DBiz

Cuộc đua hút "tiền rẻ" của các ngân hàng: Lãi suất kịch trần có phải chìa khóa?

Việt Đức
Cuộc đua hút "tiền rẻ" của các ngân hàng: Lãi suất kịch trần có phải chìa khóa?

Ngân hàng đẩy lãi suất không kỳ hạn lên mức kịch trần

VPBank công bố tăng mức lãi suất với các khoản tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm từ đầu tháng 11 theo mức trần hiện nay. Tuy nhiên, điều kiện áp dụng là khách hàng phải có số dư tiền gửi bình quân từ 500 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán. 

Với các khách hàng có số dư tiền gửi bình quân dưới 100 triệu đồng, mức lãi suất không kỳ hạn là 0,2%/năm. Nếu tài khoản có số dư bình quân trong khoảng 100-500 triệu đồng, khách hàng của nhà băng này sẽ được nhận lãi suất 0,5%/năm.

Một ngân hàng tư nhân là Techcombank cũng công bố sẽ thực hiện áp dụng điều chỉnh lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng cá nhân lên 1%/năm từ ngày 5/11. Đặc biệt, nhà băng này áp dụng mức lãi suất trên đối với tất cả khách hàng, không giới hạn số tiền tối thiểu. 

Techcombank vốn là ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao nhất toàn ngành. Cuối năm 2021, tỷ lệ CASA tại nhà băng này lên đến gần 47% còn đến hết tháng 9 vừa qua đạt hơn 42%, theo báo cáo tài chính quý III. Trong cơ cấu tổng tiền gửi của khách hàng gần 319.000 tỷ đồng tại nhà băng này, có hơn 135.000 tỷ đồng CASA.

Trước đó, ngân hàng này vẫn áp dụng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn 0,03%/năm. Như vậy, Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên hơn 30 lần. Tạm tính theo quy mô tiền gửi không kỳ hạn nói trên, nhà băng này sẽ chi thêm cả nghìn tỷ đồng tiền lãi trả cho khách hàng mỗi năm nếu duy trì mức lãi suất trên lâu dài.

Techcombank và VPBank, hai ngân hàng có quy mô lớn bậc nhất trong nhóm các ngân hàng tư nhân, đều tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức kịch trần sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng các loại lãi suất điều hành. Cơ quan quản lý đã nâng lãi suất tối đa từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn áp dụng từ ngày 25/10.

Một số ngân hàng tư nhân khác cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên rất cao như OCB (0,9%/năm), SCB (0,9%/năm). Trong khi đó, lãi suất này tại ACB hiện cao nhất là 0,3%/năm, SHB là 0,2%/năm, TPBank là 0,5%/năm, HDBank là 0,6%/năm. Còn với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, ngoại trừ Agribank đang áp dụng lãi suất 0,5%/năm với tiền gửi không kỳ hạn, Vietcombank, Vietinbank, BIDV vẫn áp dụng mức 0,1%/năm.

Áp lực giữ chân khách hàng

Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Nghiên cứu Phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) - nhận định trong bối cảnh các ngân hàng đều đã tăng mạnh lãi suất sau chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng sẵn sàng rút tiền từ ngân hàng hiện tại để chuyển sang gửi ở ngân hàng có lãi suất tốt hơn. 

Trước đây, mức chênh lệch lãi suất thấp có thể không tác động nhiều đến quyết định của khách hàng nhưng mức chênh từ 0,5%/năm trở lên như hiện nay có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của người gửi tiền ở bất kỳ kỳ hạn nào. Do đó, các ngân hàng đều có áp lực giữ chân khách hàng bên cạnh việc thu hút khách hàng mới.

Ông Thành cho rằng trên thị trường ngân hàng hiện nay, lãi suất vẫn là yếu tố quan trọng nhất tác động đến khách hàng khi quyết định lựa chọn ngân hàng, còn chất lượng dịch vụ phải sau một thời gian trải nghiệm mới có thể đánh giá chính xác.

