1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vì sao các doanh nghiệp dồn dập lên kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ?

Mộc An

(Dân trí) - Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm sâu, thị giá nhiều cổ phiếu mất 50-60% so với giai đoạn đầu năm, không ít doanh nghiệp có kế hoạch mua vào cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ.

Thông thường, doanh nghiệp thường mua cổ phiếu quỹ khi thị trường đi xuống để giảm lượng cổ phiếu lưu hành. Điều này sẽ giúp làm tăng giá trị cổ phiếu mà cổ đông đang nắm giữ.

Một trong những bên có động thái mua vào cổ phiếu quỹ khá sớm là VPBank. Cụ thể, ngày 27/10, nhà băng này công bố thông tin bất thường về việc chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền của cổ đông. VPBank thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc mua lại cổ phiếu quỹ. Ngày cuối cùng đăng ký là 18/11.

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo VPBank cho biết việc mua cổ phiếu quỹ là một trong những công cụ hiệu quả không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài để tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, mang lại lợi ích cho cổ đông khi thị trường bình ổn, vượt qua khủng hoảng.

Giá cổ phiếu VPB trong phiên giao dịch ngày 21/11 ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 44% so với mức giá đỉnh 27.000 đồng hồi tháng 4 (giá đã được điều chỉnh sau chia tách cổ phiếu).

Vì sao các doanh nghiệp dồn dập lên kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ? - 1

Giá cổ phiếu VPB giảm mạnh từ mức đỉnh

Một doanh nghiệp bất động sản cũng có động thái mua vào cổ phiếu quỹ khá sớm là Tổng Công ty Idico (mã chứng khoán: IDC). Cụ thể là ngày 7/11, HĐQT Idico ra Nghị quyết về việc chấp thuận chủ trương mua lại cổ phiếu IDC làm cổ phiếu và giảm vốn điều lệ. HĐQT sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án mua lại cổ phiếu IDC làm cổ phiếu quỹ và giảm vốn điều lệ và ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông 18/11.

Giá cổ phiếu IDC trong phiên giao dịch sáng 21/11 ở 31.000 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 63% so với mức giá đỉnh gần 83.000 đồng/cổ phiếu hồi năm ngoái.

Vì sao các doanh nghiệp dồn dập lên kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ? - 2

Giá cổ phiếu IDC giảm mạnh từ mức đỉnh gần 83.000 đồng/cổ phiếu.

Sau Idico, ngày 8/11, Kinh Bắc công bố thông tin bất thường về việc chốt danh sách cổ đông để tiến hành họp đại hội cổ đông bất thường năm 2022 lần 2 hoặc năm 2023 lần 1.

Khác với Idico, Kinh Bắc giải thích khá rõ nguyên nhân dẫn đến quyết định mua lại cổ phiếu quỹ. Cụ thể, HĐQT công ty này đã họp và triệu tập đại hội cổ đông để bàn về công tác quản trị và kế hoạch đầu tư, phát triển kinh doanh và các vấn đề liên quan khác để đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông trong tình hình mới.

Tổng công ty này đề cập đến việc do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới và các chính sách tài khóa nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô nên thị trường chứng khoán chao đảo, cổ phiếu rớt giá nghiêm trọng, đặc biệt là cổ phiếu bất động sản nhà ở, tạo hiệu ứng cho nhiều cổ phiếu khác rớt giá theo mà không còn phân biệt giá trị của từng công ty, trong đó có Kinh Bắc. Doanh nghiệp này cho rằng điều đó đã không còn phản ánh thực trạng hoạt động kinh doanh vẫn ổn định của mình.

HĐQT Kinh Bắc đã họp và xin ý kiến đại hội đồng cổ đông thực hiện chia cổ tức 20% bằng tiền hay mua vào cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, tăng giá trị cổ phiếu để đem lại lợi ích chính đáng cho cổ đông khi tình hình thị trường chứng khoán khó lường, giá cổ phiếu xuống thấp gây thiệt hại cho cổ đông thì việc mua vào lượng lớn cổ phiếu là động thái tích cực khi công ty có dòng tiền tốt.

