"Đổi đời" thành cô giáo dạy tiếng Nhật sau chuyến xuất khẩu lao động

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Sang Nhật lao động, chị Nhi và chị Hạnh vừa làm vừa học thêm tiếng Nhật. Về nước, cả hai trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp.

Thành công sau khi đi lao động ở nước ngoài

Những năm gần đây, Đồng Tháp gây ấn tượng khắp miền Tây về kết quả đưa lao động ra nước ngoài làm việc có thời hạn nhiều nhất vùng ĐBSCL.

Nhiều lao động "đi làm thuê, về làm chủ", khởi nghiệp thành công. Có lao động về nước mở doanh nghiệp, mở tiệm sửa xe, cơ sở kinh doanh; người khác mua đất trồng cỏ nuôi bò. Và có nhiều lao động "đi làm thuê", về làm cô giáo dạy tiếng Nhật.

Chị Lê Thị Xuân Nhi (25 tuổi, trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) là một trong  những gương điển hình cho nhiều lao động Đồng Tháp biết vượt lên số phận, thoát cảnh làm thuê.

Chị Nhi cho biết, năm 2016, chị đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp đăng ký đi lao động ở Nhật.

Đổi  đời thành cô giáo dạy tiếng Nhật sau chuyến xuất khẩu lao động - 1

Sau khi về nước năm 2019, chị Lê Thị Xuân Nhi được Trung tâm dịch vụ việc làm tuyển vào dạy tiếng Nhật cho các lao động chuẩn bị sang nước bạn làm việc (Ảnh: Nguyễn Hành).

Đến Nhật, chị Nhi làm việc ở lĩnh vực công nghệ thực phẩm. Được làm việc với những ông chủ người Nhật luôn cởi mở, sẵn sàng hỗ trợ lao động Việt Nam, dần dà, chị Xuân Nhi yêu văn hóa Nhật và quyết tâm học tiếng Nhật.

Chị Xuân Nhi kể, ban ngày đi làm, tranh thủ ban đêm tự học tiếng Nhật. Ngoài ra, trong quá trình làm việc, chị Xuân Nhi còn chủ động gặp gỡ người Nhật, nói chuyện nhiều hơn để trau dồi vốn tiếng Nhật của mình.

"Người Nhật năng động, sáng tạo và có tính kỷ luật cao khi làm việc. Nhưng tôi thích nhất người Nhật ở việc luôn đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu. Có lẽ vì điều đó, mỗi công dân Nhật tự bảo ban mình phải làm việc hết mình, chu đáo, cẩn thận từng chút một để hoàn thành sản phẩm tốt nhất mà không cần ai nhắc nhở, giám sát", chị Nhi chia sẻ.

Năm 2019, chị Nhi hết hợp đồng lao động, trở về Đồng Tháp. Hay tin Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp (thuộc Sở LĐTB&XH Đồng Tháp) tuyển giáo viên tiếng Nhật, chị Nhi đến dự tuyển và trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật cho đến nay.

Tương tự chị Nhi, chị Lê Thị Hồng Hạnh cũng đang dạy tiếng Nhật tại trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp.

Chị Hạnh kể, năm 2016, sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thực phẩm, chị Hạnh đăng ký sang Nhật lao động. Do có trình độ đại học, chị Hạnh bắt nhịp nhanh với văn hóa xứ sở hoa anh đào.

Đổi  đời thành cô giáo dạy tiếng Nhật sau chuyến xuất khẩu lao động - 2

Chị Lê Thị Hồng Hạnh dạy tiếng Nhật cho các lao động chuẩn bị sang Nhật làm việc (Ảnh: Nguyễn Hành).

Chị Hạnh bật mí về bí quyết học tiếng Nhật: "Tranh thủ buổi tối học tiếng Nhật; cái nào khó, không hiểu, khi vào làm, tôi hỏi thêm các ông chủ người Nhật. Nhờ đó, tôi nhanh chóng thông thạo tiếng Nhật sau 4 năm làm việc tại đất nước này".

Chị Hạnh cho biết, kết thúc thời gian lao động tại Nhật, ngoài việc tích lũy được hơn 1 tỷ đồng thì điều làm chị hài lòng nhất là những kiến thức tích lũy được trong thời gian lao động tại Nhật. Những đức tính kiên trì, đoàn kết, cởi mở và cả tính kỷ luật lao động khắt khe của người Nhật giúp chị trưởng thành hơn.

Hàm ý của phương châm "đi làm thuê, về làm chủ"

Theo Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp, trong 5 năm (2016 - 2020), đã có 8.300 lao động xuất cảnh và làm việc tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ba Lan… với thu nhập mỗi tháng từ 20 - 30 triệu đồng/người. Mức thu nhập cao đã giúp nhiều lao động Đồng Tháp cải thiện đời sống, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả.

Nhiều lao động sau khi về nước tiếp tục khởi nghiệp thành công, trở thành các chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Đổi  đời thành cô giáo dạy tiếng Nhật sau chuyến xuất khẩu lao động - 3

Phương châm "Đi làm thuê, về làm chủ" luôn được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp truyền đến các lao động trước khi ra nước ngoài làm việc (Ảnh: Nguyễn Hành)

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp cho biết, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm. Thời gian qua, tỉnh tạo ra nhiều cơ hội cho các lao động địa phương tiếp cận với môi trường làm việc tại đất nước phát triển, tiên tiến, hiện đại như Nhật Bản.

Vẫn theo lời ông Vũ, sau khi các lao động kết thúc thời gian làm việc ở Nhật, ngoài việc có được số vốn kha khá (từ 300 triệu đến hơn một tỷ đồng), các lao động còn tích lũy được nhiều thứ khác. Chẳng hạn, về kỹ năng, thái độ làm việc, về kiến thức khoa học, kỹ thuật từ một đất nước hiện đại như Nhật Bản.

Ngoài ra, khi về nước, các lao động còn làm chủ được bản thân, suy nghĩ và hành động của mình. Đây cũng là hàm ý của phương châm "đi làm thuê, về làm chủ". Hiện tại, có 5 lao động đang là giáo viên dạy tiếng Nhật tại Trung tâm sau thời gian lao động ở Nhật về Đồng Tháp.

Trong giai đoạn 2021- 2025, Đồng Tháp tiếp tục đề ra mục tiêu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phấn đấu hàng năm có ít nhất 1.500 lao động xuất cảnh, chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, gần đây đưa một số lao động sang các nước Châu Âu.