1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tài xế công nghệ trình độ đại học rải CV xin việc cả trăm nơi, vẫn... ế

Hoài Nam

(Dân trí) - Hùng không thể nhớ chính xác đã gửi CV đến bao nhiêu nơi từ đầu năm nhưng giờ cậu vẫn chạy xe ôm công nghệ trong khi chờ việc.

Nhắc đến quá trình xin việc, Thanh Hùng, 26 tuổi, quê ở Ninh Thuận, đang sống ở trọ ở Quận 6, TPHCM không giấu được sự mệt mỏi. Hùng học chuyên ngành quản trị kinh doanh, tìm công việc sale (bán hàng) hoặc marketing (phát triển thị trường), lĩnh vực được xem là có nhu cầu cao mà lại không hề dễ xin việc. 

Tài xế công nghệ trình độ đại học rải CV xin việc cả trăm nơi, vẫn... ế - 1

Nhiều ứng viên rải CV như rải... thóc (Ảnh minh họa).

Năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Hùng về quê và mới trở lại thành phố sau Tết. Nửa năm nay, Hùng không nhớ chính xác đã gửi CV (bản tóm tắt thông tin ứng viên tuyển dụng) đến bao nhiêu nơi nhưng "chắc chắn không dưới một trăm". 

Nghĩ rằng rải CV càng nhiều sẽ càng tăng cơ hội việc làm nên thấy nơi nào tuyển dụng là Hùng "nhập cuộc", có vài nơi nộp trực tiếp, còn chủ yếu là gửi qua email.

Bất chấp việc rải CV khắp nơi, đến nay Hùng vẫn thất nghiệp. Hùng kể, nhiều nơi cậu không nhận được phản hồi sau khi nộp hồ sơ, có vài nơi hẹn phỏng vấn rồi không thấy gọi lại, hiếm hoi có nhà tuyển dụng lịch sự gửi lời "chúc may mắn lần sau". 

Đọc đâu cũng thấy thông tin thấy nhu cầu nhân lực tại TPHCM cao, khắp nơi tuyển dụng nhưng theo Hùng thực tế ứng viên không dễ xin việc.

Thất nghiệp, Hùng không dám gọi điện về nhà, bố mẹ gọi hỏi về công việc cậu làm lơ, lái sang việc khác.

Hùng không dám nói mình - một cử nhân, từng là niềm tự hào của bố mẹ - đang chạy xe ôm để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày trong khi chờ việc. Cậu gặp rất nhiều người trong "đội quân xe ôm" cũng rải CV khắp nơi nhưng không có kết quả. Vài trường hợp tìm được việc, nghỉ chạy thời gian rồi lại thấy "tái xuất". 

Rớt từ vòng hồ sơ 

Giờ đây, chỉ cần một cái nhấp chuột, một email là ứng viên đã có thể nộp hồ CV xin việc. Thực tế không ít ứng viên rải CV khắp nơi như Hùng nhưng nhiều người rơi vào cảnh, càng gửi càng vô vọng. 

Anh Nguyễn Văn Chung, trưởng phòng nhân sự một công ty nội thất ở Quận 12, TPHCM kể, anh đã gặp nhiều trường hợp người xin việc "rắc" CV khắp nơi. Khi chưa có việc làm, thấy đâu tuyển đều gửi CV là điều bình thường nhưng anh Chung cho rằng "số lượng không bằng chất lượng". 

Anh ngán ngẩm khi gặp không ít trường hợp nộp hồ sơ cho công ty mình về nội thất nhưng chình ình ở phần "kính gửi" lại là tên một công ty khác về bất động sản, về sản xuất phân bón. Kiểu ứng viên soạn một hồ sơ xin việc y như nhau rồi "send" (bấm nút gửi) hàng loạt.

Tài xế công nghệ trình độ đại học rải CV xin việc cả trăm nơi, vẫn... ế - 2

CV thể hiện con người ứng viên trước nhà tuyển dụng (Ảnh minh họa).

Anh Chung kể: "Có trường hợp gửi mail rồi xin gửi lại cái khác vì nhầm tên... của chính mình. Các bạn dùng mẫu hồ sơ xin việc của người khác, quên sửa luôn cả tên". 

Trao đổi tại chương trình "Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng" với sinh viên mới đây, bà Trịnh Huyền Trang, Giám đốc nhân sự khách sạn Pullman Vũng Tàu lưu ý, điều kiện cần nhất khi xin việc là ứng viên phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ CV đến quá trình phỏng vấn. 

"Có những CV cực kỳ ấn tượng với lối hành văn rành mạch rõ ràng, bố cục trình bày bắt mắt. Điều này thể hiện ứng viên rất đầu tư, chăm chút. Nhưng ngược lại, có những CV rất sơ sài, cẩu thả, làm nhà tuyển dụng cảm thấy không được tôn trọng", bà Trang bày tỏ. 

Không chỉ về mặt hình thức, bà Trịnh Huyền Trang nhấn mạnh, khi nhìn CV, điều ấn tượng với nhà tuyển dụng là ứng viên có mục tiêu rõ ràng không, có hoạch định kế hoạch của mình 3-5 năm.

CV của ứng viên cần trả lời cho câu hỏi, các bạn có thể hiện được những điểm gần với những điều mà nhà tuyển dụng cần hay không? Qua CV thể hiện được cái các bạn đang có và điều mà nhà tuyển dụng cần hay không?

Gửi CV là bước quan trọng phải nói hàng đầu trong quá trình xin việc. Để có các bước tiếp theo như phỏng vấn thì ứng viên phải vượt qua được vòng "ra mắt" này. Ứng viên cần nâng cấp bản thân, thể hiện qua công đoạn hồ sơ xin việc. 

Bởi khi ứng viên gửi CV đến cho nhà tuyển dụng là đang gửi chính con người mình, thể hiện qua văn phong, chính tả, cách thể hiện... Chưa cần gặp ứng viên, chỉ cần qua vài trang giấy, nhà tuyển dụng có thể đánh giá về tính cách chủ nhân CV có cẩn thận không, thái độ có nghiêm túc không và cả tư duy có logic không. 

Như anh Nguyễn Văn Chung khẳng định, cùng một bản CV sai chính tả, cẩu thả, lộn xộn, lôi thôi đó thì không chỉ gửi hàng trăm nơi mà có gửi cả ngàn nơi thì cũng rớt. Nhưng nhiều ứng viên vẫn rất xem nhẹ bước "mở màn" này...