Về cổ phiếu KBC, thị giá chốt phiên sáng 21/11 là khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần 64% so với mức đỉnh 47.000 hồi cuối năm ngoái. Đặc biệt quãng giảm sâu bắt đầu từ tháng 8, tới nay thị giá KBC đã bay hơn 60% chỉ sau hơn 3 tháng.

Vì sao các doanh nghiệp dồn dập lên kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ? - 3

Giá cổ phiếu KBC giảm mạnh từ mức đỉnh 47.000 đồng/cổ phiếu.

Trường hợp mới nhất là ngày 18/11, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long công bố thông tin bất thường về việc HĐQT thông qua chủ trương mua lại cổ phiếu NLG. Theo đó, Nam Long sẽ mua lại cổ phiếu quỹ với tổng giá trị không vượt quá 1.000 tỷ đồng, trích từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của công ty.

Ngoài những công ty rục rịch mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) là doanh nghiệp bất động sản đã mua xong cổ phiếu quỹ. Số lượng mua vào là 2 triệu đơn vị, thời gian từ 20/10 đến 10/11. Tổng vốn bỏ ra là hơn 209 tỷ đồng (chưa bao gồm phí giao dịch), tương ứng giá bình quân đạt 104.711 đồng/cổ phiếu. 209,4 tỷ đồng này bao gồm 31,3 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, 158,6 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển, 19,5 tỷ đồng quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu.

Công cụ "đỡ giá" không còn dễ dàng?

Trên thực tế, hoạt động mua lại cổ phiếu quỹ trước đây được các doanh nghiệp xem như công cụ "đỡ giá" mỗi khi giá cổ phiếu giảm sâu. Giai đoạn thị trường giảm mạnh đầu 2020 do sự xuất hiện của Covid-19 cũng đã có tới hơn 40 doanh nghiệp tung tiền mua lại hơn 280 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương ứng chi ra trên 4.000 tỷ đồng khi thị trường giảm tới 30% trong 1 tháng.

Tuy nhiên, hiện nay, nghiệp vụ này được cho là không còn dễ dàng như trước. Để mua lại cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Chứng khoán năm 2019; Nghị định 155/2020  ngày 21/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Thông tư số 118/2020 ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, mua lại cổ phiếu, đăng ký công ty đại chúng và hủy tư cách công ty đại chúng.

Cụ thể, Luật Chứng khoán 2019 và Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực với các quy định thắt chặt hơn, thủ tục pháp lý phức tạp hơn như doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ bắt buộc phải hủy số lượng cổ phiếu quỹ đã mua, giảm vốn điều lệ; hay buộc phải lấy ý kiến cổ đông giảm vốn điều lệ mới được mua cổ phiếu quỹ.

Không những vậy, Thông tư số 118/2020 của Bộ Tài chính quy định các công ty phải gửi tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu với các thông tin như quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu, phương án mua lại; quyết định của Hội đồng quản trị thông qua phương án triển khai mua lại cổ phiếu; báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán theo quy định; tài liệu chứng minh công ty có đủ nguồn để mua lại cổ phiếu.

Ngoài ra các doanh nghiệp cũng không được phát hành tăng vốn trong 6 tháng sau khi mua cổ phiếu quỹ, làm giảm tính linh hoạt trong chiến lược huy động vốn.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, có những chia sẻ với Dân trí về vấn đề cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp mà cụ thể là ngân hàng, như trường hợp VPBank kể trên. Theo ông, ngân hàng muốn mua lại cổ phiếu quỹ thì lại phải chờ sửa luật. Mặc dù hiện tại luật, thông tư cho phép doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ nhưng chưa có trình tự thủ tục đối các ngân hàng.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, mấu chốt trong quy định của luật mới là câu chuyện giảm vốn. Với ngân hàng, để giảm vốn cần phải được cấp phép. Câu chuyện giảm vốn, theo quan điểm của ông Đức, hiện tại là không thể thực hiện được bởi liên quan đến những quy định về hệ số đảm bảo an toàn vốn, chỉ tiêu huy động, cho vay. Ngoài ra hiện cũng chưa có quy định cụ thể về quy trình giảm vốn của ngân hàng từ hồ sơ quy định, mẫu mã thực thi ra sao...