1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dân Trung Quốc chi bộn tiền để học cách nhận biết hàng hiệu

(Dân trí) - Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới của hàng xa xỉ và của cả hàng giả. Vì vậy, nhu cầu phân biệt hàng thật và hàng giả đang trở nên bức thiết tại đất nước tỷ dân này.

Theo các nhà nghiên cứu thị trường tại UIBE Luxury China, các nhà máy ở Trung Quốc sản xuất ra một lượng lớn hàng hóa xa xỉ. Phần lớn số này là dành cho thị trường nội địa với trị giá khoảng 4.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương hơn 14 triệu tỷ đồng).

Ngoài ra, thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng cũng đang bùng nổ khi nhiều người không muốn bỏ ra hàng ngàn đô la để sở hữu một chiếc túi xách mà tìm kiếm các sản phẩm như vậy nhưng với giá rẻ hơn. Đây là cơ hội để những kẻ sản xuất và buôn bán hàng giả tại nước này kiếm đậm.

Dân Trung Quốc chi bộn tiền để học cách nhận biết hàng hiệu - 1

Zhang Chen đang đào tạo cách nhận biết và phân biệt hàng thật, hàng giả. (Ảnh: AFP)

Zhang Chen - người sáng lập Extraordinary Luxuries Business School, một nơi đào tạo về cách nhận biết hàng giả - cho biết, nhiều người đã bị lừa bởi "những bản sao được bắt chước y hệt, rất ít điểm khác".

Do đó, khóa học của ông sẽ dạy cách phát hiện hàng giả, cách định giá hàng xa xỉ đã qua sử dụng cũng như các kỹ năng cần thiết để đánh giá hàng xa xỉ.

Mức phí cho mỗi khóa học này là 15.800 Nhân dân tệ (tương đương 55,3 triệu đồng). Mức giá này là hợp lý trong thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng. Khóa học chỉ mới phát triển ở Trung Quốc, Zhang cho biết.

Theo công ty tư vấn Forward Business Information, thị trường hàng xa xỉ đã qua sử dụng tại Trung Quốc trong năm 2020 có giá trị khoảng 17,3 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 605,5 tỷ đồng), gần gấp đôi so với năm 2019.

"Người Trung Quốc chiếm 1/3 lượng tiêu thụ hàng xa xỉ trên thế giới, nhưng tỷ lệ trao đổi khá thấp, chỉ ở mức 3% so với mức 25-30% ở các nước phương Tây", ông cho biết khi đề cập đến việc bán lại các mặt hàng xa xỉ sau khi sử dụng.

Trong các bài giảng của Zhang, ông chỉ cho học viên những quy tắc nhận biết của từng thương hiệu.

Ví dụ như, lớp lót của chiếc túi xách Chanel màu đen phải là màu hồng. Các học viên sẽ kiểm tra mã ID của chiếc túi hàng hiệu Pháp này dưới tia cực tím. "Hai chữ cái sẽ sáng lên, đó là bí mật", Zhang nói.

Dân Trung Quốc chi bộn tiền để học cách nhận biết hàng hiệu - 2

Trong các bài giảng của Zhang, ông chỉ cho học viên những quy tắc nhận biết của từng thương hiệu.

Theo ông, việc nhận biết chữ cái nào trong logo Chanel sử dụng phông chữ hình chữ nhật thay vì hình vuông có thể phát hiện 1/3 số hàng giả trên thị trường.

Các học viên của ông đa phần là thuộc tầng lớp có tiền, xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau như một biên tập viên của một tạp chí thời trang ở Thượng Hải hay một người pha chế đang muốn khởi đầu một công việc kinh doanh mới khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

"Tôi nhận ra rằng, những chiếc túi hàng hiệu đã qua sử dụng có thể bán được với giá rất tốt", học viên Xu Zhihao, 31 tuổi, nhân viên giao dịch chứng khoán nói.

Một chiếc túi Louis Vuitton Neverfull mua cách đây 2 năm hiện vẫn có thể bán với giá 9.000 Nhân dân tệ (31,5 triệu đồng) tại các cửa hàng bán đồ cũ, giảm 20% so với giá hàng mới. Trong khi một chiếc túi Chanel Gabrielle nhỏ đã qua sử dụng cũng có giá khoảng 60-70% so với giá niêm yết.

"Tôi nghĩ logic của việc bán mặt hàng này rất giống với các sản phẩm tài chính mà tôi đang bán", Zhihao nói.

Ông Zhang cũng khuyến cáo, chiếc túi có thể bị giảm giá trị nếu có những vết xước do móng tay gây ra.

Cầm chiếc túi Hermes chính hãng, ông Zhang cho biết, đa phần ông phải mất tới 10 phút mới có thể nhận ra sản phẩm này là thật hay giả.

Hiện nhiều thương hiệu đã áp dụng công nghệ cao giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa như: Louis Vuitton sử dụng nền tảng blockchain có tên AURA; Salvatore Ferragamo - Thương hiệu giày của Ý - gắn chíp vào đế sản phẩm. Hay như Burberry dùng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến…

Tuy nhiên, ông Zhang cho rằng, bất kỳ công nghệ nào cũng có khả năng bị "bẻ khóa". Do đó, ông không lo công nghệ nhận dạng các sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến công việc hiện tại của ông.