DMagazine

CEO du lịch kể chuyện gồng mình kiếm 250 triệu đồng/tháng chờ dịch qua

(Dân trí) - Để không bị "cuốn theo cơn sóng dữ" như nhiều đơn vị làm du lịch khác, Vietfoot Travel đã phải "gồng mình" chuyển đổi mảng kinh doanh, xây căn hộ chung cư cho người nước ngoài thuê…

Sau hơn một năm gặp lại kể từ tháng 1/2021, ông Phạm Duy Nghĩa - CEO Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư và du lịch Bàn Chân Việt (Vietfoot Travel) trông có vẻ gầy hơn.

Trong suốt cuộc trò chuyện với Dân trí, vị CEO 44 tuổi thường xuyên nhắc đến chuyện ông đã "gồng mình lên", "thay đổi", "vận động suy nghĩ" để giúp doanh nghiệp "sống sót" qua đại dịch Covid-19. Thực tế, dịch bệnh cũng đã lấy đi của Vietfoot Travel 86% doanh thu, nhưng khi được hỏi: "Chứng kiến bạn bè cứ "rơi rụng" và "chết lũ lượt", ông có sợ không?", ông Nghĩa nói: "Không sợ".

CEO du lịch kể chuyện gồng mình kiếm 250 triệu đồng/tháng chờ dịch qua - 1

Cùng với hàng không, du lịch bị Covid-19 "đánh" ác nhất. Tôi rất tò mò trong 2 năm qua, công ty ông sống như thế nào khi 95% doanh nghiệp du lịch đóng cửa, thậm chí giải thể mà không biết bao giờ mới bắt đầu trở lại được?

- Từ lúc bắt đầu làm du lịch năm 2000 cho đến năm 2020, tôi chứng kiến sự phát triển liên tục của ngành du lịch. Dịch SARS năm 2003 rồi đến khủng hoảng kinh tế năm 2007 cũng chưa đủ để "đánh bại" được ngành. Du lịch vẫn ổn định và phát triển bùng nổ trở lại chỉ vài tháng sau đó.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến 95% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, "ngủ đông" hoặc phải chuyển đổi sang lĩnh vực khác. Bản thân tôi cũng trăn trở việc Vietfoot sẽ phải làm gì để sống sót và liệu rằng chúng tôi có thể bị "cuốn theo cơn sóng dữ" như nhiều đơn vị khác hay không?

CEO du lịch kể chuyện gồng mình kiếm 250 triệu đồng/tháng chờ dịch qua - 3

Chúng tôi đã tìm mọi hướng đi: quyết định chuyển đổi từ chỉ kinh doanh lữ hành sang các mảng kinh doanh dịch vụ khác. Đầu tiên, chúng tôi kinh doanh về lưu trú, xây dựng tòa nhà văn phòng và căn hộ chung cư cho người nước ngoài ở Việt Nam thuê. Khoản này đóng góp khoảng 250 triệu đồng mỗi tháng, không nhiều nhưng là nguồn tiền ổn định để "cứu sống" doanh nghiệp.

Trong giai đoạn "ngủ đông", chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số. Việc tạo ra một đội ngũ trẻ và thích ứng được với xu hướng phát triển giúp cho Vietfoot an tâm trong giai đoạn dịch bệnh. Năm 2020 và 2021, công ty tôi chưa dừng lại ngày nào cả.

Vietfoot Travel từ một doanh nghiệp lữ hành chuyên về outbound (du lịch nước ngoài), chúng tôi chuyển sang làm toàn bộ inbound (du lịch nội địa). Trong thời điểm phong tỏa, toàn bộ khách nước ngoài không vào được Việt Nam, khách Việt Nam thì không thể đi được nước ngoài, vì vậy chỉ có thể là phục vụ khách trong nước.

Chuyển từ mảng truyền thống sang mảng mới toanh chắc hẳn không dễ tý nào?

- Khi đó nhân sự của chúng tôi bắt đầu có sự "chảy máu", bởi có những người muốn làm, có những người không vì đang làm quen outbound. Làm outbound bình thường kiếm 3-4 triệu đồng/khách mà làm nội địa kiếm 300.000 - 400.000 đồng/khách còn khó khăn. Công ty cũng cắt giảm lương nên đương nhiên sẽ có người ở lại và người ra đi.

Vậy các ông "mất" bao nhiêu nhân sự trong đại dịch?

- Khoảng 50% nhân sự, "2 năm Covid" gạt đi mất của Vietfoot 13 người, chỉ còn lại 12 người. Sau đó, chúng tôi củng cố lại bằng những nhân sự trẻ. Hiện tại, con số là 15 nhân sự, bằng 60% so với trước dịch.

