DMagazine

Nữ giám đốc điều hành quỹ đầu tư 1.100 tỷ: "Startup phải có độ lì"

(Dân trí) - Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures - quỹ đầu tư 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ đồng) - đã có những chia sẻ với Dân Trí về câu chuyện startup cũng như "săn" startup.

Nữ giám đốc điều hành quỹ đầu tư 1.100 tỷ: Startup phải có độ lì - 1

Trong giới khởi nghiệp, nhắc đến Lê Hoàng Uyên Vy là người ta nhớ đến những quan điểm, câu nói truyền cảm hứng. Còn giờ làm trong lĩnh vực đầu tư, nếu để mọi người nhớ đến mình, chị muốn đó là gì?

Tôi thích sáng tạo. Nên giờ, khi đổi từ làm doanh nghiệp sang đầu tư vào startup, tôi mong muốn được mọi người nhớ Lê Hoàng Uyên Vy như là người thúc đẩy, góp phần giúp các nhà sáng lập biến những ý tưởng táo bạo thành hiện thực.

Nhiều khi, ai đó nói ra ý tưởng của họ có thể bị người khác cho là hoang đường nhưng rất có thể là do người nghe chưa hiểu hết ý tưởng đó. Tôi muốn truyền cảm hứng và hỗ trợ các nhà sáng lập hiện thực hóa ý tưởng và ước mơ của họ, cụ thể là bằng cách cung cấp nguồn vốn, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, giúp họ tiếp cận và học hỏi từ những chuyên gia giỏi nhất trong các lĩnh vực.

"Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép", câu hát này khiến tôi nhớ đến Vy, với tư tưởng "còn trẻ thì cứ phải làm đi, cứ thử đi và phải thử, phải sai thì mới biết được để mà sửa". Vậy khi không còn trẻ nữa như Vy bây giờ chẳng hạn, có nên sai, nên thử?

Nữ giám đốc điều hành quỹ đầu tư 1.100 tỷ: Startup phải có độ lì - 3

Tôi may mắn được quen biết rất nhiều người, từ những nhà sáng lập đời đầu đến các bạn trẻ sau này. Nhiều bạn trẻ rất thông minh. Nhưng có 2 điểm khác biệt rất lớn giữa các nhà sáng lập xây dựng được một công ty thành công và những bạn chỉ loay hoay, đó hai từ "chịu làm". Đi học nhiều quá, sâu quá thì có khi không dám làm. Còn nhiều bạn nghĩ ra ý tưởng thì làm ngay cho bằng được, làm cái mới và vì chịu làm nên họ thành công.

Điểm thứ hai là sự kiên trì. Tôi quen những người rất kiên trì và lì. Ví dụ có startup về giao nhận đồ ăn triển khai từ những năm 2010-2011 nhưng nhà sáng lập của công ty phải thử sai và làm đi làm lại nhiều lần để đến giờ có được một nền tảng rất tốt và vị thế vững chắc. Suy cho cùng, 2 yếu tố khác biệt tôi nhận ra, đó là "chịu làm" và "làm đến cùng".

Nhiều bạn khởi nghiệp từ lúc rất trẻ. Trẻ mà chịu làm thì không cần 10 năm đâu, sau 5 năm đã thấy khác biệt hẳn rồi. Còn khởi nghiệp muộn lại có lợi thế là nhiều kinh nghiệm. Các bạn trẻ làm sai 10 lần thì mình làm sai 3 lần thôi. Ít công ty nào đúng ngay từ đầu lắm hoặc có thể có nhưng mình chưa gặp (cười).

Sau thành công của hầu hết nhà sáng lập là những thất bại ít được chia sẻ trên mặt báo. Nên dù trẻ hay già thì cơ hội khởi nghiệp rất nhiều. Quan trọng là phải biết chấp nhận sai lầm. Làm đi làm lại sẽ giúp chúng ta thành công dài hạn hơn vì khi đó một trận chiến không may có thất bại thì mình vẫn thắng trên cả hành trình.

Chị thấy mình đã sai bao nhiêu lần và bao nhiêu lần sai chị sửa được, có lần nào chị thấy sai quá và nghĩ thôi bỏ qua?

