DMagazine

Chuyên gia thời cố Tổng Bí thư Đỗ Mười kể chuyện chống lạm phát 3 con số

(Dân trí) - Ai cũng biết lạm phát là một căn bệnh nguy hiểm với sự phát triển kinh tế. Nhưng để cân đối các giải pháp, kiểm soát được lạm phát lại đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có sự cân nhắc, lựa chọn chín chắn.

Ai cũng biết lạm phát là một căn bệnh nguy hiểm với sự phát triển kinh tế. Nhưng cân đối các giải pháp, kiểm soát được lạm phát lại đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có sự cân nhắc, lựa chọn chín chắn. Phục hồi kinh tế trong bối cảnh nguy cơ lạm phát hiện hữu cũng là câu chuyện được quan tâm. 

Dưới đây là góc nhìn của ông Võ Đại Lược, Thành viên Nhóm tư vấn cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười về chống lạm phát, với Dân trí. 

Chuyên gia thời cố Tổng Bí thư Đỗ Mười kể chuyện chống lạm phát 3 con số - 1

Lạm phát cao được ví như một căn bệnh nguy hiểm đối với sự phát triển kinh tế của mọi quốc gia. Có người ví lạm phát như "bóng ma", nỗi sợ của nền kinh tế. Thậm chí có quan điểm cho rằng nó chẳng khác một căn bệnh ung thư. Nhưng tất nhiên, để kiềm chế và kiểm soát được lạm phát, lại có quá nhiều vấn đề nan giải.

Việt Nam đã từng trải qua nhiều đợt lạm phát tăng rất mạnh, thậm chí là 3 chữ số. Tôi là người từng tham gia nhóm tư vấn cố Tổng Bí thư Đỗ Mười (khi đó ông Đỗ Mười là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) về chống lạm phát. Khi ông Đỗ Mười lên làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988, lạm phát vẫn còn rất cao. Đến đầu năm 1989, lạm phát vẫn ở 9%/tháng và nếu đà tiếp diễn thì sẽ đạt 110%/năm.

Trước đó, hồi 1986, lạm phát ở Việt Nam đã ở mức phi mã và năm cao nhất đạt tới chỉ số tăng giá 557%, vượt qua mức lạm phát phi mã. Những biểu hiện và tác hại của nó đã không kém gì siêu lạm phát. Thời điểm ấy, người dân không ai muốn giữ tiền, người ta bán hàng xong phải mua hàng khác ngay hoặc mua vàng, USD… chứ không ai dám giữ tiền lâu trong tay vì tốc độ mất giá quá nhanh.

Chuyên gia thời cố Tổng Bí thư Đỗ Mười kể chuyện chống lạm phát 3 con số - 3

(Ảnh: Mạnh Quân).

Lo sợ trước sự tăng giá cả, Nhà nước đã áp dụng chính sách "đông cứng" giá, kiểm soát giá rất chặt. Một mặt Nhà nước không tăng giá, mặc khác, buộc mọi người mua bán trên thị trường tự do cũng phải theo một giá áp đặt. Mỗi hàng hóa phải có tấm biển đề giá, nhưng không ai mua bán theo giá treo trên biển cả.

Người ta mua bán theo các giá cả thỏa thuận cao hơn nhiều. Thị trường tự do đã tuột khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước và đến lượt nó kéo Nhà nước chạy theo sau. Khi giá thị trường tự do cao gấp 2-3 lần Nhà nước thì Nhà nước lúc đó không thể "đông giá" được nữa mà phải tăng theo. Vậy là Nhà nước cứ tăng giá lên một lần là thị trường lại tăng giá gấp 2 lần, cứ thế giá cả leo thang không sao kìm giữ được. Các chủ kinh doanh còn lợi dụng các đợt tăng giá để đầu cơ, tích trữ kiếm lợi.

Lúc đó, chính sách hai thị trường (thị trường Nhà nước kiểm soát, thị trường tự do) là một chính sách thúc đẩy lạm phát gia tăng, mặc dù đó là một biện pháp cải cách kinh tế tiến độ hơn chính sách một thị trường Nhà nước có kế hoạch.

Thời điểm những năm 80 ấy, tốc độ lạm phát của các nước châu Phi cũng là 2 con số, ở châu Mỹ La Tinh cũng là 3 con số. Ở châu Á, chỉ một số nước như Nhật hay Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan có lạm phát dưới 10%...

