Đồng Tháp: Vì sao Đồng Tháp đều đặn đưa 1.500 lao động ra nước ngoài làm việc?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Từ phương châm "Đi làm thuê - về làm chủ" được quán triệt trong cả hệ thống chính trị và chính sách hỗ trợ người lao động vay tiền kịp thời nên mỗi năm, Đồng Tháp có khoảng 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Quyết tâm "đi làm thuê, về làm chủ"…

Ông Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, cho biết, hai nhiệm kỳ vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, đưa nội dung đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vào Nghị quyết Đại hội Đảng và xác định đây là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng Tháp: Vì sao Đồng Tháp đều đặn đưa 1.500 lao động ra nước ngoài làm việc? - 1
Phương châm "đi làm thuê, về làm chủ" được các cấp ủy Đảng Đồng Tháp quán triệt trong cả hệ thống chính trị để truyền cảm hứng này đến với người lao động khi ra nước ngoài làm việc.

Phương châm "Đi làm thuê - về làm chủ" được quán triệt trong cả hệ thống chính trị, đồng thời tỉnh đã ban hành chính sách về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài (kinh phí học định hướng, học nghề, ngoại ngữ, vay vốn….). Bình quân hằng năm, Đồng Tháp có khoảng 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, gần đây đưa một số lao động sang các nước châu Âu.

Ông Thắng còn cho rằng, để động viên, nắm tình hình người lao động, hằng năm, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đều tổ chức đoàn công tác sang thăm. Đây cũng là dịp để tỉnh trực tiếp làm việc với các Nghiệp đoàn, doanh nghiệp ở nước ngoài nhằm tháo gỡ nút thắt, tiếp tục có hợp đồng mới cho người lao động.

Đồng Tháp: Vì sao Đồng Tháp đều đặn đưa 1.500 lao động ra nước ngoài làm việc? - 2
Mỗi năm, Đồng Tháp đều đặn đưa khoảng 1.500 lao động ra nước ngoài làm việc.

Theo Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp, trong 5 năm (2016-2020) đã có 8.300 lao động xuất cảnh và làm việc tại các quốc gia phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ba Lan…) với thu nhập mỗi tháng từ 20-30 triệu đồng/người (sau khi đã trừ chi phí). Mức thu nhập cao đã giúp nhiều lao động Đồng Tháp cải thiện đời sống gia đình và thân nhân, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả.

Nhiều lao động sau khi về nước tiếp tục khởi nghiệp thành công, trở thành các chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Tháp tiếp tục đề ra mục tiêu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phấn đấu hàng năm có ít nhất 1.500 lao động xuất cảnh.

Đồng Tháp: Vì sao Đồng Tháp đều đặn đưa 1.500 lao động ra nước ngoài làm việc? - 3
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa quàng khăn, tiễn các lao động ra nước ngoài làm việc.

Nâng cao chất lượng nguồn lao động

Đồng Tháp không chỉ quân tâm đến công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài mà còn chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Cụ thể, tỉnh đã ký hợp tác với các Trường Đại học ở Đài Loan để đào tạo nhân lực, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Hiện nay, đây vẫn là chương trình trọng tâm của tỉnh với mục tiêu giải quyết việc làm, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, giảm nghèo bền vững, thu hút ngoại tệ và mục tiêu lâu dài nhất là nâng cao thu nhập của người dân".

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp còn nhấn mạnh, ngoài nhiệm vụ tạo điều kiện tốt nhất để người lao động đi nước ngoài làm việc, Đồng Tháp còn tập trung nâng cao nguồn chất lượng lao động, phục vụ cho doanh nghiệp. Mặt khác, khi nâng cao chất lượng nguồn lao động còn tạo ra nguồn nhân lực lâu dài, chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển của địa phương trong thời gian tới.

Để làm được điều này, Đồng Tháp thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển giáo dục tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025; ngành Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp trên địa bàn xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác đào tạo lao động chất lượng cao phục vụ gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng Tháp: Vì sao Đồng Tháp đều đặn đưa 1.500 lao động ra nước ngoài làm việc? - 4
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, song song với nhiệm vụ đưa lao động ra nước ngoài làm việc thì Đồng Tháp còn tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Ngoài ra, Đồng Tháp tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề; xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp nhằm nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời, thực hiện tốt công tác dự báo, định hướng phát triển các ngành nghề trọng điểm, ưu tiên và gắn kết giữa đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cung ứng lao động, giới thiệu việc làm.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, nhấn mạnh: "Đồng Tháp xác định phải luôn thay đổi trong tư duy, phải đi trước, đi nhanh, đổi mới để theo kịp sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng tôi xác định xây dựng hình ảnh của Đồng Tháp, môi trường đầu tư của Đồng Tháp để vươn lên, không còn là một tỉnh vùng sâu vùng xa".

Ngày 15/8, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch đề ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có chỉ tiêu phấn đấu có 100% học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; chỉ tiêu 100% sinh viên các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.

Hàng năm, 30% số ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên là học sinh, sinh viên được kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư hoặc được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp; ít nhất 20.000 thanh niên được giải quyết việc làm; ít nhất 90% thanh niên đi lao động ở nước ngoài sau khi về nước được tiếp tục đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ lập nghiệp, khởi nghiệp…