Cái sai của tôi cũng như các nhà sáng lập trẻ hay gặp khi khởi nghiệp đó là xây dựng đội ngũ và tuyển dụng. Lúc mới ra trường, tôi 22 tuổi, đi tuyển người có rất nhiều cái sai nhưng cũng nhờ sai mà mình rút được kinh nghiệm.

Vì sai nhiều nên khi gặp bất cứ nhà sáng lập nào, tôi cũng muốn nói với họ "nhân sự là cái gốc của công ty". Một CEO tốt là CEO dành nhiều thời gian xây dựng đội ngũ tốt. Vì sai nhiều quá, giờ tôi mới biết đó là điều quan trọng. (Cười).

Song đã làm đầu tư mạo hiểm thì càng không được sợ sai. Nói thật tôi đầu tư vào các công ty ở thời điểm rất sớm nên sớm có cơ hội nhìn ra sai sót. Nếu hướng đi ban đầu mình và CEO nghĩ là đúng nhưng chạy vài tháng mới thấy sai thì chúng tôi cần dũng cảm từ bỏ và chuyển sang hướng đi đúng đắn khác.

Hàng tuần, chúng tôi đều gặp gỡ các nhà sáng lập mới. Ở mỗi công ty mới, tôi thường hỏi tại sao nhà sáng lập làm vài năm rồi vẫn không "cất cánh" được, bạn nhận ra điều gì. Nếu có khả năng xoay xở linh hoạt, thường xuyên cho ra những ý tưởng mới để thử nghiệm thì càng về sau bạn ấy càng thành công hơn.

Tương tự, với các công ty Do Ventures đã đầu tư vào, chúng tôi cũng gặp gỡ định kỳ hàng tháng. Gặp không phải để hỏi số liệu mà hỏi xem khó khăn là gì. Nếu những khó khăn đó tôi đã vấp phải, có kinh nghiệm xử lý thì tôi chia sẻ ngược lại để các bạn quyết định thật nhanh, lỡ có sai thì sai thật nhanh để còn làm cái khác.

Nữ giám đốc điều hành quỹ đầu tư 1.100 tỷ: Startup phải có độ lì - 5

Gắn với Lê Hoàng Uyên Vy là những cột mốc đáng nhớ: có khoản lợi nhuận đầu tiên nhờ kinh doanh, viết phần mềm, sáng lập chuỗi nhà hàng thức ăn đường phố Aiya!, website thương mại điện tử Chon.vn, Adayroi, ESP Capital rồi giờ là Do Ventures… Với chị, cột mốc nào là đáng nhớ nhất, nếu phải chọn?

Tôi thấy mình có 3 cột mốc quan trọng.

Ngày trước, tôi thích kinh doanh, bất kỳ cơ hội nào, cứ làm được là tôi thử. Khi đi học ở Mỹ, tôi kinh doanh online nhưng tất cả những tích lũy đó chỉ là kinh doanh ngắn hạn thôi chứ không phải lâu dài. Khi về Việt Nam, năm 2009, tôi muốn xây dựng những sản phẩm có tính dài hạn.

Ở Mỹ, tôi sử dụng Amazon và khi về nước thì tôi đặt câu hỏi "sao chúng ta không có sản phẩm tương tự". Thế là làm thôi. Khi đó, mọi thứ khó khăn vô cùng vì hàng nhái, hàng dỏm rất nhiều. Đầu tư rất nhiều tiền nhưng sản phẩm bị nhái là khó khăn của doanh nghiệp. Chính người tiêu dùng cũng vậy, mua hàng mà không biết đâu là thật, đâu là nhái. Vì thế mà thời điểm đó tôi cần xây dựng nền tảng tốt, dài hạn để thu hút thương hiệu tốt nhất.

Tôi phải thuyết phục doanh nghiệp lớn dùng sản phẩm của doanh nghiệp non trẻ mình, làm sao để sản phẩm của mình đủ lớn và giải pháp đủ tốt. Hồi đó, một doanh nghiệp lớn tôi ký được hợp đồng đầu tiên là công ty phân phối sản phẩm của nhãn hàng G2000. Khi đó, họ là thương hiệu quen thuộc trong lĩnh vực thời trang đến từ Hong Kong. Còn công ty của tôi rất nhỏ. Chính điều này khiến cho tôi nhận ra mình là doanh nghiệp nhỏ nhưng nếu tạo ra được giá trị thật sự tốt thì vẫn có cơ hội hợp tác với những doanh nghiệp lớn và có tiếng tăm.