Thời kỳ cao điểm, thu nhập của một nhân sự dao động 20-30 triệu đồng/tháng, mức cao nếu so trong ngành du lịch. Có người còn mua cả ô tô thì bạn biết nhân sự của chúng tôi như thế nào rồi. Nhưng trong "2 năm Covid", mức thu nhập ấy bị giảm 50%. Còn từ khi ra Tết, chúng tôi đang duy trì cho nhân sự được 80% so với mức lương cũ, tức chỉ giảm 20%.

CEO du lịch kể chuyện gồng mình kiếm 250 triệu đồng/tháng chờ dịch qua - 4

Đang nhặt tiền lớn chuyển về nhặt bạc lẻ, là CEO công ty, hẳn là ông hẫng lắm?

- Phải nói rằng làm nội địa rất khó khăn vì tỷ suất lợi nhuận thấp và mất nhiều công sức mà còn là "nhặt bạc lẻ". Tuy nhiên, chúng tôi không hẫng vì mình tạo ra những sản phẩm cũng không "bạc lẻ" lắm.

Nếu so sánh với các đơn vị nhỏ lẻ khác làm combo kiếm 50.000-100.000 đồng, thì chúng tôi tạo nên sản phẩm thực sự có giá trị mà vẫn thu được nhiều tiền. Vấn đề là cùng làm nội địa nhưng phải tạo ra những sản phẩm có giá trị mà khách nghe xong là đặt tour luôn.

Ví dụ tôi làm tour tổ chức sự kiện cho 200 người, thuê 3 con tàu 5 sao đi từ vịnh Hạ Long sang vịnh Lan Hạ, thuê ca sĩ, nhóm nhảy, DJ… chi phí 4,5 triệu đồng/khách/2 ngày. Tất nhiên du lịch nội địa khó thì rất khó nhưng dễ cũng rất dễ và cạnh tranh nhiều nên mình phải đi đường ngách, tạo ra những sản phẩm độc lạ.

Đấy là những gì ông chia sẻ, thực tế doanh thu trong "2 năm Covid" của doanh nghiệp ra sao?

- Năm 2020, doanh thu của Vietfoot đang từ 145 tỷ đồng giảm xuống chỉ còn 24 tỷ đồng. Sang năm 2021, con số này chỉ còn khoảng hơn 20 tỷ đồng nhưng tỷ suất lợi nhuận lại rất cao, do doanh nghiệp sáng tạo ra sản phẩm du lịch bất động sản.

CEO du lịch kể chuyện gồng mình kiếm 250 triệu đồng/tháng chờ dịch qua - 6
CEO du lịch kể chuyện gồng mình kiếm 250 triệu đồng/tháng chờ dịch qua - 8

Những doanh nghiệp du lịch khác phải vật lộn để tồn tại, thậm chí là sống lay lắt trong đại dịch. Doanh nghiệp ông tồn tại được liệu có phải có nguồn tiền tích lũy lớn?

- Thực tế, trong 2 năm qua chúng tôi không dùng một đồng nào liên quan đến phần tiền tích lũy. Phần tiền này chỉ giúp tôi cảm thấy an tâm rằng mình vẫn đang có tiền để mình có động lực, tự tin trong việc tìm ra nhiều hướng đi mới, sản phẩm mới, tránh việc bị rơi vào trạng thái nợ đầm nợ đìa.

Để duy trì doanh nghiệp, chúng tôi dùng hoàn toàn tiền từ những sản phẩm mới như làm du lịch nội địa, du lịch xe đạp, du lịch bất động sản... Nhiều lúc tôi tâm sự với bà xã: "2 năm Covid đúng là rất khó khăn nhưng anh chưa bao giờ dùng tiền nhà mình lần nào".

Tức là bên ông không dùng đòn bẩy tài chính?

- Không cần thiết, có lẽ tôi cũng hơi khác với mọi người vì tôi không lúc nào muốn mình bị áp lực bởi đồng tiền. Tôi sẵn sàng làm rất nhiều tiền nhưng hãy để đầu tôi được thoải mái. Khi đầu tôi thoải mái, tôi còn nghĩ là nhiều chuyện là hơn nhiều những đồng tiền trước mắt.

Và ông có làm nghề tay trái trong "2 năm Covid" khi mà ngành du lịch gần như "nằm im"?

CEO du lịch kể chuyện gồng mình kiếm 250 triệu đồng/tháng chờ dịch qua - 10

- Tôi có nghề tay trái nhưng cũng lại chính là nghề tay phải. Về mặt bản chất, tôi không bán bất động sản, tôi làm du lịch bất động sản. Chúng tôi đưa du khách đến vừa tham quan du lịch, vừa tham quan các dự án về bất động sản để tạo ra những giá trị riêng. Lợi nhuận từ du lịch bất động sản cao hơn nhiều so với con số khoảng 10% của du lịch thuần túy.