Còn nhớ, đến thời ông Đỗ Mười làm Bộ trưởng Bộ Nội Thương năm 1989, lúc bấy giờ có hơn 40 đề án chống lạm phát gửi đến từ rất nhiều cơ quan cả trong và ngoài nước. Thậm chí có tổ chức nước ngoài sáng kiến cho Việt Nam vay 2 tỷ USD để chống lạm phát. Ông Mười đọc hết nhưng chưa tán thành bất kỳ đề án nào.

Sau đó, ông Đỗ Mười đồng ý đề án của tôi với nhiều giải pháp như lãi suất dương, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới hệ thống tài chính, tiền tệ, ngân hàng, cho buôn bán tự do theo các nguyên tắc của thị trường… Trong báo cáo của chương trình phát triển của Liên hiệp quốc tháng 12/1990 đã đánh giá cao những kết quả của công cuộc chống lạm phát ở Việt Nam. Bản báo cáo viết: "Các biện pháp ổn định tài chính và tiền tệ mà Chính phủ áp dụng để chống lạm phát đã thành công một cách phi thường trong năm 1989" (trích báo cáo về nền kinh tế Việt Nam, chương trình phát triển của Liên hợp quốc, tháng 12/1990, trang 56).

Chuyên gia thời cố Tổng Bí thư Đỗ Mười kể chuyện chống lạm phát 3 con số - 4

Trong năm 1989, giá cả thị trường đã tăng bình quân hàng tháng ở mức 2,5%, so với mức bình quân 15% năm 1988. Tuy nhiên, việc tái lạm phát là nguy cơ khó tránh khỏi của nền kinh tế. Việc chuyển nền kinh tế Việt Nam từ kém hiệu quả thành nền kinh tế có hiệu quả cao vẫn là vấn đề cơ bản nhất trong chiến lược chống lạm phát ở Việt Nam.

Năm 2011, lạm phát ở mức 18,13%. Sau đó giảm dần xuống mức 1 con số (6,81% năm2012 và 5,92% trong 10 tháng đầu năm 2013). Năm 2011, lạm phát của Việt Nam ở mức
18,13%, cao nhất kể từ năm 2008. Đây cũng là mức cao nhất so với các nước trong khu vực ASEAN, cao gấp 2,4 lần của Lào, nước có mức lạm phát cao thứ hai.

Chuyên gia thời cố Tổng Bí thư Đỗ Mười kể chuyện chống lạm phát 3 con số - 6

(Thiết kế: Khương Hiền).

Nguyên nhân lạm phát cao là giá cả nguyên liệu đầu vào sản xuất như xăng, dầu, điện tăng cao, tỷ giá USD/VND tăng mạnh (tăng 9,3%), điều chỉnh lãi suất liên ngân hàng… Sau đó, nhờ chính sách tiền tệ thắt chặt của Chính phủ, tỷ lệ lạm phát liên tục giảm vào năm 2012 và 2013.

Chuyên gia thời cố Tổng Bí thư Đỗ Mười kể chuyện chống lạm phát 3 con số - 7

(Ảnh: Mạnh Quân).

Các nỗ lực nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời điểm đó cũng đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng ổn định vĩ mô Việt Nam đạt được gần đây đã giúp cho Việt Nam vượt qua được những sóng gió, bất ổn vừa qua của nền kinh tế toàn cầu.

Song ở thời điểm đó, nguyên nhân sâu xa của lạm phát ở Việt Nam lại là từ mô hình tăng trưởng - dựa chủ yếu vào tăng vốn - chiếm vào khoảng 60% mức tăng trưởng GDP, và việc sử dụng vốn lại kém hiệu quả - chỉ số ICOR cao khoảng 7 - 8. Do vậy khó giảm chi công, giảm dư nợ tín dụng dẫn đến tình trạng tăng trưởng thấp - đây cũng là cái giá phải trả của việc kiểm soát lạm phát. Những giải pháp thắt chặt tài chính và tiền tệ - có thể xem là những giải pháp tình thế. Muốn xử lý cơ bản vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô phải tính đến những gói giải pháp cơ bản, giải pháp dài hạn liên quan đến đổi mới thể chế, điều chỉnh cơ chế phân cấp quản lý giữa Trung ương và các tỉnh thành; xem trọng hơn công tác quy hoạch phát triển, phát triển công nghiệp cần tập trung và liên hoàn theo các tuyến, không thể rải rác tràn lan…

Chuyên gia thời cố Tổng Bí thư Đỗ Mười kể chuyện chống lạm phát 3 con số - 9

Còn hiện tại, một người bạn tôi ở Mỹ đã rất nhiều năm cho biết ông chưa từng chứng kiến đợt lạm phát nào khủng khiếp như vừa qua. Mỗi lần đi mua sắm, ông lại thấy giá tăng cao, từ ăn uống cho đến đi lại.