Thời điểm thứ hai là khi tôi gia nhập Vingroup. Trước khi vào Vingroup, tôi khởi nghiệp với 0 nhân viên và vào thời điểm nhiều nhất, tôi quản lý khoảng 100 người. Trách nhiệm của tôi với từng nhân viên là làm sao phải xây được công ty có giá trị thực sự với khách hang để có đủ doanh thu, từ đó trang trải chi phí lương cho các anh em trong công ty.

Về Vingroup, tôi quản lý một công ty thành viên với quy mô khoảng 1.200 người. Áp lực rất lớn nhưng cũng là cơ hội để trưởng thành. Khi quản lý đội ngũ nhỏ không cần quy trình, anh em nhìn nhau là biết. Nhưng nếu là đội ngũ trên 1.000 người, nếu không có quy trình và chính sách minh bạch, rõ ràng, thì không làm được. Tôi rất biết ơn cơ hội thứ hai này, đó là trải nghiệm quan trọng trong sự nghiệp.

Cột mốc thứ ba là khi tôi làm về đầu tư. Đây là cột mốc lớn để tôi suy nghĩ lại câu chuyện 10 năm của mình. Giai đoạn từ năm 2000 đến 2017, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp Internet quá lớn so với các startup trong khu vực như ở Singapore, Indonesia, Malaysia. Điều đó cứ làm tôi nghĩ mãi.

Nữ giám đốc điều hành quỹ đầu tư 1.100 tỷ: Startup phải có độ lì - 7

Nhưng khi chuyển sang vai trò đầu tư, tôi tìm được những góc nhìn tích cực hơn. Tôi học được rất nhiều, mở mang tầm nhìn và có cách nhìn rộng hơn. Lúc ấy, những gì mình nhìn không chỉ là thương mại nữa mà còn là công nghệ và mở mang lĩnh vực: Hiểu được hệ thống giáo dục Việt Nam và làm sao để học sinh không ở thành phố tiếp cận được tri thức hiện đại thế giới; làm sao để bệnh nhân ở các khu vực xa tiếp cận được bệnh viện hiện đại. Nghĩa là khi đầu tư vào một doanh nghiệp, chúng ta không chỉ nhìn vào doanh thu, lợi nhuận mà còn phải quan tâm tới tác động xã hội mà doanh nghiệp đó tạo ra.

Nói thật là mỗi cột mốc như vậy đều cho tôi những trải nghiệm cực kỳ quý giá.

Chị nói lượng nhân sự ở Adayroi - công ty thành viên của Vingroup - lên đến nghìn người nên điều hành áp lực hơn. Đó là lý do khiến chị chỉ gắn bó với Adayroi 3 năm?

Áp lực là tốt, chứ không phải là xấu. Thực ra tôi là người không may mắn trong những chuyện như trúng số hay bốc thăm trúng thưởng. (Cười). Nhưng tôi lại thấy biết ơn điều đó vì nó làm tôi phải luôn cố gắng. Tôi sống trong áp lực để hoàn thiện tốt hơn. Tôi thích áp lực nên việc làm hay nghỉ ở một nơi nào đó không phải vì vấn đề áp lực.

Nữ giám đốc điều hành quỹ đầu tư 1.100 tỷ: Startup phải có độ lì - 9

Phụ nữ bình thường hay cảm xúc và không quá lý trí nhưng với chị thì gần như không phải thế, vì ngay cả khi phải chia tay những startup của mình, chị dường như vẫn rất vững vàng?

Đạo Phật có nói đến "vô thường", vạn vật đều sinh ra rồi mất đi. Nếu như chúng ta quá nặng nề cái gì đó phải là của mình, phải thuộc về mình thì đó là lúc ta tự làm khổ mình.

Tôi quan niệm những sản phẩm mình góp phần xây dựng ra nếu thành công thì đó là niềm vui. Còn nếu như nó không phát triển, không như ý muốn thì mình cũng không cần phải buồn bã, bởi trong một thời điểm nào đó, nó đã từng có ý nghĩa nhất định cho người dùng. Ta nên đặt vấn đề là ở hiện tại mình có thể tiếp tục tạo ra giá trị gì và có thể tác động tích cực đến tương lai như thế nào.