Tuy nhiên, cá nhân ông Thành cho rằng CASA vẫn phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh của ngân hàng giao dịch thay vì yếu tố lãi suất. Nếu ngân hàng cung cấp, kết nối được nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giao dịch thuận tiện, khách hàng sẽ duy trì số dư lớn trên tài khoản thanh toán để giao dịch thường xuyên. Điều này giúp gia tăng số dư bình quân trên tài khoản thanh toán của khách hàng. 

"Tất nhiên, vẫn sẽ có khách hàng quan tâm hơn về lãi suất. Một số tổ chức sẽ đi cả 2 chân, vừa tìm cách nâng cao sức mạnh ngân hàng giao dịch, đồng thời áp dụng lãi suất không kỳ hạn tối đa theo mức trần để giữ chân và thu hút khách hàng", ông Thành trao đổi với Dân trí.

Bài toán nếu muốn duy trì CASA cao

Hiện tại, Techcombank vẫn là quán quân CASA toàn ngành với tỷ lệ 42,5%. Dù vậy, tỷ lệ CASA của nhà băng này đang có giảm dần qua từng quý từ đầu năm đến nay. Đây cũng là xu hướng chung mà nhiều ngân hàng lớn đang gặp phải. 

Theo thống kê của Dân trí, trong số 12 ngân hàng đứng đầu về lợi nhuận trên sàn chứng khoán, 9 tổ chức ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm so với cuối năm ngoái.

Sau 9 tháng, tỷ lệ CASA của TPBank giảm hơn 6% từ mức 22,1% vào xuống còn 16%. MB giảm 5,4%, Techcombank giảm 4,5%, VPBank giảm 3,7%. Các ngân hàng khác như ACB, VIB, HDBank, SHB, BIDV có mức giảm từ 1% đến 2% trong 9 tháng qua.

 

Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 ngân hàng tăng được tỷ lệ CASA trong 3 quý vừa rồi. Trong đó, Vietcombank và VietinBank có mức tăng dưới 1%. MSB tăng 2,3% và hiện đứng thứ 3 toàn ngành về tỷ lệ CASA với con số 36,3% sau khi vượt Vietcombank từ cuối năm 2021.

Tỷ lệ CASA có xu hướng giảm trong bối cảnh lãi suất các kỳ hạn đều đã tăng mạnh. Lúc này, việc hút tiền gửi không kỳ hạn với các ngân hàng lại càng quan trọng để giảm chi phí vốn đầu vào. 

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tư nhân cho biết hiện nay mặt bằng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn trên 6 tháng không vướng trần lãi suất theo quy định đang rất cao. Áp dụng lãi suất không kỳ hạn ở mức tối đa 1%/năm, nếu khuyến khích được khách hàng tăng số dư bình quân trong tài khoản thanh toán, ngân hàng vẫn thu hút được nguồn vốn với chi phí thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng bài toán tăng tỷ lệ CASA hiện nay với các ngân hàng sẽ khó khăn hơn trước đây. Ngoài câu chuyện lãi suất tiền gửi các kỳ hạn, kể cả kỳ hạn ngắn đều đã tăng cao, nguyên nhân còn đến từ việc các giao dịch kinh tế đang chững lại.

Chuyên gia của MBKE lấy ví dụ khi thị trường bất động sản sôi động, khách hàng muốn thực hiện giao dịch bất động sản sẽ cần một số tiền trong tài khoản ngân hàng để sẵn sàng giao dịch. Việc này giúp tỷ lệ CASA của ngân hàng cũng tốt hơn. 

Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản trầm lắng như hiện tại, các giao dịch kinh tế với giá trị lớn ít diễn ra hơn, khách hàng cũng sẽ chuyển bớt tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiền gửi kỳ hạn để tối ưu dòng tiền. Khách hàng có nhu cầu giao dịch nhiều hay không mới ảnh hưởng đến quyết định họ để tiền trong tài khoản thanh toán hay chuyển sang gửi tiết kiệm.

Theo ông, khi các ngân hàng tư nhân thuộc nhóm đầu như Techcombank, VPBank đã tăng lãi suất không kỳ hạn lên mức tối đa, khả năng các nhà băng còn lại cũng sẽ sớm có động thái tương tự. "Quan trọng nhất hiện nay là phải giữ được khách hàng, đó là ưu tiên số một của các ngân hàng", ông Thành nhận định.