1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sự nghiệp lẫy lừng của 2 lãnh đạo ngành chứng khoán trước khi bị kỷ luật

Mai Chi Việt Đức

(Dân trí) - Ông Trần Văn Dũng và Lê Hải Trà là hai trong những cá nhân tham gia HoSE từ lúc sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam ra đời, trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt.

Tại kỳ họp 15, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện kết luận của tại Kỳ họp thứ 13 về việc xem xét, xử lý kỷ luật các tập thể và cá nhân liên quan đến những vi phạm của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cụ thể là khai trừ ra khỏi Đảng ông Lê Hải Trà - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE); cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Cả ông Trần Văn Dũng và Lê Hải Trà đều có thời gian là lãnh đạo chủ chốt của HoSE và là những nhân vật có thâm niên trong ngành chứng khoán. 

Tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà: Có bằng thạc sĩ tại Mỹ, gây chú ý với ý tưởng nâng lô 

Ông Lê Hải Trà sinh năm 1974, có bằng Thạc sĩ Quản lý công chuyên ngành kép lãnh đạo và phân tích thị trường tài chính tại trường Chính sách công Harvard Kennedy thuộc Đại học Harvard. 

Ông được các cơ quan quản lý ngành chứng khoán đánh giá có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM, nay HoSE vào năm 2000.

Năm 2006, ông Trà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc HoSE. Năm 2017, ông giữ vị trí phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT HoSE sau khi Chủ tịch HĐQT HoSE Trần Văn Dũng được điều động làm Chủ tịch UBCKNN.

Tháng 2/2021, ông Trà được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc HoSE. Còn bà Nguyễn Thị Việt Hà được giao phụ trách hoạt động của HĐQT HoSE thay ông Trà.

Vào tháng 3/2021, khi tình trạng nghẽn lệnh của HoSE lên đến đỉnh điểm, hệ thống quá tải khiến nhà đầu tư không thể giao dịch trong phần lớn thời gian buổi chiều, ông Lê Hải Trà từng đưa quan điểm có thể nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 cổ phiếu/lệnh để giảm số lệnh nhỏ, trực tiếp làm giảm áp lực lên hệ thống xử lý của HoSE.

Sự nghiệp lẫy lừng của 2 lãnh đạo ngành chứng khoán trước khi bị kỷ luật - 1

Tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà (Ảnh: SSC).

Ông Trà còn nêu ý kiến trên Thời báo tài chính Việt Nam việc tăng lên lô 1.000 có thể "mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp".

Tuy nhiên, giải pháp này bị cộng đồng nhà đầu tư, chuyên gia phản đối và trong thực tế đã không được triển khai. Sau đó, tình trạng nghẽn lệnh của HoSE được giải quyết khi Bộ Tài chính phối hợp với một số doanh nghiệp lớn như Sovico, FPT đưa hệ thống giao dịch chứng khoán mới vào hoạt động. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời còn HoSE vẫn đang đợi dự án công nghệ thông tin của nhà thầu KRX đi vào hoạt động. Dự án này được triển khai từ đầu những năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa thể vận hành chính thức.

Tháng 1 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn ông Lê Hải Trà bị bắt. Sau đó, HoSE đã khẳng định thông tin trên là bịa đặt, gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý công chúng đầu tư và ảnh hưởng đến uy tín của HoSE.

Trong tháng 4, nhiều cá nhân bị khởi tố do liên quan đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán, trong đó có ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Thành Nhân. Nhiều mã cổ phiếu liên quan ông Quyết và ông Nhân được niêm yết, giao dịch trên HoSE. 

Trước đó, cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros liên quan ông Trịnh Văn Quyết nằm trong danh mục VN30 của HoSE trong hơn 2 năm dù có thời điểm thị giá lao dốc không phanh về dưới mệnh giá. Việc một cổ phiếu "trà đá", có giá chỉ vài nghìn đồng vẫn được HoSE xếp trong rổ chứng khoán tốt nhất gặp phải nhiều ý kiến phản đối, đặc biệt từ Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI). 

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng từng đảm nhiệm những vị trí gì trong ngành chứng khoán?

Ông Trần Văn Dũng sinh năm 1965, có trình độ Thạc sĩ kinh tế, Cao cấp Lý luận chính trị, được bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch UBCKNN vào ngày 12/7/2017.

Theo giới thiệu của UBCKNN, tại thời điểm nhậm chức, ông Trần Văn Dũng đã có 25 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, từng làm việc tại các cơ quan, đơn vị: Ngân hàng Nhà nước (NHNN), UBCKNN, HNX và HoSE.

Trong quá trình công tác, ông Trần Văn Dũng từng giữ các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý như: Phó Văn phòng UBCKNN, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HNX, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HNX, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HoSE, Chủ tịch HĐQT HoSE.

Sự nghiệp lẫy lừng của 2 lãnh đạo ngành chứng khoán trước khi bị kỷ luật - 2

Ông Trần Văn Dũng từng có thời gian làm việc tại HNX, HoSE trước khi trở thành Chủ tịch UBCKNN (Ảnh: IT).

Tại HNX, ông Dũng được cho biết đã cùng các cộng sự xây những viên gạch đầu tiên của hệ thống giao dịch chứng khoán, trái phiếu của HNX, sàn giao dịch chứng khoán UPCoM, thị trường trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán phái sinh.

Thời còn làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HNX, ông Dũng trao giải công bố thông tin và minh bạch cho các doanh nghiệp.

Cuối năm 2016, ông Dũng được bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu HoSE thay ông Trần Đắc Sinh đến tuổi nghỉ hưu. Việc ông Dũng được điều chuyển từ HNX vào TPHCM để giữ chức Tổng giám đốc HoSE đã gây chú ý lớn với giới tài chính vì đó là lần đầu tiên có sự luân chuyển nhân sự cao cấp giữa hai sở giao dịch chứng khoán.

Trong quá trình ông Dũng lãnh đạo UBCKNN, tình trạng nghẽn lệnh xảy ra khiến nhà đầu tư bức xúc, một tọa đàm chủ đề này đã được Câu lạc bộ nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 24/6. Phát biểu tại sự kiện này, ông Trần Văn Dũng đã chính thức nói xin lỗi trên tư cách người đứng đầu.

Cụ thể, ông Dũng nói: "Ở cương vị Chủ tịch UBCKNN, cũng người từng đứng đầu HNX và HoSE, việc để xảy ra nghẽn lệnh như vậy, chúng tôi không chỉ nợ nhà đầu tư một mà là nhiều lời xin lỗi. Chỉ mong nhà đầu tư thấu hiểu, chúng tôi đang nỗ lực để tìm ra giải pháp tốt nhất".

"Tôi cũng bày tỏ lời xin lỗi đến các nhà khoa học, các nhà báo, các công ty chứng khoán vì dù nhận được nhiều câu hỏi trong thời gian qua, nhưng vì không có nhiều thời gian, nên chưa thể giải đáp được đầy đủ. Chúng tôi cũng rất cảm ơn tất cả mọi người vì những nỗ lực chung trong suốt gần 1/4 thế kỷ" - ông Dũng nói với sự có mặt của đại diện các bên tại buổi tọa đàm nói trên.