Báo Mỹ đưa tin lạm phát nước này đã lên tới 7,9% trong vòng một năm qua, mức cao nhất kể từ năm 1982 trong khi giá cả vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong ngắn hạn. Tương tự ở châu Âu, khu vực này cũng chịu sức ép rất lớn khi lạm phát tháng 2 ở mức kỷ lục trong 24 năm với 5,8%.

Khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, giá dầu tiến về mốc 150 USD/thùng thì nhiều dự báo cho thấy rủi về lạm phát cao hơn và tăng trưởng giảm tốc là bài toán nan giải.

Mức tăng đáng chú ý nhất hiện nay là nhóm năng lượng rồi đến lương thực thực phẩm. Việc tăng giá đã xuất hiện từ trước đó chi phí đường biển tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng bởi Covid-19, xung đột Nga - Ukraine và những đòn trừng phạt càng làm thêm căng thẳng.

Nhắc đến lạm phát trên thế giới hiện nay cũng cần nhắc tới một lý do quan trọng nữa, đó là việc tung tiền, tung gói kích thích để cứu nền kinh tế. Mỹ hay châu Âu đều hạ lãi suất về mức rất thấp. Việc tung ra khối lượng tiền lớn, lãi suất thấp như vậy thì lạm phát khó tránh khỏi. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang tính toán việc tăng lãi suất trở lại.

Còn Việt Nam, mức độ chúng ta tung tiền không nhiều như các nước, lãi suất dù đã hạ rất thấp nhưng vẫn còn thuộc "top" cao ở thế giới. Với kịch bản tăng trưởng 6-7%, lạm phát ở mức 4%, lãi suất 6-7% thì mọi thứ vẫn sẽ vẫn trong tầm kiểm soát.

Chuyên gia thời cố Tổng Bí thư Đỗ Mười kể chuyện chống lạm phát 3 con số - 11

(Ảnh: Mạnh Quân).

Đến nay một số chuyên gia, tổ chức vẫn dự báo lạm phát ở Việt Nam có tăng nhưng sẽ ở mức 4% như chỉ tiêu Quốc hội đặt ra. Dù trong bối cảnh này chúng ta thấy rất rõ giá xăng dầu tăng kỷ lục, giá các hàng hóa nhấp nhổm tăng theo, câu chuyện bão giá được nhắc tới nhiều hơn… Nhưng một trong lý do khiến chúng ta có thể kỳ vọng lạm phát không vượt quá 4% là do cầu nền kinh tế thấp, chi tiêu hạn chế rất nhiều do dịch bệnh tác động thu nhập. Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 2, World Bank cũng tiếp tục đánh giá lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiềm chế mặc dù giá nhiên liệu tăng.

Theo quan điểm của tôi, lạm phát đến thời điểm này ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Nói như vậy không có nghĩa có thể chủ quan. Việt Nam là một nước có độ mở kinh tế rất lớn, trong cơn bão giá toàn cầu và vẫn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn, lạm phát là vấn đề cần được đặc biệt lưu ý.

Chuyên gia thời cố Tổng Bí thư Đỗ Mười kể chuyện chống lạm phát 3 con số - 12

Những rủi ro, nguy cơ, lo ngại dẫn đến một đợt lạm phát mới trong giai đoạn tới hoàn toàn khác với bối cảnh trước đây. Cả thế giới đối mặt với dịch bệnh cùng những căng thẳng xung đột địa chính trị.

Kinh nghiệm từ quá khứ là lạm phát như "bóng ma" nền kinh tế, bất kỳ trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.

Ông Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng Singapore, từng nói, lạm phát hợp lý là xấp xỉ tăng trưởng, hoặc dưới mức tăng trưởng một chút.

