1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nam:

Lên kịch bản ứng phó tình huống dịch có thể xảy ra tại các khu công nghiệp

Đức Văn

(Dân trí) - UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống dịch có thể xảy ra tại các khu công nghiệp…

Thực hiện Công văn số 3836/CV-BCĐ ngày 10/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu các cơ quan chức năng quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương, Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường hướng dẫn cụ thể, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp thực hiện nghiêm Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020, Công văn số 3836/CV BCĐ ngày 10/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, văn bản số 1101/UBND-KGVX ngày 10/5/2021 của UBND tỉnh và các văn bản có liên quan.

Lên kịch bản ứng phó tình huống dịch có thể xảy ra tại các khu công nghiệp - 1

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Park Electronic Vina, đóng tại KCN Đồng Văn 4 (Hà Nam).

Yêu cầu người sử dụng lao động khẩn trương thông báo cho người lao động có biểu hiện cảm cúm, ho, sốt tạm thời nghỉ làm ở nhà để theo dõi sức khỏe và báo cho cơ quan y tế gần nhất lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống dịch có thể xảy ra tại các khu công nghiệp; UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống dịch có thể xảy ra tại các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp và chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch trong các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Các sở, ngành, đơn vị, địa phương lưu ý bố trí phương án phân luồng cách ly y tế tạm thời, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp nghi ngờ mắc hoặc mắc Covid-19 tại doanh nghiệp, tại khu, cụm công nghiệp; tổ chức tuyên truyền, tập huấn và cung cấp cho doanh nghiệp đầy đủ địa chỉ liên hệ liên quan phòng, chống dịch của đơn vị, địa phương.

Đồng thời, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần thường xuyên, kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan doanh nghiệp, người lao động có nguy cơ cao, nhất là thông tin liên quan lao động là người ngoại tỉnh và các nhà cung cấp dịch vụ liên tỉnh để đôn đốc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.