1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Những người quanh năm làm nghề vui ít, buồn nhiều

Thanh Tùng

(Dân trí) - Công việc vận hành lò hỏa táng với nhiều người tưởng chừng như đơn giản, nhưng đó là cả một quy trình hết sức phức tạp. Còn với những người trong cuộc, đây là cái nghề quanh năm vui ít, buồn nhiều.

Những người quanh năm làm nghề vui ít, buồn nhiều

"Ăn ngủ" với nghề

Anh Trương Công Nội (SN 1987), quê ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, làm công việc vận hành lò hỏa táng ở Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân Hoàn vũ Thanh Hóa (phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa) được 7 năm. Trước khi đến với nghề hỏa táng, anh từng là một thợ điện nước. 

Hầu hết những nhân viên đến với nghề này ở nơi đây đều bằng cái duyên và sự tận tâm với nghề. "Trước kia mỗi người đều có công việc ổn định, đến với nghề hỏa táng là một cơ duyên của mỗi người. Chúng tôi phải trải qua quá trình đào tạo kỹ càng mới được làm việc tại đây, bởi vận hành lò hỏa táng không đơn giản như nhiều người thường nghĩ", anh Nội nói. 

Những người quanh năm làm nghề vui ít, buồn nhiều - 1

"Chúng tôi phải trải qua quá trình đào tạo kỹ càng mới được làm việc tại đây", nhân viên vận hành lò hỏa táng Trương Công Nội chia sẻ.

Đài hóa thân Hoàn vũ Thanh Hóa trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 ca hỏa táng. Có thời điểm những lò hỏa táng vận hành cả ngày lẫn đêm vì số ca nhiều. Bởi vậy, những người làm nghề như anh Nội phải thường xuyên túc trực 24/7 để làm việc. 

"Công việc vận hành lò hỏa táng tuy không nặng nhọc nhưng rất căng thẳng, chúng tôi phải làm việc gần như tất cả các ngày trong năm, bất kể ngày hay đêm, hễ có khách đặt lịch là chúng tôi làm việc. Thậm chí kể cả ngày Tết vẫn phải làm việc", anh Nội chia sẻ.

Nói về công việc hàng ngày, anh Nội cho biết, chủ yếu làm việc qua hệ thống máy tính, mỗi lò hỏa thiêu được vận hành bằng bảng điều khiển từ xa. Đồng thời, được trang bị một màn hình máy tính để theo dõi nhiệt độ, khói, khí đốt và máy hút... 

Những người quanh năm làm nghề vui ít, buồn nhiều - 2

Nhân viên trẻ Phùng Sỹ Khởi mới 24 tuổi nhưng đã có 5 năm gắn bó với nghề vận hành lò hỏa táng.

Theo các nhân viên vận hành lò hỏa táng, trong không gian lò hỏa táng không có mùi hay khói bụi như mọi người vẫn thường hay nghĩ. Chính vì vậy, thường phần lớn thời gian sinh hoạt cá nhân từ ăn, ngủ, uống nước của các nhân viên vận hành lò hỏa táng đều diễn ra tại nơi làm việc là nhà vận hành hỏa táng.

Có thời điểm, số ca hỏa táng đông, các nhân viên tại đây vừa túc trực trông lò vừa tranh thủ ăn cơm. 

Nhiều năm ăn Tết ở lò hỏa táng

Suốt 7 năm làm việc tại lò hỏa táng, anh Trương Công Nội nhớ nhất kỷ niệm về một ca hỏa táng quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Đó là một trường hợp rất đáng thương, vì hoàn cảnh gia đình người mất khó khăn, lễ hỏa táng hôm đó chỉ có 2 người thân đi cùng. 

Những người quanh năm làm nghề vui ít, buồn nhiều - 3
Công việc vận hành lò hỏa táng hoạt động tất cả các ngày trong năm, trung bình mỗi ngày tại đây đón nhận khoảng 20 ca hỏa táng.

"Sau khi làm việc xong xuôi, chúng tôi sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho thân nhân người quá cố. Nếu nói về cảm xúc lúc bấy giờ thì khó mà tả hết được nỗi đau của gia đình họ. Làm nghề chúng tôi hiểu rõ được điều đó, đây là nghề vui ít, buồn nhiều", anh Nội nhớ lại.

