1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Dân vùng biên sống khỏe nhờ "nữ hoàng của các loại hạt"

Đặng Dương

(Dân trí) - Nhờ cây mắc ca, người dân xã biên giới ở tỉnh Đắk Nông thoát cảnh chạy ăn từng bữa. Thậm chí, nhiều hộ còn xây nhà mới, sắm xe đi lại nhờ "nữ hoàng của các loại hạt".

Dựng nhà nhờ 130 gốc mắc ca cây

Gần 10 năm trước, cây mắc ca bén rễ tại vùng đất biên giới xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Sau quãng thời gian "thử thách", thương hiệu mắc ca Quảng Trực dần định hình, đồng thời phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương này.

Cũng nhờ cây mắc ca, lao động địa phương có thêm sinh kế, thậm chí nhiều hộ gia đình còn có kinh tế khá giả nhờ trồng "nữ hoàng của các loại hạt".

Dân vùng biên sống khỏe nhờ nữ hoàng của các loại hạt - 1

Nhờ hơn 130 cây mắc ca, gia đình bà Thu có nguồn thu nhập ổn định hơn 3 năm nay.

Bà Ngô Thị Hoài Thu (dân tộc Thái, trú bon Đắk Huýt) phấn khởi khoe, căn nhà rộng hơn 100 m2 được xây dựng năm ngoái của gia đình một phần là nhờ sản xuất mắc ca.

Với hơn 130 gốc, mỗi năm, bà Thu thu được khoảng hơn 2 tấn quả tươi, giá bán dao động 85.000-95.000 đồng/kg, tạo nguồn thu chính của gia đình trong mấy năm gần đây. Gia đình bà Thu đã mở rộng thêm diện tích và có thêm 300 gốc mắc ca năm nay sẽ cho thu bói.

"Ban đầu tôi chỉ trồng xen canh mắc ca vào vườn cà phê vì đây là cây trồng mới, chưa được trồng đại trà tại địa phương. Nhiều năm kiên trì, đến nay mắc ca thu hoạch. Mắc ca hái xong đều được các đầu mối thu mua với giá thành ổn định. Nếu so với các cây trồng khác, cây này dễ trồng và ít tốn công hơn, lợi nhuận hàng năm thu được cũng ổn định hơn cà phê hoặc điều", bà Thu chia sẻ.

Dân vùng biên sống khỏe nhờ nữ hoàng của các loại hạt - 2

Cây mắc ca giúp nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán sản xuất.

Tương tự, gia đình chị Thị Ý (người M'nông, ở bon Bu Prăng) cũng có 2 ha đất trồng cà phê. Năm 2010, chị trồng xen 200 cây mắc ca trong vườn cà phê này. Nhiều năm qua, cây mắc ca đã trở thành cây trồng nuôi sống của gia đình người phụ nữ này.

Theo chị Thị Ý, mắc ca dễ trồng, ít tốn công chăm sóc vì được trồng xen canh. Đặc biệt, mùa mắc ca cũng "lệch" với mùa thu hoạch cà phê nên việc thu hoạch cũng rất đơn giản và nhanh chóng. Mỗi vụ mắc ca, chị Ý thu hoạch được khoảng gần 2 tấn quả, bán với giá 90.000-120.000 đồng/kg, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng các cây công nghiệp khác.

Ngồi chẻ hạt cũng đủ sống

Cơ sở sản xuất mắc ca M'nông ở bon Đắk Huýt là một trong số những cơ sở chế biến mắc ca thành phẩm lớn nhất của xã Quảng Trực. Bà Nguyễn Thủy Linh, chủ cơ sở chia sẻ rằng, sản phẩm mắc ca khô của đơn vị đưa đi tiêu thụ tại các thị trường phía Nam và một số tỉnh thành phía Bắc.

Dân vùng biên sống khỏe nhờ nữ hoàng của các loại hạt - 3

So với các cây trồng khác, cây mắc ca dễ trồng và ít tốn công thu hoạch hơn.

Thời gian cao điểm, cơ sở chế biến tạo việc làm cho gần 30 lao động tại chỗ, riêng ngày thường sẽ có khoảng 5-6 người làm việc. Với mức lương từ 200.000-250.000 đồng/ngày, đây được đánh giá là mức thu nhập cao, góp phần giải quyết việc làm cho lao động phổ thông.

"Từ xuất bán thô, sản phẩm mắc ca của Quảng Trực đã được chế biến, đóng gói thành mặt hàng có giá trị trên thị trường. Cũng nhờ mắc ca, đời sống của người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến rõ rệt. Trong tương lai, nếu đầu tư, mở rộng sản xuất, chế biến loại hạt này thì mắc ca sẽ trở thành cây trồng đưa người dân Quảng Trực thoát nghèo", bà Linh đánh giá.

Dân vùng biên sống khỏe nhờ nữ hoàng của các loại hạt - 4

Sản phẩm từ quả mắc ca được chế biến sâu, mang lại hiệu quả kinh tế hơn.

Gần một năm làm việc tại cơ sở sản xuất mắc ca, chị Huỳnh Thị Tố Hằng cho biết công việc hiện tại là chẻ hạt mắc ca và tách nhân. Tiền công thu được từ công việc này đủ để chị Hằng trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.

"Công việc không tốn nhiều sức lao động và cũng không cần học qua trường lớp mà chỉ cần một ngày học việc là đã có thể bắt tay vào làm ngay. Hiện nay, hạt mắc ca được nhiều người tìm mua nên không sợ hết việc. Với tiền công hơn 200.000 đồng/ngày, so với nhiều nghề khác tại Quảng Trực thì đây là mức thu nhập ổn định hơn rất nhiều", chị Hằng nói.

Dân vùng biên sống khỏe nhờ nữ hoàng của các loại hạt - 5

Chị Huỳnh Thị Tố Hằng có thu nhập hàng tháng ổn định nhờ công việc chẻ hạt mắc ca.

Dân vùng biên sống khỏe nhờ nữ hoàng của các loại hạt - 6

So với nhiều nghề khác tại Quảng Trực, việc làm ở cơ sở sản xuất mắc ca mang lại thu nhập ổn định hơn hẳn.

Chủ tịch UBND xã Quảng Trực Nguyễn Hải Lý phấn khởi nói, cây mắc ca là nguồn thu nhập chính của hầu hết người dân trong các bon làng ở Quảng Trực. Toàn xã có khoảng 600 ha mắc ca, năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha.

Ông Nguyễn Hải Lý thông tin thêm: "Cây mắc ca đã giúp thay đổi phương thức, tập quán sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc tại chỗ, từ quảng canh chuyển sang thâm canh. Hiện tại, toàn xã Quảng Trực có gần 600 ha mắc ca (chỉ sau diện tích cà phê) và cây trồng này đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo cho bà con nhân dân".