1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chứng khoán 23/11:

VN-Index rung lắc mạnh, hồi là bán hay điều chỉnh là để mua?

Mai Chi

(Dân trí) - Rủi ro giảm điểm còn hiện hữu với hỗ trợ gần nhất quanh vùng 940 điểm, thậm chí không loại trừ khả năng VN-Index có thể kiểm định lại vùng 900 điểm, nhà đầu tư cần quản lý danh mục thận trọng.

VN-Index có khả năng kiểm tra lại vùng 900 điểm

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

VN-Index rung lắc mạnh và đóng cửa quanh khu vực 950 điểm. Về góc nhìn kỹ thuật, sau khi chạm đường MA20 quanh khu vực 980 điểm, VN-Index đảo chiều giảm điểm tạo mẫu hình nến tương tự mô hình Gravestone Doji sau nhịp phục hồi ngắn báo hiệu rủi ro ngắn hạn có phần gia tăng lớn hơn.

VN-Index rung lắc mạnh, hồi là bán hay điều chỉnh là để mua? - 1

Đồ thị kỹ thuật VN-Index (Ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh đó, 2 chỉ báo MACD và RSI tại khung đồ thị giờ cũng đã suy yếu và hướng xuống cho thấy phe bán đang lấy lại ưu thế nên xác suất VN-Index rung lắc mạnh, điều chỉnh về kiểm tra vùng đáy đã được tạo lập quanh khu vực 900 điểm trong các phiên tới là cần được tính đến. Các nhà đầu tư đã bắt đáy thành công, chủ động hiện thực hóa lợi nhuận từng phần để quản trị tối đa rủi ro trong ngắn hạn.

Giữ trạng thái quan sát, hạ tỉ trọng ở những nhịp hồi trong phiên

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)

Thị trường giao dịch sôi động trong nửa cuối phiên sáng hôm qua khi VN-Index có thời điểm chạm mốc 985 điểm. Tuy nhiên áp lực bán nhanh chóng trở lại khiến chỉ số giảm điểm trong phiên chiều. Thanh khoản hôm qua cải thiện đáng kể với mức tăng 76% về khối lượng và khoảng 90% về giá trị giao dịch so với phiên trước đó. Điều này một phần là do cầu chủ động gia tăng đột biến tại mã NVL và PDR sau nhiều ngày mất thanh khoản.

Điểm sáng thu hút dòng tiền trong phiên thuộc về nhóm dầu khí và chứng khoán, trái lại nhóm VN30 là tác nhân chính kéo điểm số thị trường đi xuống.

Quan sát đồ thị kỹ thuật, VN-Index đóng cửa bằng một cây nến Gravestone Doji cho thấy cung chủ động tại ngưỡng cản MA20 tương đối lớn. Cùng với đó các chỉ báo động lượng RSI và Stochastic suy yếu và bắt đầu cắt xuống. Do đó, rủi ro giảm điểm của thị trường còn hiện hữu với hỗ trợ gần nhất quanh vùng 940 điểm.

Nhà đầu tư ngắn hạn giữ trạng thái quan sát. Tại nhịp hồi trong phiên nhà đầu tư nên ưu tiên hạ tỷ trọng đối với các mã cổ phiếu suy yếu hoặc các mã đã bắt đáy thành công trong các phiên trước đó để bảo toàn thành quả.

Kỳ vọng thị trường sẽ dần chuyển trạng thái tích lũy

Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Thị trường tiếp tục điều chỉnh khi VN-Index giảm 8,53 điểm (0,89%) với khối lượng giao dịch tăng mạnh so với trung bình 20 phiên (do NVL và PDR có lượng cầu bắt đáy tăng đột biến).

Việc thị trường liên tiếp điều chỉnh 2 phiên đầu tuần khiến VN-Index chưa thể break đường kháng cự và vẫn tiếp tục duy trì dao động trong kênh downtrend từ tháng 8/2022 đến nay.

VN-Index đóng cửa ở 952,12 điểm và vẫn đang cách ngưỡng hỗ trợ tâm lý 900 điểm cũng như kênh giá hỗ trợ tương đối xa nhưng theo phân tích kỹ thuật VN-Index vẫn chưa phá vỡ đường kháng cự để thoát khỏi kênh downtrend kéo dài nối các đỉnh giá cao nhất tháng 8,9 và 11 cho đến nay.

Việc VN-Index hồi khá mạnh trong tuần trước nhưng đà hồi phục bị chững lại khi VN-Index chạm ngưỡng kháng cự của kênh giá (quanh 970 điểm) khiến cho xu hướng downtrend kéo dài vẫn chưa bị phá vỡ mặc dù thị trường đang có những tín hiệu tích cực hơn nhưng VN-Index vẫn chưa thoát khỏi dao động trong kênh downtrend để chuyển đổi sang trạng thái tích lũy dài hạn.

Thị trường sẽ dần chuyển trạng thái tích lũy trong thời gian tới khi VN-Index đã về vùng điểm số tương đương thời điểm trước đại dịch Covid-19 (là giai đoạn thị trường tích lũy cạn kiệt tin cậy trước con sóng lớn trong giai đoạn 2020- 2022) và vùng điểm số hiện tại 900-1.000 điểm có thể đem lại hy vọng thị trường sẽ ngừng đà rơi và bắt đầu chu kỳ tích lũy trở lại và hồi phục sau giai đoạn phân phối và downtrend vừa qua.

Tận dụng nhịp rung lắc và điều chỉnh để cơ cấu lại danh mục

Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường điều chỉnh sang phiên thứ 2 liên tiếp dưới áp lực từ nhóm cổ phiếu bluechips, diễn biến 2 phiên vừa qua không phản ánh đúng bức tranh tích cực từ nhóm cổ phiếu midcap và smallcap lúc này, thậm chí dòng tiền vẫn hoạt động mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ.

Nhìn tổng thể thì phiên hôm qua vẫn còn nhiều yếu tố tích cực, từ độ rộng thị trường đến thanh khoản thị trường và giao dịch mua ròng sang tuần thứ 3 liên tiếp từ khối ngoại. Tuy vậy, điều cần lưu ý lúc này là tín hiệu từ thị trường phái sinh đang có mức chiết khấu gần 20 điểm so với thị trường cơ sở.

Nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp rung lắc và điều chỉnh của thị trường khi chỉ số đang test lại các ngưỡng trung bình ngắn hạn như MA5 và MA10 để cơ cấu danh mục. Các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí… hứa hẹn sẽ tiếp tục là địa chỉ của dòng tiền.

Lưu ý: Khuyến cáo từ các công ty chứng khoán trên đây chỉ mang tính chất tham khảo đối với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đã tuyên bố miễn trách nhiệm với các nhận định trên.