1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công ty có thể tự ý cho công nhân thôi việc hay không?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Gần đây, một số công ty thông báo cắt giảm lao động khiến nhiều công nhân lo lắng. Nhiều người lao động thắc mắc, doanh nghiệp có thể tự ý cho nhân công thôi việc không?

Những tháng cuối năm, tình hình lao động tại TPHCM diễn biến phức tạp khi nhiều công ty thông báo cắt giảm hàng ngàn nhân sự, như công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân), TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi)…

Sau đó, Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cho biết, có gần 6.000 công nhân của 51 doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp bị ảnh hưởng do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng…

Mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cũng thông báo giảm giờ làm, cho công nhân ở một số xưởng nghỉ luân phiên. Trong thời gian 3 tháng (từ ngày 1/12/2022 cho đến ngày 28/2/2023), hàng ngàn công nhân phải luân phiên nghỉ tổng cộng 14 ngày.

Việc không được tăng ca, giảm giờ làm làm sụt thu nhập thực tế của công nhân, trong khi nhiều gia đình trông chờ mùa tăng ca cuối năm để có thêm thu nhập, chuẩn bị cho cái Tết sắp tới.

Không chỉ thế, nhiều công nhân lo lắng tình trạng thiếu đơn hàng còn tiếp diễn thì nguy cơ mất việc rất cao, lo sợ công ty tự ý cho thôi việc.

Thực tế, việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động (NLĐ) được pháp luật quy định rất chặt chẽ với nhiều điều khoản để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Công ty có thể tự ý cho công nhân thôi việc hay không? - 1

Việc chấm dứt hợp đồng với người lao động được pháp luật quy định rất chặt chẽ (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Theo điều 36 Bộ luật Lao động 2019, NSDLĐ chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

(1) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng.

(2) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị quá lâu mà khả năng lao động chưa hồi phục.

(3) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

(4) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc quá thời hạn quy định.

(5) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu.

(6) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.

(7) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 quy định 3 trường hợp NSDLĐ không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

(1) NLĐ ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, trừ trường hợp đã điều trị quá lâu mà khả năng lao động chưa hồi phục.

(2) NLĐ đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được NSDLĐ đồng ý.

(3) NLĐ nữ mang thai, NLĐ đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trong trường hợp cắt giảm nhiều lao động vì lý do kinh tế, hết đơn hàng để duy trì sản xuất như thời gian qua tại TPHCM, doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ hơn.

Điều 42 Bộ luật Lao động 2019 quy định, trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều NLĐ có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc thì NSDLĐ phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động.

Phương án sử dụng lao động phải nêu rõ số lượng và danh sách NLĐ tiếp tục được sử dụng, NLĐ được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, NLĐ được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; Số lượng và danh sách NLĐ nghỉ hưu; Số lượng và danh sách NLĐ phải chấm dứt hợp đồng lao động; Quyền và nghĩa vụ của NSDLĐ, NLĐ và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động…

Trong trường hợp NSDLĐ không thể giải quyết được việc làm mà phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm.

Việc cho thôi việc đối với NLĐ trong trường hợp này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với công đoàn cơ sở, thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh và NLĐ.

Bạn đọc có thể tham khảo quy định chi tiết về chấm dứt hợp đồng lao động tại các điều 34-48 Bộ luật Lao động 2019 TẠI ĐÂY.