Lạm phát hiện nay ở Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động thế giới. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng, dù chịu tác động bên ngoài, song điều hành trong nước, chính sách tiền tệ trong nước vẫn là yếu tố quyết định việc kiểm soát lạm phát. Trên mặt bằng giá được ví như "mặt biển", sóng nhô lên chỗ này thì chỗ kia tụt xuống, do vậy chính sách tiền tệ sẽ là quyết định. Công cụ kiểm soát đều nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính. Duy trì lãi suất phù hợp, tiền đầu tư công được "đổ" vào các khu vực hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế là vấn đề đặc biệt quan trong để kiểm soát lạm phát lúc này.

Tiếp đến là giữ cho thâm hụt ngân sách ở mức phù hợp. Phải đảm bảo được cán cân thương mại không bị thâm hụt. Đồng thời đảm bảo môi trường để các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Chuyên gia thời cố Tổng Bí thư Đỗ Mười kể chuyện chống lạm phát 3 con số - 14

(Ảnh: Mạnh Quân).

Đang có nhiều những tranh luận khác nhau về việc có nên tính toán tăng lãi suất. Bên cho rằng cần tăng lãi suất để hạn chế dòng tiền rẻ chảy vào bất động sản, chứng khoán tăng cao. Nhưng có một thực tế là kinh tế sản xuất, kinh tế thực trì không khó khăn trong việc thu được nguồn vốn, điều này khó tránh khỏi kinh tế ảo bùng phát.

Lãi suất của Việt Nam hiện nay không thấp, ở mức 5-6% thì vẫn đang được tính toán cao hơn mức lạm phát mục tiêu 4%. Thời điểm năm 1989, khi đưa ra đề án chống lạm phát, tôi đưa ra 3 nhóm giải pháp lớn, trong đó có việc nâng lãi suất thực dương lên 12%, kéo người dân gửi tiền trở lại ngân hàng vì lúc đó ai để tiền trong ngân hàng hay cất ở nhà thì cũng cảm thấy như bị "rút mất". Khi ông Đỗ Mười cho thí điểm lãi suất 12% ở Hải Phòng. Một tháng sau, ông xuống Hải Phòng kiểm tra thì thấy dân bán hết hàng tích trữ để lấy tiền gửi ngân hàng, hàng hóa đầy trên thị trường, giá cả hạ xuống.

Nhưng thời điểm hiện nay hoàn toàn khác. Nếu tăng nữa thì cũng phải tính tới những khó khăn cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp, tăng trưởng thấp, lạm phát không kiểm soát được thì một lo ngại lớn hơn có thể xảy ra: Lạm phát đình đốn.

Do vậy, ai cũng biết lạm phát là một căn bệnh nguy hiểm với sự phát triển kinh tế của mọi quốc gia. Nhưng để việc cân đối các giải pháp, kiểm soát được lạm phát lại có quá nhiều vấn đề đòi hỏi các nhà lãnh đạo quốc gia phải có sự cân nhắc đầy đủ và lựa chọn chín chắn.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam ngày càng giảm mạnh. Nhịp điệu cuộc sống đã dần trở lại bình thường. Kinh tế dần phục hồi với những tín hiệu tích cực: GDP tăng 5,03%, xuất siêu 2,53 tỷ USD sau 4 tháng… Đó là những tín hiệu vui. Nhưng chắc hẳn không ai có thể quên những tháng ngày trải qua đại dịch căng thẳng của cả nước, với những "điểm nóng" Covid-19 một thời… Có người nói nhìn vào đó để mà nhớ nhưng cũng để thấy được sự kiên cường của Việt Nam trong đại dịch, để có động lực cho những nhịp tiếp theo: Sau đại dịch sẽ là phục hồi.

Thực tế, phục hồi kinh tế là vấn đề quan trọng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, đặc biệt khi chúng ta vừa đi qua "2 năm Covid-19". 2022 cũng được xác định là năm của "đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", nhấn mạnh tới yếu tố phục hồi…

Nhân dịp này, Dân trí đăng tải chùm bài chủ đề Phục hồi kinh tế, để kể lại những câu chuyện về nỗ lực để sống và phát triển từ những doanh nghiệp, lĩnh vực được cho là chịu tác động bậc nhất trong Covid-19. Câu chuyện "sống dậy" của những "điểm nóng" Covid-19 một thời, nỗ lực để có thể phục hồi của mọi thành tố trong nền kinh tế và vấn đề phát triển trong bối cảnh mới với những cơ hội và thách thức… cũng sẽ được kể.

Võ Đại Lược
Thành viên Nhóm tư vấn cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười về chống lạm phát 

Dòng sự kiện: Phục hồi kinh tế