1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Covid-19 trở lại, doanh số nhiều hãng xe tại Việt Nam rơi vào báo động

An Linh

(Dân trí) - Phục hồi so với cùng kỳ năm 2020 song so với điều kiện bình thường, doanh số bán hàng của các hãng xe tại Việt Nam vẫn ở mức báo động.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng một số hãng xe lớn trong nước, 4 tháng đầu năm, doanh số bán hàng của các hãng xe Việt tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng không quá cao và đột biến.

Tăng so với thời cao điểm Covid-19 nhưng vẫn đáng báo động 

Thậm chí, trong tháng 4, doanh số xe du lịch giảm 3%, xe thương mại giảm 6% so với tháng trước đó. Các mẫu xe lắp ráp trong nước giảm 1% và xe nhập khẩu giảm 8% so với tháng trước.

Covid-19 trở lại, doanh số nhiều hãng xe tại Việt Nam rơi vào báo động - 1

Dù phục hồi dần được doanh số, nhưng so với doanh số bán hàng các năm trước, sản lượng bán ra của hầu hết các thương hiệu xe đều nằm ở diện báo động (Ảnh minh họa).

4 tháng đầu năm, doanh số của các mẫu xe dưới 9 chỗ ngồi của 8 hãng xe có mặt trên thị trường hiện nay đều chạm ngưỡng 8.000 chiếc. Trong đó, doanh số cao nhất là Hyundai với hơn 19.200 chiếc, Toyota gần 19.000, Thaco Kia gần 15.000 chiếc, Mitsubishi là hơn 10.400 chiếc và Mazda cùng Ford, Honda, VinFast đều duy trì ở ngưỡng từ 8.000 đến 9.000 chiếc.

So với 4 tháng đầu năm 2020 - thời gian cao điểm nhất của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam - doanh số bán hàng hiện nay của 8 hãng đều tăng. Trong đó, Kia tăng mạnh nhất lên 8.000 chiếc, Mitsubishi là hơn 4.600 chiếc, Ford hơn 2.900 chiếc. Các hãng còn lại đều có mức tăng doanh số 2.000 - 3.000 chiếc.

Tuy nhiên, so với trạng thái bình thường, doanh số các hãng xe tại Việt Nam vẫn nằm trong tình trạng báo động với hàng loạt hãng giảm mạnh.

Cụ thể, so với doanh số bán hàng của các hãng xe Việt trong 4 tháng đầu năm 2019, doanh số hiện tại của hầu hết các hãng xe đều giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là Toyota với hơn 4.200 chiếc, Mazda hơn 3.100 chiếc, các hãng như Honda, Hyundai, Ford đều giảm trên 1.000 chiếc.

Xe nhập tăng mạnh, chủ yếu từ Thái Lan 

Trong khi đó, ở thị trường xe nhập, theo Tổng cục Hải quan, hết 4 tháng đầu năm, lượng xe về Việt Nam ước đạt hơn 50.100 chiếc, kim ngạch 1,1 tỷ USD.

Lượng xe nhập tăng hơn 56% so với cùng kỳ, giá trị cũng tăng gần 60%. Các hãng xe Việt cũng tích cực nhập khẩu lượng lớn linh kiện ô tô để lắp ráp, sản xuất với kim ngạch hơn 1,6 tỷ USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm trước.

Xe hơi nhập về Việt Nam vẫn chủ yếu từ Thái Lan với hơn 25.700 chiếc, từ Indonesia gần 14.00 chiếc. Tổng lượng xe nhập từ hai nước này vẫn chiếm gần 80% xe nhập vào Việt Nam, áp đảo thị trường.

Mới đây, lần thứ 2 Bộ Tài chính đã bác đề xuất giảm 50% phí trước bạ của các hiệp hội và doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam và cho rằng việc giảm phí trước bạ trong bối cảnh hiện nay là chưa hợp lý. Theo Bộ này, hiện Chính phủ đang duy trì các chính sách cắt giảm, ưu đãi thuế phí hàng loạt lĩnh vực, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi.

Bộ Tài chính cũng cho biết đang cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án, chính sách để ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất, chế tạo, lắp ráp xe xanh, xe điện.

Về chính sách ưu đãi phí trước bạ, do tác động của đại dịch Covid-19, tháng 7/2020, Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi giảm 50% phí trước bạ đối với người mua xe hơi sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách này được kéo dài đến hết năm 2020 và không được gia hạn thêm.

Hiện thách thức lớn nhất của các hãng xe tại Việt Nam là nhu cầu mua xe hơi đang giảm. Ngoài ra, hạn chế giao thương quốc tế cũng khiến nhiều hãng xe, doanh nghiệp xe hơi trong nước thiếu các linh kiện chiến lược như chip, khung sườn lắp ráp...