ra sao, chỉ có 9% doanh nghiệp nói sẽ tăng. Do đó, 54,1% số doanh nghiệp trả lời sẽ phải giảm giờ làm hàng tuần của công nhân trong thời gian tới, chỉ có 21,6% doanh nghiệp cho biết có tăng ca.

Theo bà Bùi Thị Ninh, các doanh nghiệp đang đối mặt với tình cảnh rất khó khăn. Sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, phải bỏ ra rất nhiều tiền của để tuyển đủ người làm kịp giao hàng cho đối tác. Nhưng chỉ sau vài tháng, tình hình kinh tế chuyển biến đột ngột, giờ doanh nghiệp phải "cắn răng" cắt giảm lao động.

Khảo sát thị trường cung ứng lao động, bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc mạng Vieclamtot cho biết, thống kê nhóm ngành công nhân từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy đang có sự chênh lệch rất lớn giữa nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc trực tuyến.

Theo thống kê của Vieclamtot, chỉ có thời điểm tháng 1/2022-2/2022 là nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc gặp nhau. Sau đó, nhu cầu tuyển dụng ngày càng giảm và nhu cầu tìm việc ngày càng tăng. 2 nhóm nhu cầu này ngày càng cách xa nhau, cao nhất là vào tháng 10/2022.

Vừa dốc tiền tuyển nhân công, sao doanh nghiệp lại đột ngột giảm người? - 2

Nhu cầu tuyển dụng ngày càng giảm và nhu cầu tìm việc ngày càng tăng (Nguồn ảnh: Vieclamtot).

Trước tình hình này, VCCI-HCM đã thống kê ý kiến của doanh nghiệp và kiến nghị Chính phủ hỗ trợ người lao động cũng như doanh nghiệp đang gặp khó khăn để họ duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho công nhân.

Kiến nghị 12 điểm của VCCI-HCM

(1) Liên đoàn Lao động và các ban ngành liên quan có nhiều chính sách phối hợp với doanh nghiệp chăm sóc NLĐ vào dịp Tết.

(2) Các ban ngành hỗ trợ tuyên truyền cho NLĐ hiểu tình hình thế giới làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp để NLĐ thấu hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp.

(3) Hướng dẫn cho doanh nghiệp lập và tổ chức các phương án lao động đúng đắn, hợp lý và hài hòa.

(4) Hướng dẫn quy trình thực hiện cắt giảm lao động đối với doanh nghiệp không thể duy trì lực lượng lao động hiện hữu.

(5) Có phương án xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối và điều tiết lao động ở những nơi cắt giảm và nơi có nhu cầu tuyển dụng hợp lý.

(6) Đào tạo nâng cao tay nghề và kỹ năng cho NLĐ.

(7) Chính phủ làm việc với các nhà mua hàng lớn xem xét ưu tiên đơn hàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

(8) Có các gói hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động tương tự Nghị quyết 126/NQ-CP; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; Nghị định 15/2022/NĐ-CP… mà Nhà nước đã áp dụng trong thời kỳ NLĐ, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

(9) Lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

(10) Giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp để duy trì chi phí vận hành, tạo công việc cho lao động.

(11) Ngân hàng giãn vốn cho doanh nghiệp đang vay.

(12) Giảm thanh tra, kiểm tra. Nếu có kiểm tra, phát hiện vấn đề không tuân thủ thì hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục.