1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp tuần qua:

Vietnam Airlines bị UBCK từ chối; đại gia thành cổ đông lớn FLC Faros

Mai Chi

(Dân trí) - Việc FLC Faros xuất hiện cổ đông lớn duy nhất là một trong những thông tin nổi bật nhất tuần qua. Cũng trong tuần vừa rồi, Việt Nam trở thành một trong những TTCK giảm mạnh nhất thế giới.

Đại gia 70 tuổi trở thành cổ đông lớn duy nhất tại FLC Faros

Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) trong tuần qua công bố ghi nhận một nhà đầu tư cá nhân trở thành cổ đông lớn là ông Lê Văn Lợi. Vào ngày 4/5, ông Lợi mua hơn 10 triệu đơn vị ROS, nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty từ 4% lên 5,8%.

Tạm tính theo thị giá ROS ở thời điểm ông Lợi mua vào, đại gia này đã bỏ ra khoảng 53 tỷ đồng để gom 10 triệu đơn vị ROS, qua đó trở thành cổ đông lớn chính thức duy nhất tại FLC Faros sau khi ông Trịnh Văn Quyết thoái gần hết vốn từ đầu năm 2020.

Vietnam Airlines bị UBCK từ chối; đại gia thành cổ đông lớn FLC Faros - 1

FLC Faros xuất hiện một cổ đông lớn duy nhất kể từ sau khi ông Trịnh Văn Quyết thoái vốn vào đầu năm 2020 (Ảnh minh họa: ROS).

Ông Lê Văn Lợi sinh năm 1952, đang sinh sống và làm việc tại TPHCM. Hiện tại, ông là Chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mỹ Nga. Doanh nghiệp này được thành lập năm 1998, có trụ sở tại TPHCM, quy mô vốn điều lệ hiện tại khoảng 88 tỷ đồng. Ngoài ROS, ông Lợi từng có những giao dịch đáng chú ý tại cổ phiếu HQC của Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân; cổ phiếu TS4 của Công ty cổ phần Thủy sản số 4.

Theo thông tin từ Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm của Bộ Tư pháp, ông Lê Văn Lợi hiện tại không sử dụng các cổ phiếu đang sở hữu để thế chấp vay ngân hàng. Trong quá khứ, ông chỉ sử dụng các khoản tiền gửi của mình để bảo lãnh cho hợp đồng tín dụng.

Vietnam Airlines không được hoãn công bố báo cáo tài chính quý I

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây quyết định không chấp thuận đề nghị được hoãn công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý I mà Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã chứng khoán: HVN) đưa ra vì cho rằng lý do không phù hợp.

Trước đó, Vietnam Airlines đề nghị hoãn công bố BCTC quý I do nhiều cán bộ nhân viên kế toán phải cách ly, điều trị Covid-19. Các nhân sự còn lại phải ưu tiên hoàn thành BCTC kiểm toán năm 2021 nên chưa thể tập trung lập báo cáo tài chính quý I. Vietnam Airlines cam kết sẽ công bố đầy đủ BCTC quý I nhưng không nêu thời hạn cụ thể.

Với việc không chấp thuận công văn xin gia hạn, UBCKNN yêu cầu Vietnam Airlines phải công bố BCTC quý I và khẩn trương công bố BCTC đã kiểm toán năm 2021 và báo cáo thường niên năm 2021.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 14, Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính, Vietnam Airlines nhẽ ra đã phải công bố BCTC quý I chậm nhất vào ngày 20/4; công bố BCTC năm 2021 đã được kiểm toán chậm nhất vào ngày 31/3 và công bố báo cáo thường niên năm 2021 chậm nhất vào ngày 10/4.

5% dân số tham gia đầu tư chứng khoán?

Theo cập nhật từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 4 vừa qua, mặc dù thị trường chứng khoán giảm mạnh, nhưng số tài khoản mở mới vẫn ở mức rất cao, đạt 232.000 tài khoản, cao hơn tổng số tài khoản mở mới trong cả năm 2017 và năm 2019.

Lũy kế từ đầu năm tới nay đã có 908.168 tài khoản mở mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, tính đến thời điểm cuối tháng 4, thị trường Việt Nam đã chính thức vượt mốc hơn 5 triệu tài khoản chứng khoán. Trong đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân đạt hơn 5,16 triệu đơn vị.

Thủng 1.200 điểm, VN-Index lọt top thị trường giảm mạnh nhất thế giới

Tuần qua là một tuần giao dịch tệ hại của VN-Index khi chỉ số đại diện sàn HoSE giảm tới 11,02%, đứng thứ 2 trong những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới (chỉ sau Peru với mức giảm 14,5%).

Đây cũng là tuần thứ 6 giảm điểm liên tục trong chuỗi lao dốc của TTCK Việt Nam. Xét về mức giảm tuyệt đối, tuần qua, VN-Index giảm tổng cộng 146,49 điểm ghi nhận tuần kỷ lục giảm mạnh nhất trong lịch sử 22 năm hoạt động của thị trường.

Riêng ở phiên cuối tuần (13/6), VN-Index ghi nhận thiệt hại 56,07 điểm tương ứng 4,53% còn 1.182,77 điểm, chính thức thủng mốc quan trọng 1.200 điểm, quay lại vùng đỉnh của năm 2018. Đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận việc chỉ số chính quay trở lại vùng giá này trong suốt 13 tháng qua.

Điều đáng nói là nhiều nhà đầu tư chỉ trong 2 phiên liên tiếp (12-13/5) đã bị "thổi bay" 14% giá trị danh mục đầu tư do cổ phiếu giảm sàn liên tiếp. Mức thua lỗ lên tới trên 50% khá phổ biến với những người đang "ôm cổ phiếu".

Yêu cầu công khai dữ liệu mua bán của khối tự doanh công ty chứng khoán

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc liên tục trong 6 tuần gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã họp với các bên liên quan, đề xuất lãnh đạo Bộ Tài chính một số giải pháp trước mắt và đã được Bộ chấp thuận chủ trương, đồng thời yêu cầu triển khai kịp thời.

Cụ thể, Ủy ban sẽ giao VNX chỉ đạo HNX và HoSE đưa ra các cảnh báo, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin khi các mã chứng khoán có dấu hiệu tăng, giảm giá trần, sàn từ 5 đến 10 phiên.

Trước mắt, Ủy ban yêu cầu VNX chỉ đạo HoSE và HNX thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Điều này được cho là sẽ giúp nhà đầu tư theo dõi tách bạch giao dịch khối ngoại, của tổ chức, của khối tự doanh CTCK và nhà đầu tư cá nhân.

Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ trình Bộ để sửa đổi, bổ sung Thông tư 96/2020 ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK.

Đáng chú ý, để hạn chế khả năng tác động giá từ TTCK phái sinh lên TTCK cơ sở, UBCKNN đã chấp thuận cho VSD ban hành quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh.

Trong đó, một trong những điểm mới của quy chế này là điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Cụ thể, giá thanh toán cuối cùng sẽ là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa) sau khi đã loại trừ 3 mức giá trị chỉ số cao nhất và 3 mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục, thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây.

UBCKNN muốn rút ngắn tiến trình nâng hạng TTCK

Giữa bối cảnh thị trường lao dốc, UBCKNN có thông điệp "nóng" cho biết, trong năm nay sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường.

Bên cạnh các giải pháp để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, UBCKNN cũng đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

"Mặc dù, việc nâng hạng sẽ phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường, tuy nhiên, UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng TTCK Việt Nam được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra" - đại diện UBCKNN cho hay.

(Tổng hợp)