1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Cổ phiếu tăng 3-5 lần trong vài tháng, doanh nghiệp kinh doanh ra sao?

Diệu Mai

(Dân trí) - Không ít cổ phiếu tăng 3-5, thậm chí 8 lần chỉ trong vài tháng. Doanh nghiệp kinh doanh ra sao?

Thị trường chứng khoán vừa qua liên tục chứng kiến những kỷ lục về khối lượng giao dịch và số lượng mã tăng kịch trần trong phiên, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu penny.

Có thể thấy, cùng với số lượng tài khoản mở mới tăng cao, lên tới 1,09 triệu tài khoản mới chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Việt Nam, không ít nhà đầu tư đang có xu hướng muốn "lướt sóng" vào các cổ phiếu đầu cơ vốn hóa nhỏ để có thể chốt lời nhanh.

 Cổ phiếu tăng 3-5 lần trong vài tháng, doanh nghiệp kinh doanh ra sao?  - 1

Nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng muốn "lướt sóng" vào các cổ phiếu đầu cơ vốn hóa nhỏ (Ảnh minh họa).

Không khó để thấy nhiều mã penny đã tăng bằng lần chỉ trong vài tháng trở lại đây.

Điển hình, CEO tăng hơn 3 lần từ 12.000 đồng lên 42.500 đồng/cổ phiếu từ đầu tháng 11 đến nay. CMS tăng hơn 5 lần từ mốc 5.000 đồng ngày 26/10 lên 25.700 đồng/cổ phiếu ngày 26/11. SJF và IDI cũng tăng 3 lần từ 8.000 cuối tháng 10 lên hơn 24.000/đồng ngày 26/11. SDA tăng sốc 8 lần từ mốc 9.000 đồng cuối tháng 9 lên 75.400 phiên 26/11. Hay nhóm cổ phiếu họ Sông Đà như SJG, SD1 đến SD9 và các cổ phiếu họ Licogi như L12, L14 cũng tăng gấp vài lần chỉ trong chưa đầy một tháng. Vậy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này ra sao?

Cổ phiếu tăng bằng lần, kết quả kinh doanh ra sao?

CTCP Tập đoàn C.E.O (mã chứng khoán: CEO) 2 năm liền đều báo lỗ. Lũy kế 9 tháng năm nay, công ty này lỗ gấp đôi cùng kỳ năm trước với 223,6 tỷ đồng (9 tháng năm 2020 lỗ 102,7 tỷ đồng).

Riêng quý III năm nay, C.E.O lỗ 58,8 tỷ đồng. Doanh thu từ kinh doanh bất động sản và cung cấp dịch vụ trong quý III năm nay là 123,8 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lên đến 110,2 tỷ đồng, cộng thêm phần chi phí tài chính lên đến 33 tỷ đồng, gấp 3 lần doanh thu từ tài chính, trong đó chi phí lãi vay chiếm phần lớn vì vay nợ dài hạn rất lớn là 1.716 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% nguồn vốn.

Có thể thấy, trọng điểm hướng đến của doanh nghiệp bất động sản này là dự án khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City với tổng giá trị là hơn 2.169 tỷ đồng, chiếm 97% tổng giá trị tài sản dở dang dài hạn của doanh nghiệp.

CTCP Xây dựng và Nhân lực Việt Nam (CMVietnam, mã chứng khoán: CMS) có doanh thu quý III là 55,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bỏ ra đã là 56 tỷ đồng, trừ thêm các khoản chi phí thì lợi nhuận sau thuế trong kỳ của doanh nghiệp là lỗ 2,8 tỷ đồng. Tình trạng doanh nghiệp bán hàng dưới giá vốn đã xảy ra liên tục từ quý III/2020 với mức lỗ cùng kỳ năm ngoái là 4,1 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm nay, doanh thu đạt 133,4 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế âm gần 9 tỷ đồng, tăng 19% so với số lỗ năm ngoái.

CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (mã chứng khoán: SJF) đang ở trạng thái lỗ cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông năm 2020 âm 27,72 tỷ đồng. Năm nay, tuy có lãi nhưng vẫn không mấy khả quan. Doanh nghiệp bán ra với mức giá rất sát với giá vốn nhập vào khiến lợi nhuận từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ có 549,3 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí phát sinh. Kinh doanh không mấy khả quan, song quý III, CTCP Đầu tư Sao Thái Dương vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 9,38 tỷ đồng nhưng chủ yếu là nhờ khoản hoàn nhập chi phí dự phòng tài chính 9,44 tỷ đồng từ kỳ trước.

CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (mã chứng khoán: IDI) báo cáo kết quả kinh doanh giảm sút so với quý trước. Doanh thu quý III là 1.112,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý III/2020 với 1.516,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù quy mô kinh doanh thu hẹp nhưng chi phí doanh nghiệp chi ra cho hoạt động bán hàng lại tăng mạnh lên 45,5 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với quý III năm ngoái, tăng chủ yếu là chi phí cho vận chuyển hàng hóa. Doanh thu giảm nhẹ cộng thêm chi phí độn thêm do chuỗi cung ứng đứt gãy, kết thúc quý III, đơn vị ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương 9,9 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng là 52,1 tỷ đồng, giảm lần lượt 69,1% và 20,1% so với cùng kỳ 2020.

