1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Shank Tank Việt Nam:

Phát ngôn "Anh quan tâm đến mỗi em thôi" của shark Phú: Mổ xẻ các góc nhìn

(Dân trí) - Phát ngôn gây sốc của shark Phú "Anh không quan tâm đến sản phẩm mà quan tâm đến mỗi em thôi", được cho là nói về việc chọn đầu tư vì CEO xinh, không vì sản phẩm vẫn đang làm "nóng" không ít diễn đàn.

Sau màn gọi vốn thành công của CEO Wiibike trong chương trình Shark Tank Việt Nam, shark Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, đã gây tranh cãi khi nói: "Em không cần giải thích gì thêm về business. Anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi" và một câu khác "Anh chỉ mãi nhìn em nên chẳng thấy gì đặc biệt ở chiếc xe cả". Sau đó, shark Phạm Thanh Hưng có câu nói cũng được cho là gây tranh cãi không kém: "Đã nói với Bình (shark Bình - PV) ngay từ đầu rồi, cứ sạch, xanh, xinh là xong". 

Phát ngôn Anh quan tâm đến mỗi em thôi của shark Phú: Mổ xẻ các góc nhìn - 1

Thương vụ gọi vốn của startup về xe đạp đang gây nhiều tranh cãi với những phát ngôn từ "cá mập" Nguyễn Xuân Phú. 

Ngay khi chương trình được phát sóng, trên nhiều hội nhóm, diễn đàn và mạng xã hội, nhiều tranh luận nổ ra liên quan đến phát ngôn trên của ông chủ Sunhouse. Rất nhiều ý kiến cho rằng, phát ngôn như vậy là gây mất thiện cảm, kém duyên, thậm chí mang thiên hướng xúc phạm phụ nữ khi đem ngoại hình ra để bình luận. Bởi khi tham gia chương trình khởi nghiệp, đa số founder startup đều có mong muốn giới thiệu sản phẩm và được đánh giá đúng, có cơ hội nhận được các khoản rót vốn hợp lý. 

CEO Nguyễn Thị Thu Hằng cũng đã lên tiếng giải thích câu nói  gây bão với nội dung "anh quan tâm đến mỗi em thôi". Chị này cho rằng shark Phú không nói đến vẻ bề ngoài như một số ai đó đã hiểu không hết ý. Có lẽ, mọi người không được chứng kiến từ đầu đến cuối màn gọi vốn nên có cách nhìn nhận khác. Dù vậy, cộng đồng, trong đó có nhiều người làm kinh doanh, giới chuyên gia... vẫn nổ ra những tranh luận trái chiều. 

Các góc nhìn

Một sáng lập hệ thống phòng gym tại Hà Nội chia sẻ khi được người khác khen xinh, chị thấy vui bình thường. Thứ làm cho chị thấy vui hơn nhiều là nhận được những sự ghi nhận như "có khả năng vượt khó và ý chí", "làm người khác thấy được truyền cảm hứng"... Những lời ghi nhận này, theo chị, xuất phát từ sự nhìn ra nỗ lực chứ không phải là lợi thế của bản thân người được ngợi khen. "Nhan sắc là tương đối và cũng có thời hạn. Còn sự phát triển, nỗ lực của bản thân là vô hạn, là thước đo của ý nghĩa mà mỗi chúng ta để lại cho cuộc sống này", chị chia sẻ. 

Cũng từ góc nhìn của phụ nữ, một founder startup khác nêu quan điểm "tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người". Theo chị, cứng rắn thì startup kia có thể phản ứng ngay nếu cảm thấy khó chịu và thực tế trước đây từng có startup khác sau chương trình đã lên truyền thông để phản ứng. Theo bà này, trong câu chuyện phản ứng với phát ngôn của shark Phú, CEO Wiibike đã lên truyền thông trả lời "không vấn đề" thì tức là nhân vật đã "xử lý khủng hoảng rồi". 

