1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sốc khi nhà tuyển dụng hỏi "có sẵn sàng làm... tiểu tam"?

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhiều vấn đề bên lề cuộc sống, những drama trên mạng xã hội như "tiểu tam", "sống thử"... được đặt ra trong phỏng vấn, làm nhiều ứng viên choáng váng.

Lương 10 triệu đồng, có giám đốc "bao"?

Kết thúc phỏng vấn vào vị trí marketing tại một tập đoàn mỹ phẩm có tiếng, Nguyễn Thùy Linh, 24 tuổi, ở Quận 3, TPHCM vẫn còn ngỡ ngàng.

Từng nhiều lần trải qua phỏng vấn, Linh chuẩn bị khá kỹ các câu hỏi thường gặp, về đam mê, tiền lương, mục tiêu trong 2 - 3 năm tới ra sao, vì sao nhảy việc... Cô còn cẩn thận "phòng" cả tình huống nhà tuyển dụng hay đặt ra cho ứng viên nữ là khi nào cưới, sinh con. 

Sốc khi nhà tuyển dụng hỏi có sẵn sàng làm... tiểu tam? - 1

Ngoại tình công sở là một vấn nạn hiện nay (Ảnh minh họa).

Vậy nhưng, sau khi trao đổi chuyên môn, nhà tuyển dụng lại hỏi Linh về... "tiểu tam". Cô được hỏi thẳng rằng cô có nhan sắc, lỡ một ngày lọt vào mắt xanh của vị giám đốc đã có vợ con mà lâu nay thầm ngưỡng mộ, yêu mến...

"Bạn đi làm ở đây lương chỉ tầm 10 triệu đồng, phải tằn tiện để sống. Nếu làm "em gái mưa" của lãnh đạo sẽ có tất cả mọi thứ, còn không có thể mất việc làm. Bạn có sẵn sàng làm "tiểu tam" không?", đó là một trong số những câu hỏi giả định Linh nhận được. 

Quá lúng túng, quá bất ngờ, Linh cho biết, lúc  đầu cô ấp a ấp úng không nhớ mình đã nói những gì. Chỉ đến cuối, cô có nói đôi câu vớt vát rằng mình được ăn học và được quyền lựa chọn. Không ai có thể dùng tiền hay quyền áp đặt cô phải "chọn làm tiểu tam" hoặc "chọn mất việc". 

Vì tiền bạc mà làm "tiểu tam" thể hiện con người dựa dẫm, ỷ lại, lười biếng mà vẫn muốn ăn sung mặc sướng. Còn "tiểu tam" vì tình yêu thì đó cũng là thứ tình yêu tội lỗi, chà đạp lên đạo đức, luật phát, chẳng vẻ vang gì... 

Chưa nhận được thông báo kết quả ứng tuyển nhưng Linh vẫn chưa hết thắc mắc: "Mình ứng tuyển marketing, sao nỡ hỏi về tiểu tam?". 

Cách đây ba năm, dự tuyển vào một công ty truyền thông ở Quận 1, TPHCM, cô gái trẻ Nguyễn Thùy Dương... được nhà tuyển dụng hỏi về chủ đề "sống thử" với những câu hỏi trực diện "Em nghĩ thế nào về sống thử?", "Em có đang sống thử không?", "Em sẽ làm gì nếu bạn trai đề nghị chuyển nhà về sống chung?"... 

Thùy Dương kể, khi đó cô mới ra trường, chẳng mấy xa lạ với vấn đề sống thử của sinh viên. Vậy nhưng, vấn đề đó được đưa vào buổi phỏng vấn tuyển dụng làm cô không khỏi bất ngờ. 

Thùy Dương trả lời thật tình rằng, mình chưa sống thử nên góc nhìn hiện tại của mình nghiêng về hướng không đồng tình. Nhưng có thể một thời điểm nào đó mình sẽ nhìn vấn đề ở một góc độ khác hoặc biết đâu cũng sẽ quyết định sống thử... Điều này nhắc nhở cô cẩn trọng, tỉnh táo, cần có nhiều góc nhìn khi đưa ra những đánh giá, nhận xét một vấn đề nào đó. 

Lần đó, Thùy Dương là một trong hai người trúng tuyển. Mới đầu, Dương còn nghĩ là nhà tuyển dụng hỏi cho vui nhưng sau vào làm cô biết, mọi thứ đều có chủ ý. Làm trong lĩnh vực truyền thông, thông tin nên góc nhìn, tư duy, sự sẵn sàng tiếp nhận những quan điểm mới của nhân sự rất quan trọng. 

Tìm người cùng "sóng"

Nhà xã hội học Trần Phương Thanh, làm việc tại một tổ chức hoạt động xã hội ở TPHCM cho hay, những câu hỏi phỏng vấn về các vấn đề nhạy cảm trong đời sống xã hội không xa lạ trong tuyển dụng hiện nay và chắc chắn ngày sẽ càng được sử dụng nhiều. 

Quan điểm, tư duy, nhận thức của ứng viên về các vấn đề xã hội cực kỳ quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả kiến thức, kỹ năng, đặc biệt trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, truyền thông, y tế... 

Sốc khi nhà tuyển dụng hỏi có sẵn sàng làm... tiểu tam? - 2

Một vụ đánh ghen với "tiểu tam" trên đường phố Hà Nội (Ảnh cắt từ clip).

"Hầu hết, các nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy ở ứng viên sự cởi mở, biết lắng nghe, tiếp thu... Vì nếu không cùng "sóng" sẽ rất khó hợp tác, làm việc", bà Thanh nhấn mạnh. 

Không chỉ trong lĩnh vực đặc thù trên, anh Nguyễn Nguyên Phong, trưởng phòng nhân sự một tập đoàn công nghệ ở TPHCM cho biết, ở các lĩnh vực khác như kinh tế, kinh doanh, thời trang, thiết kế... đơn vị tuyển dụng cũng ngày càng quan tâm đến nhận thức của nhân sự về các vấn đề xã hội như tình yêu, tình bạn, gia đình, hôn nhân, bình đẳng giới, đồng tính...

Bởi mọi hoạt động kinh doanh đều không thể tách biệt với đời sống. Nó tác động trực tiếp đến cách làm việc, đến các nội dung, hình ảnh quảng cáo tiếp thị của doanh nghiệp. 

Ngoài ra, dù không nói ra nhưng theo anh Phong, nhiều doanh nghiệp rất coi trọng đạo đức, lối sống và xây dựng trình độ dân trí của nhân sự ngay từ "đầu vào". Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn là sự cẩn trọng đối với hình ảnh của công ty. Thực tế, không ít doanh nghiệp gặp khủng hoảng vì lối sống sa đọa, đời tư bê bối của nhân viên...