Tôi làm những tour du lịch xe đạp dành cho người Việt, nâng cấp lên để đem lại lợi nhuận cao chứ không phải cứ tour xe đạp là tour rẻ tiền. Mỗi đoàn đi phải có 6 người phục vụ, một ô tô chở xe đạp và một ô tô chở người. Phải có đủ thợ cơ khí, y tá, hướng dẫn viên, thợ chụp ảnh và ít nhất một người hậu cần chuẩn bị nước, hoa quả.

Nhìn bạn bè làm du lịch xung quanh cứ "rơi rụng" và "chết lũ lượt" thì lúc đấy ông có sợ không?

- Không, tôi không cảm thấy sợ vì do mọi người đang không chịu gồng mình lên và không chịu vận động suy nghĩ. Mọi người thường có thói quen đi theo lối mòn bởi vì tạo ra một con đường mới thì dễ chết. Cũng rất là nhiều anh em có máu tạo đường mới và cũng chết rồi. 

Đơn cử tôi có người bạn làm giám đốc một công ty du lịch, khi dịch bệnh thì cậu ấy rất năng động quay ra đi buôn cà phê, nhưng sau mất hết tiền và cuối cùng phải bán hết nhà cửa. Bây giờ quay trở lại làm du lịch thì không còn tiền. Tức là gì, cũng rất nhanh nhẹn kiếm lĩnh vực khác để làm và đi con đường mới đấy nhưng tất nhiên bao giờ con đường mới cũng rủi ro. Người nào mà không biết cách linh hoạt để gìn giữ thì sẽ mất hết vốn, thậm chí âm nợ rất nhiều. Điều đó cũng làm cho rất nhiều người sợ. 

Nhưng bản thân tôi thì sẵn sàng tìm con đường mới, con đường mới ấy phải có sự tính toán. Sự tính toán ở đây là gì? Tính toán cả về mặt nguy cơ, giữa được và mất để nghĩ đến hành động. Khi hành động tôi phải biết được khả năng thành công là bao nhiêu phần trăm.

Nhưng cũng có lúc ông thấy nản chứ?

- Không hề. Vì tôi có rất nhiều việc phải nghĩ, phải làm và tôi làm không hết việc thật. Bạn chỉ nản khi bạn cứ đi theo lối mòn và lối mòn đấy không mở ra cho bạn. Còn bây giờ bạn tạo ra con đường mới, bạn đi theo nhưng con đường mới cũng phải thức thời, phải hợp với hoàn cảnh thì bạn sẽ bận ngay.

CEO du lịch kể chuyện gồng mình kiếm 250 triệu đồng/tháng chờ dịch qua - 11
CEO du lịch kể chuyện gồng mình kiếm 250 triệu đồng/tháng chờ dịch qua - 13

Nếu mọi thứ cứ đóng như những năm qua thì ông dự trù Vietfoot có thể trụ đến bao giờ?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ gục ngã bởi Covid-19. Giả sử mọi thứ vẫn đóng, tôi phải làm cái khác. Năm 1997, khi bước chân lên Hà Nội, tôi cũng không có người thân, không một mối quan hệ.

Vậy ông đã nhìn thấy những tín hiệu phục hồi của ngành du lịch chưa?

- Nhìn thấy rõ quá đi chứ, nếu không nhìn thấy thì làm sao chúng tôi hành động. Ngay khi có thông tin mở cửa trở lại từ ngày 15/3, chúng tôi bắt đầu tung chiến dịch ra luôn. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi kế hoạch cho việc thị trường du lịch mở cửa trở lại và bản thân tôi tự tin rằng tất cả kế hoạch của mình ít nhất cho giai đoạn hè 2022 sẽ thành công.

CEO du lịch kể chuyện gồng mình kiếm 250 triệu đồng/tháng chờ dịch qua - 15

 Sẽ có những khó khăn nhất định, không thể mong thị trường bùng nổ ngay được sau "2 năm Covid". Thế thì đương nhiên chúng tôi sẽ mất đi khoảng 50-55% lượng khách tiềm năng, chỉ còn khoảng tầm 40% khách có khả năng đi và thích đi. Khi đó, tôi lại phải vạch ra những dòng sản phẩm khác biệt.

Kỳ vọng của ông trong năm nay về lượng khách du lịch và doanh thu công ty ra sao?

- Tôi kỳ vọng năm nay, doanh thu đạt tầm 30-40% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 43-58 tỷ đồng. Việc mở cửa trở lại sẽ tạo ra kinh tế và tiền đề cho du lịch phát triển.