Còn theo TS. Nguyễn Phương Mai, tác giả của cuốn sách "Tôi là một con lừa" và "Con đường Hồi giáo", trong chương trình này, các shark đang đóng vai trò giám khảo một cuộc thi phát sóng toàn quốc với số lượng đông người xem, tham gia vào một cuộc đàm phán kinh tế thực sự. Xinh đẹp hoàn toàn không nên liên quan đến cả ngữ cảnh lẫn tính chất của cuộc mặc cả kinh doanh này.

"Hãy tưởng tượng đoạn đối thoại này trong một cuộc phỏng vấn xin việc thì mới thấy sự lố bịch của nó. Trên tư cách là người được phỏng vấn, bạn chắc cũng không thể cười nổi khi biết mình vì đẹp trai hay xinh gái mà được chọn" - bà Mai lấy ví dụ.

TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) đánh giá, truyền thông đại chúng ảnh hưởng lớn đến nhận thức của công chúng, nhất là lớp trẻ. Việc dung túng cho những phát ngôn thô bỉ, những cử chỉ suồng sã và hành vi quấy rối tình dục, phân biệt đối xử giới tính... thật khó thể chấp nhận.

Dù vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng câu nói của ông chủ Sunhouse cũng "bình thường", có thể chấp nhận được để cho chương trình bớt khô khan. Suy nghĩ này gây ra những phản biện trên mạng xã hội khi không ít người nói "như vậy là phụ nữ dễ dàng hạ thấp giá trị bản thân". 

Một số ý kiến khác lại cho rằng shark Phú "đáng bị phẫn nộ". Bởi lẽ startup kia mang đến chương trình khát vọng kinh doanh để gọi vốn. Theo quan điểm của một nhà báo, chương trình Shark Tank dù là game show nhưng không có nghĩa là xin cho mà là một cuộc kết nối đầu tư. Nơi đó, người gọi vốn trình bày triển vọng mô hình kinh doanh để thuyết phục nhà đầu tư.

Nhà đầu tư, bằng niềm tin cá nhân có thể tham gia hoặc không tham gia nhưng khâu thuyết trình thì phải để cả xã hội được nhìn thấy. Góc nhìn của vị này cho rằng những gì thuộc về đạo đức thì không phải chuyện đùa, nhất lại là liên quan đến phẩm hạnh phụ nữ.

Phát ngôn Anh quan tâm đến mỗi em thôi của shark Phú: Mổ xẻ các góc nhìn - 3

Theo TS Nguyễn Phương Mai, tưởng tượng đoạn đối thoại trên xuất hiện trong cuộc phỏng vấn xin việc thì không ai có thể cười nổi khi biết mình vì đẹp trai hay xinh gái mà được chọn. 

Chiêu trò truyền thông?

Bên cạnh những ý kiến tranh luận liên quan đến câu chuyện phát ngôn kém duyên, mất thiện cảm, thậm chí mang thiên hướng xúc phạm phụ nữ thì cũng có không ý người đặt ra vấn đề đó cũng có thể là chiêu trò để tạo ra hiệu ứng về mặt truyền thông. 

Một nhân vật có tiếng trong làng truyền thông nêu góc nhìn rằng câu chuyện trên nhiều khả năng chỉ là sự biên tập để "gây drama" nhưng đã bị phản tác dụng vì sự úp mở dung tục. Theo vị này, hầu hết founder khi xuất hiện tại chương trình đều hiểu giá trị truyền thông tại show nên việc được lên sóng, bán được cổ phần và đổi lại được marketing miễn phí, may mắn có thể "viral" thì "quá hời, nhất là với startup có mục đích bán hàng". Thực tế cũng cho thấy thương hiệu của CEO Nguyễn Thị Thu Hằng "bỗng dưng" được biết đến. 

Hiện tại, các ý kiến tranh luận, phản biện sau màn gọi vốn gây bão trong tập 2 Shark Tank Việt Nam mùa 4 vẫn "nóng", thậm chí còn kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hoàng Dung