1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chuyên gia hiến kế để hàng không "cất cánh"

Văn Hưng

(Dân trí) - "Sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp hàng không và du lịch còn yếu, chuyên gia kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ, các gói tín dụng kích cầu để giúp doanh nghiệp và người lao động.

Phát biểu tại diễn đàn về hàng không, du lịch do Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức ngày 11/3, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines - cho biết ngành hàng không vẫn còn những khó khăn trong tiến trình mở cửa sắp tới.

Cụ thể, hiện nay quy định nới lỏng điều kiện nhập cảnh và cách ly cho khách du lịch quốc tế chưa được ban hành; chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích, thu hút khách. Khách Việt Nam sang nước ngoài cần có xét nghiệm âm tính khi trở lại Việt Nam khiến không ít du khách có tâm lý lo ngại. Khách nước ngoài đến Việt Nam thì băn khoăn nếu mắc Covid-19, họ sẽ được chữa trị, ở lại Việt Nam như thế nào.

"Điều này rất khó kích thích, thu hút khách du lịch. Nếu chúng ta mở cửa, xác định du lịch là ngành mũi nhọn, là cơ hội để Việt Nam mở cửa phát triển kinh tế sau đại dịch, chúng tôi kiến nghị có các quy định thông thoáng hơn về vấn đề này", ông Trung nói.

Nhiều doanh nghiệp, công ty, hộ kinh doanh phục vụ du lịch cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến phá sản, cần thời gian để hồi phục lại năng lực phục vụ như trước. Ngoài ra, tình hình tài chính, khả năng đầu tư phát triển của hãng hàng không và công ty du lịch tại thời điểm hiện tại còn yếu.

Trước bối cảnh mở lại hàng không và du lịch quốc tế sau 2 năm đóng cửa, ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không - nhìn nhận, một trong những thách thức là việc đảm bảo kết nối, xúc tiến lại các thị trường sẽ phát sinh nhiều chi phí.

"Chi phí về xúc tiến thương mại, tâm lý bất ổn ở châu Âu, tâm lý lo ngại dịch bệnh của du khách... cùng với đó, giá dầu leo thang trong khi cả đường không, đường bộ 30-40% chi phí liên quan đến xăng dầu là những trở ngại rất lớn", ông Nề phân tích. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không đề xuất tăng mức hỗ trợ thuế môi trường cho doanh nghiệp hàng không lên 70-80%, thậm chí 100%. 

Chuyên gia hiến kế để hàng không cất cánh - 1

Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không (Ảnh: Diễn Đàn Doanh Nghiệp).

Theo ông, hàng không và du lịch là những ngành rất quan trọng, có mối quan hệ rất khăng khít, tác động, thúc đẩy lẫn nhau, đóng góp vào nền kinh tế nên rất cần có những chính sách hỗ trợ như các gói tín dụng kích cầu để đảm bảo cơ sở hạ tầng, giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn, giúp người lao động ổn định tâm lý làm việc.

Cơ quan chức năng cũng cần tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Thị trường mở cửa thì nhu cầu đi lại sẽ tăng nhanh, việc kết nối giao thông hàng không với đường bộ cần khẩn trương hơn, cơ sở hạ tầng cần ưu tiên đầu tư, thu hút các thành phần tham gia đầu tư từ nhà ga hàng không quốc tế, nhà ga địa phương cũng cần chú trọng để nâng chất lượng hạ tầng.

Ngoài ra, một vấn đề nữa là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với khách nhập cảnh.

Ông Nguyễn Quang Trung kiến nghị cần tăng cường tổ chức, quảng bá hình ảnh Việt Nam tập trung đến một số thị trường chính; đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình hộ chiếu vaccine, tham gia các hệ thống chung của quốc tế để đơn giản hóa thủ tục cho du khách cũng như quy định, thủ tục hướng dẫn cho khách du lịch quốc tế, có các chính sách thuận lợi, ưu đãi phù hợp cho các doanh nghiệp tham gia...