Mảng du lịch nội địa tôi cho rằng khó có thể kiếm được về lợi nhuận trong năm nay, nhưng chắc chắn vẫn tiếp tục cho hoạt động.

CEO du lịch kể chuyện gồng mình kiếm 250 triệu đồng/tháng chờ dịch qua - 17

Góc nhìn của ông tiến trình phục hồi ngành du lịch?

- Tôi nhận định rằng năm nay sẽ là bản lề cho năm 2023 và 2024. Để du lịch phát triển như hồi năm 2019 thì không chỉ tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam, mà cả thế giới phải được ổn định, ít biến động. Càng những nước nhỏ với nguồn tài chính tích lũy thấp thì càng khó khăn trong việc phục hồi.

Việc các nước nhanh chóng mở cửa, trong khi Việt Nam mới đang từng bước thì có thể thấy Việt Nam đang bị chậm với các nước trong khu vực. Bạn cần được tiếp nhận những làn sóng đầu tư nước ngoài lớn ngay từ đầu, chứ chờ đến lúc các nước xung quanh mở hết thì lúc đấy Việt Nam còn đón được sóng đầu tư hay không? Điều này đòi hỏi chính sách của Trung ương phải khẳng định việc mở cửa một cách rõ ràng.

Bản thân tôi cũng vừa mới đi Sri Lanka, một đất nước nhỏ bé nhưng đã hoàn toàn mở cửa từ năm ngoái. Khách châu Âu đã nườm nượp ở đất nước họ. Tôi cảm nhận nếu Việt Nam của mình được như thế này thì sướng. Hay ở sân bay Singapore tấp nập người, tràn đầy sức sống, còn nhìn sân bay mình thì nó ảm đạm.

CEO du lịch kể chuyện gồng mình kiếm 250 triệu đồng/tháng chờ dịch qua - 19

Việt Nam phải là một điểm đến an toàn và có những chính sách cởi mở thì lúc đấy khách du lịch mới bắt đầu có kế hoạch du lịch đến Việt Nam. 

Ngoài du lịch, ông có dự định đầu tư gì khác không?

- Thực ra tôi chỉ có một đam mê là du lịch và nếu như "chấm hết" thời kỳ lữ hành thì tôi sẽ làm lưu trú. Kế hoạch tương lai của tôi là sau 50 tuổi, kiểu gì tôi cũng xây cho mình một cái resort chứ không làm chung, vì khi mình có ý tưởng sáng tạo mà phải giải thích cho người khác thì mệt lắm. Tôi sẽ tạo ra những sản phẩm xung quanh resort, phục vụ cho hoạt động lưu trú.

Ông định xây ở đâu?

- Hiện tại, tôi dự định hoặc là ở Quảng Ninh quê tôi, hoặc là trên Hòa Bình, gần lòng hồ Hòa Bình vì tôi rất thích nước. Có thể đi xa hơn nhưng tôi không thích đi xa, bởi nếu xa quá, đi lại khó khăn và mất nhiều thời gian thì cứ gần cho dễ kiểm soát. 

Số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam ngày càng giảm mạnh. Nhịp điệu cuộc sống đã dần trở lại bình thường. Kinh tế dần phục hồi với những tín hiệu tích cực: GDP tăng 5,03%, xuất siêu 2,53 tỷ USD sau 4 tháng… Đó là những tín hiệu vui. Nhưng chắc hẳn không ai có thể quên những tháng ngày trải qua đại dịch căng thẳng của cả nước, với những "điểm nóng" Covid-19 một thời… Có người nói nhìn vào đó để mà nhớ nhưng cũng để thấy được sự kiên cường của Việt Nam trong đại dịch, để có động lực cho những nhịp tiếp theo: Sau đại dịch sẽ là phục hồi.

Thực tế, phục hồi kinh tế là vấn đề quan trọng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, đặc biệt khi chúng ta vừa đi qua "2 năm Covid-19". 2022 cũng được xác định là năm của "đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", nhấn mạnh tới yếu tố phục hồi…

Nhân dịp này, Dân trí đăng tải chùm bài chủ đề Phục hồi kinh tế, để kể lại những câu chuyện về nỗ lực để sống và phát triển từ những doanh nghiệp, lĩnh vực được cho là chịu tác động bậc nhất trong Covid-19. Câu chuyện "sống dậy" của những "điểm nóng" Covid-19 một thời, nỗ lực để có thể phục hồi của mọi thành tố trong nền kinh tế và vấn đề phát triển trong bối cảnh mới với những cơ hội và thách thức… cũng sẽ được kể.

Nội dung: Văn Hưng
Ảnh: Hữu Nghị
Thiết kế: Thủy Tiên

Dòng sự kiện: Phục hồi kinh tế