Chán nản vì mãi không... lên chức

Hoài Nam

(Dân trí) - Đi làm nhiều năm nhưng sự nghiệp vẫn "dậm chân tại chỗ", không thăng tiến làm nhiều người rơi vào bế tắc, chán nản.

Sự nghiệp "đi ngang như cua", mãi không lên chức là vấn đề được đặt ra tại workshop "Phát triển sự nghiệp bền vững" trong khuôn khổ JOB FAIR 2022 do VietnamWorks tổ chức. 

Vấn đề được đề cập là tâm trạng phổ biến với nhiều nhân sự khi tham gia thị trường lao động từ lâu nhưng không có sự thăng tiến. Nhiều người ở một chỗ, có người nhảy nơi này nơi khác nhưng mãi không lên chức. Điều đó trở thành áp lực tâm lý vô hình với nhân viên công sở.

"Sự nghiệp là phải đi lên, sao tôi cứ mãi đứng một chỗ?" là câu hỏi được thốt lên ngay khi mở đầu buổi trao đổi. 

Chán nản vì mãi không... lên chức - 1

Các chuyên gia nhân sự giải đáp các câu hỏi về phát triển sự nghiệp tại workshop "Phát triển sự nghiệp bền vững" (Ảnh: DQ).

Theo các chuyên gia nhân sự, có hai lối đi trong phát triển nghề nghiệp là theo chiều ngang và chiều dọc. Sự phát triển sự nghiệp theo chiều ngang hay chiều dọc tùy người, tùy giai đoạn và đều có những ưu thế, hạn chế nhất định. 

Nguyễn Thị Cẩm Thu, Talent Management Manager - I&D Ambassador HEINEKEN Việt Nam cho rằng, các bạn mới ra trường hay học những ngành chưa rõ đặc thù công việc có khuynh hướng tìm việc làm trước hết. Họ đi theo chiều ngang, có nhiều trải nghiệm thú vị khi trải qua nhiều lĩnh vực, học hỏi, kết nối được nhiều để trả lời câu hỏi "mình thích gì". 

Phát triển chiều ngang sẽ không chuyên sâu như phát triển theo chiều dọc. Điều này dẫn đến kết quả, phát triển chiều ngang thường gặp hạn chế về cơ hội việc làm với những vị trí cao, đòi hỏi chuyên sâu. 

Với băn khoăn "kẹt mãi ở một vị trí" của nhiều nhân sự, bà Đặng Trịnh Nhã Hương, đại diện Navigos nêu quan điểm phát triển sự nghiệp không có nghĩa là thăng chức hay không thăng chức. Chức danh không nói lên điều gì mà quan trọng là mỗi ngày bạn có thấy hạnh phúc với công việc mình đang làm không. 

Bà Quách Thùy Dương, Cố vấn Nhân tài và Văn hóa doanh nghiệp cao cấp Mekong Capital cho rằng, không ai đưa ra được giải pháp cho sự nghiệp của người khác. Bản thân mỗi người phải hiểu rõ nguyện vọng, mục tiêu của chính mình trong từng giai đoạn. 

Đi làm không chỉ tạo ra kết quả mà còn là những trải nghiệm hạnh phúc của sự tự chủ, phát triển, kết nối với đồng nghiệp, kết nối giữa giá trị của đơn vị/doanh nghiệp và giá trị cá nhân.  

Theo khảo sát mới nhất ở góc độ người tìm việc, có 80% người lao động ở các cấp độ cho biết có nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới trong 6 tháng cuối năm 2022. 

"Khi sự nghiệp mãi "dậm chân tại chỗ", mỗi người cần trả lời tại sao mình bế tắc, tại sao mình ngừng phát triển. Vì bản thân đã quen với việc đến công sở làm hết việc rồi về hay vì công ty, môi trường?", bà Dương đặt câu hỏi. 

Từ đó, mỗi người cần xác định mình mất động lực vì nội tại hay vì yếu tố bên ngoài. Mình có rơi vào cảnh đi làm không còn thấy vui, công việc đi ngược với những giá trị bên trong mình, mình phải thể hiện lấy lòng người khác không còn là chính mình... 

Theo bà Dương, lời giải cho bài toán này nằm ở chính mình, hãy dấn thân, tìm động lực làm hết khả năng. Một khi mình đã cố gắng, không thể làm gì nữa nghĩa là đã đến lúc tìm cơ hội mới, tìm một nơi giúp các giá trị của mình được phát triển một cách tốt nhất. 

Bà Nguyễn Thị Cẩm Thu, quản lý tài năng tại Heineken Việt Nam chia sẻ, trong công việc không phải nói thích nghỉ là nghỉ. Phía sau mỗi người còn nhiều gánh nặng trách nhiệm, là áp lực gia đình, là con cái, người cần nuôi dưỡng... 

Tuy nhiên, thay vì làm việc lay lắt, mỗi người hãy không ngừng bổ sung kiến thức, kinh nghiệm và đi cùng đó là tìm kiếm cơ hội cho mình. 

Ngoài ra, chuyên gia nhân sự này bày tỏ, việc phát triển sự nghiệp cần đặt trong tổng hòa các mối quan hệ. Rất nhiều người lao vào công việc, phấn đấu để thăng tiến mà vô tình bỏ rơi gia đình, người thân, con cái lại phía sau. 

Chán nản vì mãi không... lên chức - 2

Nhiều người chán nản khi sự nghiệp mãi "dậm chân tại chỗ" (Ảnh minh họa).

"Mỗi ngày hạnh phúc, làm được những việc có ích đã là phát triển bản thân", bà Thu trải lòng. 

Bà Nguyễn Thị Cẩm Thu cũng đưa ra góc nhìn, ai đi làm cũng muốn khẳng định vị trí của bản thân. Nhất là thế hệ Gen Z, khi không/chậm được lên chức là nhanh chán nản, cho rằng mình không được ghi nhận và dễ bỏ cuộc. 

Nhiều người đánh giá nhân sự Gen Z thiếu kiên nhẫn nhưng theo bà Thu không hẳn giới trẻ dễ bỏ cuộc mà xuất phát từ mong muốn được khẳng định bản thân. Quản lý hãy trao quyền cho các bạn trẻ nhiều hơn để họ thấy mình trưởng thành, mình được đóng góp, tạo ra giá trị...