Cuộc sống này có rất nhiều niềm vui để hướng đến. Nếu liên tục suy nghĩ đến chuyện được mất sẽ chỉ tạo thành áp lực không cần thiết.

Vậy chị có nghĩ mình thành công?

Không có gì là tuyệt đối, tất cả chỉ là tương đối. Người thành công trong mắt người này chưa chắc thành công trong mắt người khác.

Nữ giám đốc điều hành quỹ đầu tư 1.100 tỷ: Startup phải có độ lì - 11

Tôi nghĩ đơn giản thế này thôi: Khi công bố một "deal" đầu tư, tôi quan tâm "deal" đó có tạo giá trị không; trong tương lai sản phẩm đó có tốt không. Có thể nó có giá trị nhưng trong quá trình đó có những lý do gì đó mà "deal" không thành công nhưng lại truyền cảm hứng cho những startup khác thì nó lại thành công tương đối.

Tôi thì thấy quan trọng là ngày mai mình có thể tạo thêm ra giá trị mới hay không. Câu chuyện ở đây không phải mình chỉ đầu tư tiền cho startup mà phải làm sao để mình có giá trị với họ và họ tiếp tục tạo ra giá trị cho người tiêu dùng. Nó là vòng tuần hoàn giá trị. Vì thế, ít khi tôi nói về thành công hay thất bại.

Đang làm thuê thì đi làm chủ. Đang làm chủ thì làm thuê. Vậy thì làm thuê hay làm chủ thì thú vị hơn?

Công việc nào cũng đều có ý nghĩa. Đi làm chủ, có thể mình sẽ có quyền quyết định nhiều hơn và đó là những quyết định ảnh hưởng lớn tới khách hàng, cộng sự.

Khi đi làm thuê thì quyết định, hành động của mình cũng ít nhiều ảnh hưởng "sức khỏe" công ty đó. Vì thế, bất cứ vị trí nào vẫn phải rất trách nhiệm, làm chủ hay làm thuê đều như nhau.

Tôi thì quan niệm không ai làm chủ tuyệt đối cả. Nếu công ty niêm yết trên sàn chứng khoán thì chủ là cổ đông. Còn có người làm chủ công ty cực lớn nhưng luôn nói với tôi là khách hàng làm chủ chứ không phải họ.

Nên tôi thường nói với các nhà sáng lập là khi các bạn thành công tôi mới thành công. Tôi chỉ giúp đỡ các bạn thành công.

Nữ giám đốc điều hành quỹ đầu tư 1.100 tỷ: Startup phải có độ lì - 13

Giờ thì chị đang "làm thuê" cho quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures. Mục tiêu của Do Ventures là thu hút đáng kể các nguồn lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Điều này thực hiện đến đâu rồi?

Do Ventures có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng tôi làm việc với rất nhiều quỹ đầu tư, không chỉ ở Việt Nam mà Singapore, Hàn Quốc… Nếu chúng ta chỉ có các nhà đầu tư Việt Nam thì sẽ chỉ biết ở Việt Nam thôi. Điều đó vẫn tốt nhưng mà chúng ta cần những kiến thức từ các thị trường phát triển. May mắn, Do Ventures có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư. Đó là khởi đầu rất thuận lợi để chúng tôi tập hợp nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ các startup trong nước.

Nữ giám đốc điều hành quỹ đầu tư 1.100 tỷ: Startup phải có độ lì - 15

Năm 2020 vừa rồi, KPI của quỹ hoàn thành đến đâu?

Dịch Covid-19 ập tới rất đột ngột. Trong quá trình làm Do Ventures, cái khó khăn nhất là làm sao gặp được các nhà đầu tư hay giải ngân được các công ty. Năm 2020, tôi rất may mắn, dù không gặp trực tiếp được, chỉ làm việc online nhưng bước đầu ra mắt được Do Ventures và sau đó công bố 3 khoản đầu tư. Tôi nghĩ là mục tiêu đặt ra đã được thực hiện khá thuận lợi.

Công ty vừa có khoản đầu tư thứ ba. Vậy tiêu chí để được quỹ "rót tiền" là gì?

