1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thời giờ làm việc với người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Ông Nguyễn Nhơn Phú (TPHCM) làm công việc khai thác, bảo trì, sửa chữa máy phát thanh AM có công suất 100kW và 4 máy phát thanh FM có tổng công suất là 35kW.

Ông Phú hỏi, công việc ông làm có thuộc ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không? Nếu thuộc thì thời gian làm việc là bao nhiêu giờ/ngày và bao nhiêu ngày/tháng?

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Nghề, công việc “vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng  máy phát hình, máy phát thanh FM có tổng công suất từ 10kW đến dưới 40kW được xếp điều kiện lao động loại V tại Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tại Khoản 3 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong 1 ngày đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành”.

Tại Khoản 1 Điều 110 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày”.