Tổ vận hành lò hỏa táng của anh Nội có 11 người với nhiều lứa tuổi, nhưng hầu hết là những người tuổi trung bình từ 25 - 40. Họ là những người có sức khỏe tốt và chịu được áp lực với cường độ công việc cao.

Những người quanh năm làm nghề vui ít, buồn nhiều - 4
Anh Trương Công Nội nhớ lại kỉ niệm về ca hỏa táng quê ở Hà Tĩnh.

Trong số 11 người tại đây có Phùng Sỹ Khởi là người trẻ nhất. Khởi năm nay 24 tuổi nhưng đã có tới 5 năm làm nghề vận hành lò hỏa táng với rất nhiều kỷ niệm.

"Tôi đã có 3 năm được ăn Tết tại lò hỏa táng. Tết ở đây thì cũng đủ cả, bánh chưng rồi giò, thịt. Mỗi một điều đó là không được cùng gia đình vui xuân đón Tết, nhiều lúc nghĩ cũng buồn. Nhưng đã chọn nghề này, chúng tôi mãi cũng thành quen, mỗi ca làm việc tôi đều coi rất thiêng liêng", Khởi tâm sự.

Những người quanh năm làm nghề vui ít, buồn nhiều - 5
Hiện tại đây có 11 người làm nghề vận hành lò hỏa táng.

Nhiều người vận hành lò hỏa táng tại đây còn có những câu chuyện "dở khóc, dở cười". Đến bây giờ chàng trai trẻ Ngô Xuân Đông (quê ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) vẫn không tin được hành trình cưới vợ lại gian nan đến vậy. 

"Công việc hỏa táng nhiều người không hiểu thì thấy ghê rợn. Ngày mới vào nghề em còn lo khó kiếm được vợ. Những ngày đầu khi đang yêu, nhiều hôm hẹn nhau đi chơi thì lại có ca đặt lịch hỏa táng nên phải hủy lịch với người yêu. Cô ấy giận lắm. Đến giờ, chuyện hủy lịch đi chơi hay đám đình là chuyện thường ngày đối với chúng em", Đông bộc bạch.

Những người quanh năm làm nghề vui ít, buồn nhiều - 6

Đến bây giờ chàng trai trẻ Ngô Xuân Đông (quê ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) vẫn không tin được hành trình cưới vợ lại gian nan đến vậy. 

Điều mà những người vận hành lò hỏa táng quan tâm nhất là sự tôn kính, tỉ mỉ và toàn vẹn được duy trì trong suốt quá trình làm việc. Theo quy định, người thân không được phép có mặt ở lò hỏa táng, vì vậy tất cả mọi công việc đều nhờ cậy vào người vận hành lò.

"Đó là những nỗi đau và là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với họ, chúng tôi phải cố gắng hết sức, nỗ lực làm việc một cách cẩn thận để tạo được niềm tin và giúp họ xoa dịu đi phần nào nỗi đau mất người thân. Nói chung đó là cái tâm với nghề mà những người làm như chúng tôi phải có", anh Nội cho hay.

Những người quanh năm làm nghề vui ít, buồn nhiều - 7

Tro cốt sau khi xử lý sẽ được đưa về nhà lưu giữ để bàn giao cho thân nhân người quá cố.

Công việc bận rộn quanh năm nhưng đổi lại những nhân viên vận hành lò hỏa táng tại đây được trả mức lương bình quân mỗi tháng từ 10 - 12 triệu đồng. Ngoài ra, vào các ngày lễ, Tết còn được công ty thưởng thêm và khám sức khỏe định kỳ hàng năm. 

Trao đổi với PV, đại diện đơn vị đầu tư lò hỏa táng, cho biết: "Phúc Lạc Viên là công trình văn hóa tâm linh, đi vào hoạt động đã gần 10 năm nay. Những người vận hành lò hỏa táng tại đây là những người đã được đào tạo bài bản. Không chỉ thế, họ còn được đào tạo về chuyên môn để có thể lắng nghe và thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của mỗi tang gia".