Chúng tôi đã công bố rất rõ ràng 5 khung tiêu chí lựa chọn. Đầu tiên là thị trường mà các startup hướng đến có dung lượng tốt ở hiện tại và trong tương lai không. Thứ hai là sản phẩm. Sản phẩm có được ứng dụng công nghệ để phân phối hiệu quả và mang lại lợi ích dài hạn không. Thứ ba là tác động về môi trường xã hội, có xả thải, phá hoại môi trường không... Thứ tư là cấu trúc "deal" có phù hợp và nằm trong vùng gọi vốn của quỹ không. Yếu tố thứ năm và cũng quan trọng nhất, là con người, đội ngũ. Nhà sáng lập có trăn trở, gắn kết với công ty không...

Các yếu tố đó đều có trọng số và mỗi "deal" lại có sự khác nhau về trọng số.

Nhưng trong 5 thứ trên thì yếu tố con người có vẻ khá là định tính?

Có sự kết hợp giữa định tính và định lượng. Ví dụ như người sáng lập đó từng làm việc tại những tổ chức nào, có nhiều kinh nghiệm làm startup chưa, thành quả họ đạt được ra sao, bài học nhận được là gì… Mọi thứ đo đếm được một cách tương đối.

Còn có những yếu tố không đo đếm được cụ thể. Ví dụ có khi gặp một người nào đó, mình thấy ngay là họ có thể phù hợp với mình nhưng có những lúc lại thấy ngay là không hợp. Điều này mang tính cảm xúc.

Nhiều khi, có những nhà sáng lập rất ấn tượng, họ có những tố chất có thể định tính đong đếm được nhưng hai bên lại không thấy hợp với nhau thì chưa chắc sau này làm việc chung được. Có những người cứ nói chuyện với nhau là hiểu nhau ngay thì lại "chốt deal" được. Ví dụ thế. 

Vậy thì khả năng nhìn người của chị bây giờ chắc rất là tốt?

Con người cũng như cỗ máy AI thôi. AI là gì, đó là dữ liệu đưa vào của một mô hình. Một tháng tôi gặp rất nhiều nhà sáng lập. Dữ liệu vào rất nhiều giúp cho mình tăng cơ hội nhìn ra được nhà sáng lập nào phù hợp với tiêu chí đầu tư của quỹ.

Nữ giám đốc điều hành quỹ đầu tư 1.100 tỷ: Startup phải có độ lì - 17

Nghe Lê Hoàng Uyên Vy kể công việc thấy chị rất "say". Tôi tò mò một Vy "không công việc" sẽ thế nào?

Không làm việc thì tôi chơi thể thao. Tôi thích xem phim nhất là phim về nhân vật lịch sử, đọc sách, chơi game. Nhìn chung ngoài công việc tôi vẫn có những hoạt động khác để cân bằng cuộc sống.

Nữ giám đốc điều hành quỹ đầu tư 1.100 tỷ: Startup phải có độ lì - 19

Chị có thú vui nào của phụ nữ thông thường?

Tôi thích cái đẹp nhưng là cái đẹp kiểu khác. Ngày xưa, tôi làm thương mại điện tử cũng hay mua sắm. Nhưng giờ càng nhiều tuổi càng thấy nên có sự tiết chế vì nhiều thói quen tiêu dùng của chúng ta có tác động không tốt đến môi trường.

Nói chung tiêu dùng cá nhân, thích sở hữu nhiều thứ không phải là trọng tâm của tôi nữa. Để mà nói thú vui bình thường thì chắc là xem phim, ăn vặt, gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè…

Tôi tò mò món quà 8/3 từng được tặng mà chị thích nhất là gì?

Thường dịp này tôi hay được tặng hoa. Món quà ấn tượng nhất chắc là bó hoa bằng dâu tây. Vì tôi thích ăn vặt.

Theo góc nhìn của chị thì phụ nữ mềm mại tốt hơn hay mạnh mẽ tốt hơn?

Một trong những may mắn của phụ nữ là sự mềm mỏng. Phụ nữ luôn đặt mình trong góc nhìn đa chiều. Đó là lợi thế. Còn mạnh mẽ, theo tôi, không có nghĩa là giải quyết mọi thứ một cách cứng nhắc, cũng không có nghĩa là bỏ cuộc. Quan trọng là giải pháp. Phụ nữ là sự kết hợp giữa cả 2 yếu tố trên.

Bài viết: Đan Anh - Nguyễn Mạnh

Thiết kế: Khương Hiền