Có thể thấy con số doanh thu ấn tượng lên đến nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận công ty khá nhỏ do giá vốn hàng bán quá cao, hàng bán ra không được giá, mất giá do chưa tìm kiếm được thị trường tiềm năng, đặc biệt gặp nhiều rào cản để hàng bán ra trên thị trường quốc tế.

CTCP Simco Sông Đà (mã chứng khoán: SDA) báo cáo kết quả kinh doanh quý III với lãi sau thuế là 932,6 triệu đồng, tuy báo lãi nhưng nhìn chung hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn không mấy khả quan. Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 5,9 tỷ cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp thu hồi đến 16 tỷ giá trị các khoản đầu tư góp vốn không mấy hiệu quả từ những kỳ trước.

Lãi trong kỳ đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư khổng lồ không đem lại lợi nhuận, hoạt động chính của doanh nghiệp lại ảm đạm. Điểm sáng duy nhất khiến Simco Sông Đà trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư là hợp đồng hợp tác với Công ty Smarttech Việt Nam để sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao mà Smarttech đã nghiên cứu phát triển thành công. Vai trò của Smarttech là nghiên cứu phát triển sản phẩm còn Simco Sông Đà là sản xuất, phân phối các sản phẩm này trên thị trường trong nước và quốc tế, doanh thu dự báo được công bố lên đến 4.900 tỷ đồng.

Ngoài mã SDA, hàng loạt cổ phiếu "họ" Sông Đà khác cũng ghi nhận mức tăng giá nóng mặc dù kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng. Tiêu biểu là Tổng công ty Sông Đà (mã chứng khoán: SJG) được coi là ông lớn ngành xây dựng với tổng tài sản theo báo cáo quý III là 25.174 tỷ đồng. Nhìn vào kết quả kinh doanh, chỉ có lãi tăng khoảng 58% so với cùng kỳ 2020, lũy kế 9 tháng tăng 30% nhờ giảm thiểu đáng kể các khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng. Ngoài ra những con số khác không có quá nhiều biến động.

Bất chấp giá cổ phiếu tăng phi mã, hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp "họ" Licogi cũng không quá đột biến, quy mô doanh nghiệp đều tương đối nhỏ. CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) từng có báo cáo kém khả quan với Licogi 14, bao gồm rủi ro năng lực tài chính và quy mô doanh nghiệp còn khiêm tốn dẫn đến hạn chế nhất định trong việc tiếp cận các dự án lớn.

Tổng CTCP Licogi (mã chứng khoán: LIC) báo lãi quý III có khởi sắc, bù lỗ cho hai quý đầu năm kinh doanh không mấy tích cực. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III là 54,2 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng là 26,2 tỷ đồng, lần lượt giảm khoảng 4% và tăng 24% so với cùng kỳ 2020.

Lời khuyên cẩn trọng

Theo lời chuyên viên phân tích một công ty chứng khoán, những cổ phiếu như trên không phải là cá biệt trên thị trường. Thông thường, các diễn biến đó xảy ra với cổ phiếu dưới mệnh giá của doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ. Do thị giá thấp nên cổ phiếu thường tăng mạnh dễ dàng, thu hút nhà đầu tư "lướt sóng" vì đem lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Nhà đầu tư cũng thường có xu hướng nắm giữ ngắn hạn.

Rủi ro càng nhiều, lợi nhuận càng cao có lẽ là châm ngôn đầu tư với những cổ phiếu dạng này. Song nếu không có kinh nghiệm, không sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhà đầu tư được khuyên cân nhắc tránh đổ tiền vào các cổ phiếu như vậy. 

Trước đó, từng chia sẻ với Dân trí, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhìn nhận, bên cạnh cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn, có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt tăng giá hàng trăm phần trăm, cũng có những cổ phiếu của các công ty làm ăn không tốt vẫn tăng mạnh.

Theo ông Minh, việc cổ phiếu vượt mốc mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu là điều kiện để doanh nghiệp có thể tiến hành hoạt động phát hành thêm cổ phiếu. Ngược lại, nếu dưới mệnh giá, doanh nghiệp khó triển khai việc huy động vốn.

Còn việc đầu tư vào những cổ phiếu dưới mệnh giá, có kết quả kinh doanh thiếu tích cực tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Chuyên gia này đưa ra lời khuyên nhà đầu tư nên tiếp cận các kênh thông tin chính thống, hạn chế ra quyết định theo thông tin mang tính cá nhân trên những hội nhóm, diễn đàn nhưng thiếu sự kiểm chứng để hạn chế rủi ro.