Cần Thơ:

Tài xế, chủ xe mừng quên ăn, đếm ngày được cầm vô lăng, cho xe lăn bánh

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Nhiều nhà xe ở bến xe Trung tâm Cần Thơ đang tất bật sửa, kiểm tra thiết bị sẵn sàng đón khách sau thời gian nghỉ dịch quá lâu.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải nhiều lần gián đoạn, ai cũng "thấm đòn" vì gồng gánh các khoản chi phí. Những ngày gần đây, sau khi Cần Thơ được xác định cấp độ dịch Covid-19 đủ điều kiện "bình thường mới", nhiều chủ xe và tài xế mừng đến quên ăn đợi ngày được cầm vô lăng, cho xe lăn bánh.

Ông Nguyễn Thanh Lâm tài xế kiêm chủ xe Huấn Hồng, chạy tuyến Cần Thơ - Hà Tĩnh cho biết, giãn cách quá lâu nên khi nghe tin xe khách sắp được vận hành liên tỉnh như trước nên mấy ngày nay ông vui mừng và tranh thủ mang xe ra "làm đẹp", chờ đón khách.

Tài xế, chủ xe mừng quên ăn, đếm ngày được cầm vô lăng, cho xe lăn bánh - 1

Tài xế Nguyễn Thanh Lâm (nhà xe Huấn Hồng) lau chùi chiếc vô lăng gắn bó với ông hơn 10 năm qua (Ảnh: Bảo kỳ).

Ông Lâm chia sẻ: "Xe vẫn sạch lắm, do trong thời gian giãn cách, tôi vẫn hay ra lau chùi, kiểm tra xe cho đỡ nhớ nghề. Tuy vậy, tôi vẫn phải thay cái bình ắc quy và vệ sinh hệ thống điều hòa, khử mùi xe để đón tiếp khách được chu đáo".

"Dừng hoạt động khiến doanh nghiệp chúng tôi thiệt hại đủ đường. Ngoài doanh thu còn mất cả các mối khách "ruột". Rồi anh em lái xe, phụ xe nghỉ việc, xin chuyển công tác vì không thể "ngồi chơi xơi nước" suốt mấy tháng liền được. Giờ được chạy lại cũng phải chuẩn bị đủ thứ nhưng vẫn còn hơn ngồi chơi tiếp", ông Lâm nói.

Tài xế xe khách mong ngóng ngày được lăn bánh

Ở tình trạng tương tự, ông Nguyễn Hùng Dũng, tài xế của Công ty vận tải hành khách Hà Loan khá sốt ruột chờ ngày xe được chạy lại.

Ông Dũng cho biết, đơn vị của ông chạy tuyến cố định Cần Thơ - Hà Nội suốt nhiều năm qua, làm việc tất bật cả ngày thường lẫn lễ, tết nhưng chưa bao giờ nhà xe của ông lại có "kỳ nghỉ" dài đến thế.

Tài xế, chủ xe mừng quên ăn, đếm ngày được cầm vô lăng, cho xe lăn bánh - 2

"Dịch bệnh suốt mấy tháng, nhà xe thất thu, nay còn tốn thêm phí sửa chữa. Sắp được hoạt động trở lại là vui lắm rồi", tài xế Nguyễn Hùng Dũng tâm sự (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Xe để lâu quá cũng hư hỏng không ít. Chúng tôi có 4 chiếc xe đều phải sửa hết, đã tốn hơn 10 triệu đồng. Dịch bệnh suốt mấy tháng, nhà xe thất thu, nay còn tốn thêm phí sửa chữa nhưng chúng tôi không ngại, miễn được hoạt động trở lại là vui lắm rồi", ông Dũng tâm sự.

Vừa lau dọn giường nằm trên xe, anh Hà Phi Học (phụ xe nhà xe Hà Loan) phấn khởi cho hay, từ ngày dịch bệnh được kiểm soát, các tỉnh thành nới lỏng giãn cách, phía Bộ GTVT cũng đã ban hành quy định vận tải liên tỉnh nên có khá nhiều hành khách gọi điện đặt vé về quê. Có khi trong một ngày anh nhận hàng chục cuộc gọi đặt vé nhưng đành phải từ chối vì chưa được lệnh xuất bến.

Tài xế, chủ xe mừng quên ăn, đếm ngày được cầm vô lăng, cho xe lăn bánh - 3

"Tất cả nhân viên, tài xế, lơ xe của chúng tôi đều đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Hiện, chúng tôi đang chờ quy định mới của Cần Thơ về vận tải hành khách mới dám nhận khách", phụ xe Hà Phi Học nói thêm (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Tất cả nhân viên, tài xế, lơ xe của chúng tôi đều đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Hiện, chúng tôi đang chờ quy định mới của Cần Thơ về vận tải hành khách mới dám nhận khách", anh Học nói thêm.

Trước đó, Sở GTVT TP Cần Thơ đã ban hành công văn hướng dẫn hoạt động vận tải hành khách. Cụ thể, đối với địa phương có dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, vận tải hành khách nội tỉnh, liên tỉnh hoạt động với tần suất bình thường.

Tài xế, chủ xe mừng quên ăn, đếm ngày được cầm vô lăng, cho xe lăn bánh - 4

Phòng vé vắng lặng suốt nhiều tháng vì dịch bệnh (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tài xế, chủ xe mừng quên ăn, đếm ngày được cầm vô lăng, cho xe lăn bánh - 5

Xe khách nằm im lìm chờ ngày xuất bến (Ảnh: Bảo Kỳ).

Với địa bàn có dịch ở cấp độ 3, vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên sẽ được quyết định đảm bảo theo nguyên tắc không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện.

Với địa bàn có dịch ở cấp độ 4, vận chuyển hành khách tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt, hợp đồng, du lịch, xe điện sẽ dừng hoạt động, trừ xe công nghệ dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử, vận chuyển học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, với tuyến liên tỉnh, Sở GTVT sẽ thông tin và lấy ý kiến của các Sở GTVT có đối lưu để thống nhất triển khai nên đến thời điểm hiện tại, xe khách vẫn chưa thể lăn bánh.