1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai:

Làm nhà rông siêu nhỏ, lão ông U70 kiếm bộn tiền

Nay Sắt

(Dân trí) - Từ bàn tay khéo léo, ông Đinh Nhiêu đã "biến" những thân tre nứa thành nhà rông siêu nhỏ hay chiếc gùi độc đáo với họa tiết tinh xảo. Nhờ những đồ mỹ nghệ này, ông thu nhập tiền triệu mỗi ngày.

Vừa trao đổi với PV, ông Đinh Nhiêu (68 tuổi, trú thôn Plei Kte, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, Gia Lai) vẫn luôn tay hoàn thiện sản phẩm mô hình nhà rông siêu nhỏ bằng tre, nứa.

Ông Đinh Nhiêu làm quen với nghề đan lát từ rất sớm. Trong một lần quan sát người cha đan những vật dụng bằng tre nứa, chú bé Đinh Nhiêu - khi đó mới 13 tuổi - đã cảm thấy rất thích thú. Từ đó, chú bé đã say sưa học hỏi người cha công việc đan lát. Sau nhiều năm miệt mài với nghề, Đinh Nhiêu đã trở thành một nghệ nhân đan lát trong làng.

Làm nhà rông siêu nhỏ, lão ông U70 kiếm bộn tiền - 1

Ông Đinh Nhiêu miệt mài hoàn thành sản phẩm mỹ nghệ của mình.

Vừa kể với PV, ông Đinh Nhiêu vừa mang ra đủ thứ các vật dụng như rá, niêu, gùi, chiếu tự đan để sử dụng trong gia đình. Chúng tôi bất ngờ nhất là mô hình nhà rông siêu nhỏ được tự tay ông thiết kế rất độc đáo, hoa văn tinh xảo.

Ông Đinh Nhiêu cũng là người am hiểu, nghiên cứu nhiều về nhà rông của người Ba Na. Nhà rông ở xã Ia Yeng cũng tự tay ông xin kinh phí của tỉnh để xây dựng. Muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa nhà rông của dân tộc mình nên ông Đinh Nhiêu đã làm những mô hình nhà rông siêu nhỏ.

Làm nhà rông siêu nhỏ, lão ông U70 kiếm bộn tiền - 2

Nhà rông siêu nhỏ được tự tay ông nghiên cứu chế tác qua nhiều năm. Sản phẩm hoàn thiện rất độc đáo, hoa văn tinh xảo.

Trước khi làm ra tác phẩm mỹ nghệ với mô hình nhà rông, ông Đinh Nhiêu đã phải nghiên cứu, tìm hiểu nhiều năm trời về các chi tiết từ thiết kế nhà rông truyền thống để sản phẩm của mình giống bản chính nhất.

"Thời gian đầu, tôi phải đi đến nhà rông ở làng của người Ba Na để nghiên cứu, thu thập những chi tiết để thiết kế vào sản phẩm của mình hoàn hảo nhất. Cái khó nhất ở đây là tôi phải làm sao ráp được kết cấu, bố cục từ nhà rông ngoài đời vào mô hình đang thiết kế. Được một thời gian, mẫu nhà của tôi cũng được hoàn thành", ông Đinh Nhiêu chia sẻ.

Để sản phẩm tăng tính thẩm mỹ, ông đã sơn lên những thanh tre, nứa. Theo ông, làm như thế sẽ tôn lên vẻ đẹp của các đồ vật, làm nổi bật họa tiết trên nó. Ông Đinh Nhiêu còn đầu tư các dụng cụ để chế tác sản phẩm máy bắn đinh, dụng cụ cắt, mài tre, nứa lên đến hàng chục triệu đồng. Ông mong muốn sản phẩm của mình được chắc chắn, đẹp nhất khi mang đến cho khách hàng.

Làm nhà rông siêu nhỏ, lão ông U70 kiếm bộn tiền - 3

Ông Đinh Nhiêu làm ra sản phẩm nhà rông siêu nhỏ để lưu giữ nét đẹp văn hóa của người Ba Na.

Ngoài nhà rông siêu nhỏ, ông còn khéo léo thiết kế những chiếc gùi siêu đẹp, màu sắc rực rỡ. "Hồi xưa, tôi chỉ đan lát gùi đơn giản, hầu hết dùng để địu nông sản khi đi làm nương. Sau một lần thấy người phụ nữ dùng chiếc gùi nhỏ để đựng vật dụng thêu dệt thổ cẩm, tôi cũng đã làm những sản phẩm tương tự nhưng nó lại được biến tấu vẻ ngoài đẹp hơn, dày dặn hơn vì dùng 2 lớp đan xen kẽ ", ông Đinh Nhiêu cho biết.

Đến nay, các sản phẩm đan lát của ông đã trở thành thương hiệu, được người ở các làng bên thường xuyên đến xem và mua.

Thời gian trung bình làm một mô hình nhà rông khoảng hơn 10 ngày, còn chiếc gùi là 14 ngày trở lên. Để có được một sản phẩm chất lượng và đẹp, phải trải qua nhiều công đoạn công phu như chuẩn bị nguyên liệu. Đặc biệt là việc chẻ, chuốt các sợi nan sao cho đạt tỉ lệ hợp lý, đảm bảo độ mềm, nhẵn để thuận lợi trong quá trình đan.

Làm nhà rông siêu nhỏ, lão ông U70 kiếm bộn tiền - 4

Để có được một sản phẩm chất lượng và đẹp, phải trải qua nhiều công đoạn công phu.

Theo ông Đinh Nhiêu, khách hàng đến mua thì phải đặt từ trước, giá của một nhà rông siêu nhỏ dao động 800.000-1.200.000 đồng. Còn các sản phẩm khác dao động 300.000-800.000 đồng/chiếc. Thu nhập từ nghề đan lát mang lại giúp ông  trang trải được chi phí cho cuộc sống trong lúc tuổi cao sức yếu không thể đi làm rẫy được

Ông Đinh Nhiêu cũng cho biết thêm, bây giờ còn rất ít người biết và duy trì nghề đan lát. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát cần rất nhiều thời gian và công sức, vì vậy giới trẻ cũng không mấy mặn mà với nghề. Những người trẻ bây giờ học xong không chịu áp dụng nên dần dần cũng quên nghề.

Để lưu giữ truyền thống nghề đan lát của dân tộc mình, ông thường gọi những người trẻ trong làng đến tập trung tại nhà để ông vừa nói chuyện vừa hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản của nghề đan lát với mong muốn gìn giữ được nghề truyền thống.

Làm nhà rông siêu nhỏ, lão ông U70 kiếm bộn tiền - 5

Nhờ thu nhập từ nghề đan lát mang lại giúp ông trang trải được chi phí cho cuộc sống trong lúc tuổi cao sức yếu không thể đi làm rẫy được.

Anh Nay Bang, Trưởng thôn Plei Kte, nhận xét: "Ông Đinh Nhiêu là một cán bộ xuất sắc, nguyên là Chủ tịch Hội nông dân huyện Phú Thiện. Khi về hưu, ông đã mày mò và thiết kế nhiều sản phẩm mỹ nghệ có giá trị văn hóa, trong đó có nhà rông siêu nhỏ.

Ông là người làm nghề đan lát có tiếng trong thôn. Chúng tôi rất khuyến khích ông sáng tạo để lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mang các sản phẩm của ông đến lễ hội, hội chợ để quảng bá hình ảnh, được nhiều người biết đến".