1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đi họp đồng hương về, muốn đổ bệnh khi nghe bạn bè khoe kiếm tiền tỷ

Hoài Nam

(Dân trí) - Họp đồng hương về, Duy rũ rượi nằm vật ra giữa nhà. Ngẫm cảnh bạn bè thu nhập tiền tỷ, đi xe sang... anh muốn đổ bệnh.

Không choáng mới lạ

Sau một tuần họp đồng hương, Lê Văn Duy (31 tuổi, làm việc tại công ty kính cường lực ở quận 12, TPHCM) vẫn chưa lấy lại tinh thần. 

Tới cuộc họp trên một chiếc xe máy cũ từ hồi ra trường, Duy tủi thân khi nhìn nhiều bạn bè đi xe xịn, công việc thu nhập cao ngất. Nhiều đồng hương còn kể lương mới đi làm 30-40 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với lương của Duy. Chưa kể có người còn thu nhập tiền tỷ mỗi năm. 

Đi họp đồng hương về, muốn đổ bệnh khi nghe bạn bè khoe kiếm tiền tỷ - 1

Duy chán nản khi bạn bè kiếm tiền tỷ và bản thân vẫn nhận lương tháng chỉ hơn 10 triệu (Ảnh mang tính minh họa).

Thông tin không rõ thực hư nhưng đủ làm Duy suy sụp.

Anh Duy bần thần kể lại, nhiều năm đi làm công, mức lương tháng tới nay chỉ là 11 triệu đồng. Hàng tháng lo cho bố mẹ ở quê và tiền nhà trọ, chi tiêu tằn tiện, anh chỉ để dành được vài triệu đồng. Khi có việc phát sinh thì nguy cơ tiêu vào khoản dự trữ. Muốn mua sắm gì, anh đều phải tính tới việc trả góp.

"Cưới vợ hơn một năm nay nhưng chúng tôi chưa dám sinh con vì... tiền", Duy bất lực trước mong muốn kiếm được nhiều tiền. 

Chung tâm trạng trên, sau đợt về quê đón Tết và gặp lại bạn bè cũ, anh Hồ Phúc Minh (29 tuổi, ở Nghệ An) cũng muốn... đổ bệnh. 

Tự ý thức công việc trong ngành xuất bản giờ không dễ làm giàu, Minh cũng tạm hài lòng với mức thu nhập vừa đủ sống. Nhưng khi gặp lại bạn cũ, nhìn nhiều người giàu có, anh không khỏi mủi lòng và có chút ghen tị. 

Nhiều bạn bè đang làm ở vị trí này kia, có người thu nhập tháng lên đến 8 con số. Thậm chí nhiều người em, vợ chồng bạn bè cũ cũng khoe thu nhập cao nhất. Các em khuyên nhau, ở thành phố mà lương dưới 20-30 triệu đồng thì về quê sống cho khỏe. Anh Minh ngồi nghe gật gù mà lòng dạ nát tan. 

Nhiều bạn bè về xây nhà cửa khang trang, sắm ô tô, tài trợ trường cũ, ủng hộ thôn xóm sửa đường... Anh thì xót xa cho bố mẹ mình đến giờ vẫn còn ở trong căn nhà cũ, chỉ dám sửa kiểu "chắp vá" mỗi năm một góc. 

"Sao nhiều người kiếm tiền dễ dàng thế? Tôi làm vất vả đủ 25 ngày/tháng để rồi lĩnh đồng lương 12 triệu đồng, quá vất vả", Minh thở dài. 

Trở lại thành phố làm việc sau Tết, Minh càng mệt mỏi, rầu rĩ. Lần đầu tiên trong đời, anh chàng biên tập sách thốt lên trên trang facebook cá nhân: "Làm sao để kiếm được nhiều tiền?". 

Có bao nhiêu người "sinh ra đã ở điểm đích"?

Thực tế có nhiều buổi gặp mặt bạn bè cũ đã bị biến tướng thành "sân khấu" để nhiều người khoe thành tựu, sự nghiệp và nhất là khoe... tiền tài, thu nhập. Đi họp lớp, họp đồng hương về nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm khi nhìn người ngẫm ta. 

Chị Trần Ngọc Thơm (Phó giám đốc Công ty quảng cáo A.V, tại Thủ Đức, TPHCM) kể, giờ đây không chỉ họp lớp mà người ta khoe thu nhập, khoe tiền... ở khắp nơi. Trên mạng xã hội cũng có thể nghe ra rả chuyện các bạn trẻ đã có thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng. 

Theo chị Thơm, nói đến vấn đề thu nhập, thành công, xuất phát từ nhiều yếu tố như xuất thân, sức khỏe, năng lực, định hướng và có cả sự may mắn. 

Đi họp đồng hương về, muốn đổ bệnh khi nghe bạn bè khoe kiếm tiền tỷ - 2

"Đi họp lớp thật đáng sợ" là tâm trạng của rất nhiều nhân sự (Ảnh chụp màn hình).

Chị Thơm cho hay, nhiều người thu nhập tiền tỷ mỗi năm không hiếm. Họ có thể kiếm tiền bằng công việc, bằng các nguồn thu nhập thụ động, bằng đầu tư. Trừ những người "sinh ra đã ở điểm đích" thì để có thu nhập cao đều là quá trình của việc khổ luyện, chăm chỉ, đánh đổi bằng thời gian công sức. Chúng ta thường chỉ nhìn thấy vẻ ngoài sung sướng của người khác chứ ít ai nhìn thấy sự vất vả, khó nhọc của họ. 

Bên cạnh đó, chị Thơm cho rằng cũng không ít người "chém gió, chém bão" hoặc giàu có vì kiếm tiền bất chính. Bề ngoài phô trương vậy thôi chứ bên trong trống rỗng về cả tiền bạc lẫn nhân cách. 

Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Sơn (giảng viên ĐH ở TPHCM) cảnh báo, lối sống cuốn theo "vòng xoáy" vật chất, tiền bạc và so sánh hiện nay là một vấn nạn xã hội.

Theo đó, nhiều người đang có xu hướng nhìn vào người khác, chạy theo mục tiêu xe đẹp, ở nhà sang, đi nước này nước kia. Từ đó, họ bất chấp mọi cách để đạt được. Khi không đạt được thì họ dằn vặt, đau đớn hoặc cho rằng cuộc đời mình thất bại.

Đặc biệt, khi chỉ nhìn vào bề ngoài của người khác, nhiều người trở nên tự tin nhưng cũng có thể nảy sinh ảo tưởng về bản thân, cuốn theo cơn bão làm giàu nhanh chóng mà không nhìn vào năng lực thật. Hoặc bất chấp lao vào kiếm tiền bất chính, sẵn sàng chà đạp lên đạo đức, pháp luật.

Mong muốn giàu có, theo ông Sơn là nhu cầu chính đáng. Chúng ta cần khuyến khích thế hệ trẻ có tư duy làm giàu trên nền tảng đạo đức, phát huy năng lực và khổ luyện.

Nhưng cuộc sống không chỉ được đo bằng tiền bạc khi giá trị sống, mục tiêu, lựa chọn và hoàn cảnh mỗi người khác nhau. Có người thu nhập không cao nhưng họ hài lòng, hạnh phúc và ngược lại. 

"Nhiều người khoe này khoe kia có thể xuất phát từ sự tự ti, họ muốn được ghi nhận. Còn người thấy người ta khoe rồi đau khổ, dằn vặt là do chưa đủ tin tưởng vào bản thân, giá trị và lối đi của mình", vị giảng viên trên nêu quan điểm.